Cơ chế quản lý vốn phân tán thực hiện quản lý vốn từ các đơn vị quản lý vốn đặt tại các chi nhánh nằm trong hệ thống ngân hàng, thay vì chỉ thiết lập duy nhất một cơ quan đặt tại trụ sở chính. Theo đó thì các chi nhánh sẽ tiến hành hoạt động như một ngân hàng con, với tính chất độc lập và tự chủ động trong cân đối tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn, trên cơ sở tuân thủ các quy định của ngành và của hệ thống về quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản và dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng trung ương. Gần như một bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh riêng sẽ được thiếp lập và ở đó thì mọi rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản đều do chi nhánh chịu trách nhiệm. Cơ chế quản lý vốn phân tán hoạt động trên cơ sở vay – gửi với lãi suất áp dụng là lãi suất điều chuyển vốn nội bộ cho từng loại tiền, mỗi chi nhánh chỉ chuyển hoặc nhận vốn đối với phần chênh lệch giữa các khoản vốn huy động và nhu cầu sử dụng vốn tại chi nhánh mình để cho vay hay thực hiện các khoản đầu tư vào tài sản có. Trong cơ chế này thì trụ sở chính của ngân hàng chỉ có vai trò đứng ra nhận hoặc chuyển vốn đối với phần vốn dư hay thiếu của chi nhánh.
Làm rõ về tính chất “như một ngân hàng con” vừa được đề cập. Giả sử nếu ngân hàng thương mại là một tổ chức không có chi nhánh, khi đó nó chỉ là một đơn vị kinh doanh tiền tệ đơn thuần. Trong trường hợp ngân hàng huy động vốn nhiều nhưng cho vay ít dẫn đến tình trạng thừa vốn, phần vốn thừa đó có thể được ngân hàng duy trì dưới dạng tiền mặt vốn được xem là tài sản không sinh lời, hoặc đầu tư vào các tài sản khác như ngoại tệ, trái phiếu hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng là các tài sản sinh lời. Ngược lại khi thiếu vốn, ngân hàng có thể có nhiều cách thực hiện như sử dụng trái phiếu trên thị trường mở, chuyển đổi từ ngoại tệ thành nội tệ, hoặc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp phần vốn thiếu hụt. Với cơ chế quản lý vốn phân tán, trụ sở chính của ngân hàng là chủ thể đóng vai trò như thị trường giúp xử lý về cơ cấu nguồn vốn cho chi nhánh được xem là một ngân hàng trong thị trường đó.
Tóm lại, nguyên tắc triển khai của cơ chế quản lý vốn phân tán là hoạt động theo cơ sở vay – gửi, các chi nhánh ngân hàng chỉ chuyển vốn phần chênh lệch giữa tài sản nợ và tài sản có, trách nhiệm của trụ sở chính là nhận vốn hay chuyển vốn đối với phần
vốn dư thừa hay thiếu hụt của chi nhánh. Và theo đó thì lãi suất điều chuyển vốn nội bộ (nếu có) khi giao dịch nội bộ cũng chỉ áp dụng cho phần chênh lệch này. Với những đặc tính này dẫn đến việc tại mỗi chi nhánh đều có bảng cân đối kế toán ghi nhận sự cân bằng giữa tài sản nợ và tài sản có của chính chi nhánh đó với đặc thù mọi rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản đều do chi nhánh chịu trách nhiệm.
Ưu điểm của cơ chế quản lý vốn phân tán
Sự ra đời và phát triển của cơ chế quản lý vốn phân tán được xem là xu hướng tất yếu phục vụ sự vận hành của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn công nghệ ngân hàng chưa phát triển mạnh mẽ. Xét trong cùng một hệ thống ngân hàng, các chi nhánh quản trị tài sản tốt thì việc áp dụng cơ chế quản lý vốn phân tán giúp đáp ứng nhanh nhạy với diễn biến thị trường để qua đó mang lại hiệu quả cạnh tranh cao. Các chính sách thuộc quy trình quản lý vốn được xây dựng linh hoạt đáp ứng nhu cầu đối với công tác huy động và sử dụng vốn một cách tổng thể. Tình trạng bất cân xứng thông tin giữa nội bộ ngân hàng xuất phát từ một bên quản lý trung tâm là trụ sở chính ngân hàng và đơn vị tiếp nhận thông tin là chi nhánh cũng được giảm thiểu.
Về phía phục vụ khách hàng, cơ chế quản lý vốn phân tán được xem là đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu khách hàng với phương châm không tách rời hoạt động huy động và sử dụng vốn, hoàn toàn có tính đến lợi ích tổng hòa của khách hàng mang lại trên tất cả mảng hoạt động khác của ngân hàng. Vấn đề quan trọng hơn hết của cơ chế này phải kể đến đó là việc trao quyền và khuyến khích chi nhánh tự chủ động trong chính sách huy động và cho vay, với những điều chỉnh cơ cấu tài sản và nguồn vốn một cách linh hoạt trong hoạt động của các chi nhánh.
Bởi tính đơn giản trong tổ chức và vận hành nên cơ chế quản lý vốn phân tán bên cạnh những điểm tích cực vừa nêu thì chắc chắn không thể tránh khỏi những nhược điểm gắn liền với bản chất. Chính vì lẽ đó mà tính ứng dụng của cơ chế quản lý vốn phân tán qua thời gian không còn được đề cao trong thực tế quản trị ngân hàng. Các nhược điểm chủ yếu được nêu ra như sau.
Nhược điểm của cơ chế quản lý vốn phân tán
Trong cơ chế quản lý vốn phân tán thì mỗi chi nhánh hoạt động như một ngân hàng con mang tính độc lập và hoàn toàn chủ động quyết định trong vấn đề cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn. Do đó có thể thấy chức năng quản lý vốn đã bị phân tán, đi
kèm với vấn đề quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất không tập trung mà bị đẩy về phía chi nhánh một cách dàn trải. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong kiểm soát rủi ro và gây lãng phí vốn trong toàn ngành khi mà các đơn vị kinh doanh đã được thiết kế với trọng tâm là bán hàng. Khi phải gánh vác thêm nhiều chức năng khác sẽ gây quả tải, hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng xấu và rủi ro phát sinh là điều khó tránh khỏi.
Trường hợp các ngân hàng triển khai cơ chế quản lý vốn phân tán thì vấn đề điều hành cân đối vốn toàn ngành sẽ rất bị động do không có một đơn vị đầu mối đứng ra điều hoà và thu xếp, dẫn đến công tác quản trị nguồn vốn trong toàn hệ thống chưa hiệu quả. Một điểm trừ lớn nữa là về chính sách đánh giá kết quả kinh doanh và động viên khen thưởng trong hoạt động. Ở đó mức độ đóng góp của chi nhánh vào kết quả chung toàn hệ thống chưa được thể hiện chính xác, nhất quán và bình đẳng. Từ đó ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của chi nhánh, tính chất động viên bị triệt tiêu.
Ngoài ra thì có một thực tế hiển nhiên là khi quy mô hoạt động của ngân hàng ngày càng được mở rộng, hệ thống các chi nhánh ngày càng lớn mạnh sẽ đồng nghĩa với khối lượng phát sinh giao dịch vốn nội bộ ngày càng tăng, đòi hỏi số lượng thao tác, thời gian xử lý nghiệp vụ chuyển vốn ngày càng nhiều. Lúc bấy giờ thì cách thức hoạt động của cơ chế quản lý vốn phân tán tỏ ra khá lạc hậu và không thể đáp ứng yêu cầu của toàn hệ thống.
Từ những hạn chế của cơ chế quản lý vốn phân tán, các ngân hàng hoàn toàn ý thức được tính cấp thiết của việc xây dựng và ứng dụng cơ chế quản lý vốn mới nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy các thế mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các chi nhánh và hướng đến hiệu quả chung cao nhất của toàn ngân hàng. Theo đó các ngân hàng thương mại hiện nay đang dần chuyển sang cơ chế quản lý vốn tập trung mà ở đó có thể nói FTP chính là linh hồn.