nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm trong thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất
Để đảm bảo THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB đạt hiệu quả thì một giải pháp không thể thiếu được đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết từ đó để đánh giá thực
tiễn công tác ĐGQSDĐ, có cơ sở để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật không phù hợp. Trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Tích cực mở rộng các hình thức thanh tra như thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề, thanh tra vụ việc, tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành Qua công tác thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong ĐGQSDĐ.
- Các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ rất tinh vi, phức tạp, do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra Sở Tư pháp và các cơ quan hữu quan như Thanh tra tỉnh, cơ quan Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các huyện, thành phố. Trong quá trình thanh tra cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, đảm bảo kết quả thanh tra phản ánh trung thực, tránh hiện tượng bao che, né tránh, đồng thời xử lý nghiêm minh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ của các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp và những người tham gia đấu giá. Nếu có những hành vi vi phạm pháp luật trong ĐGQSDĐ đủ cấu thành tội phạm thì nhanh chóng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức THPL về ĐGQSDĐ nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi liên kết với nhau giữa đấu giá viên, cán bộ trong tổ chức bán đấu giá với người tham gia đấu giá để thông đồng, làm giá. Cần kiểm tra chặt chẽ việc quản lý danh sách những người tham gia đấu giá để phát hiện những dấu hiệu vi phạm thông đồng móc nối với nhau. Việc quản lý giữ bí mật danh sách những người tham gia đấu giá là vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất, vì nếu không nắm được những người đăng ký tham gia đấu giá thì việc liên hệ, thông đồng, móc nối với nhau khó có thể xảy ra. Do vậy, đối với các tổ chức đấu giá, trong quá trình phân công công việc, tiếp nhận hồ sơ cần quy định rõ từng phần hành công việc từ mua hồ sơ, nộp hồ sơ đến nộp tiền đặt trước để từ đó xác định trách nhiệm của từng cán bộ khi để xảy ra các sai phạm.
- Hiện nay đội ngũ cán bộ thanh tra của Sở Tư pháp các tỉnh Bắc Trung Bộ còn mỏng (Thanh Hoá 03 người, Nghệ An 04 người, Hà Tỉnh 02 người, Quảng Bình 2 người Quảng Trị 1 người và Thừa Thiên Huế 3 người), trong khi đó khối lượng công việc chuyên môn được giao nhiều. Do vậy thời gian đầu tư cho công tác thanh tra đối với hoạt động ĐGQSDĐ đang còn ít, có sở từ năm 2010 đến 2014 vẫn chưa tổ chức được cuộc thanh tra về ĐGQSDĐ nào. Trên cơ sở đó, thời gian tới cần quan tâm, bổ sung biên chế cho thanh tra Sở Tư pháp. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng cán bộ thanh tra, chú trọng bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về ĐGQSDĐ, nghiệp vụ thanh tra; nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ thanh tra tư pháp trong hoạt động nghiệp vụ; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình ĐGQSDĐ.
- Các tỉnh cần thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết quá trình ĐGQSDĐ. Hiện tại pháp luật về ĐGQSDĐ chưa hoàn thiện, có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình đấu giá chưa được pháp luật điều chỉnh cũng như việc quy định của các văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn, thông qua công tác sơ kết, tổng kết để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phản ánh, kiến nghị. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung những văn bản không phù hợp, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc THPL về ĐGQSDĐ. Đồng thời, qua sơ kết, tổng kết để khuyến khích, động viên khen thưởng, nhân rộng điển hình những cá nhân, tổ chức có thành tích, có cách làm hay trong quá trình thực hiện pháp luật về ĐGQSDĐ.
- Để công tác thanh tra, kiểm tra đem lại hiệu quả, bên cạnh việc vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Đây là cơ sở vững chắc trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện những hành vi thông đồng, dìm giá. Đồng thời, đây cũng là lực lượng đông đảo để làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở.
- Cùng với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết nêu trên, cần tăng cường công tác xử lý vi phạm trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ. Bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý bất kể người vi phạm là công dân hay cán bộ, viên chức làm việc trong các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc cán bộ, đấu giá viên làm việc trong các doanh nghiệp bán đấu giá. Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cán bộ, viên chức làm trong các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản còn chịu trách nhiệm về xử lý kỷ luật đối với cán bộ viên chức nhà nước.
Thực hiện hoạt động trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp khác nhằm đảm bảo THPL về ĐGQSDĐ được thực hiện nghiêm túc trong thực tế như quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, con người cho các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ đấu giá viên, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra v.v. Bên cạnh đó, cần chú ý tạo ra cơ chế phát hiện vi phạm pháp luật trong ĐGQSDĐ ngay từ chính trong các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp như đặt hòm thư góp ý, xây dựng Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng kịp thời, thích đáng với người có thành tích trong việc phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của những người điều hành hoặc tham gia ĐGQSDĐ.
Kiên quyết chống mọi biểu hiện bao che, nể nang, nương nhẹ việc xử lý vi phạm pháp luật trong ĐGQSDĐ. Để làm được điều đó cần có sự chỉ đạo kiên quyết, đúng đắn, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương và nhân dân. Cần loại trừ và xử lý nghiêm những biểu hiện can thiệp, cản trở quá trình thực THPL về ĐGQSDĐ của chính quyền các cấp trong xử lý vi phạm trong ĐGQSDĐ.
Đối với những hành vi vi phạm làm thiệt hại nghiêm trọng, có hệ thống, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân thì cần áp dụng cả những biện pháp chế tài nghiêm khắc như xử lý hình sự, không chỉ dừng lại ở xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính. Có như vậy mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, phát huy tác dụng phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB.