Bắc Trung Bộ phải quán triệt quan điểm bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp
Hiện nay, nước ta cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp, do vậy nông nghiệp vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Từ một nước với một nền kinh tế nông nghiệp tập trung mang nặng tính bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, nước ta đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề về kinh tế, xã hội cũng như môi trường. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong giai đoạn hiện nay trên cả nước nói chung và ở các tỉnh BTB nói riêng cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Thời gian qua, trên cả nước cũng như các tỉnh BTB để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc huy động các nguồn lực khác thì việc sử dụng
đất trong đó có đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở hạ tầng là việc làm cần thiết. Do vậy, đất nông nghiệp phải thu hồi, giảm bớt để đầu tư phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã làm cho diện tích canh tác của đất nông nghiệp ngày càng bị giảm bớt, thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, đến đại bộ phận dân số sinh sống bằng nghề nông nghiệp hiện nay. Nhất là, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thời gian qua ở các tỉnh BTB người bị thu hồi đất vẫn chưa được đảm bảo về việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật đất đai về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp vẫn chưa đảm bảo lợi ích và chưa tương xứng với công sức của người dân trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. Trên thực tế, tại nhiều địa phương ở các tỉnh BTB việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đã làm một bộ phận nhân dân rơi vào nghèo đói, đời sống không đảm bảo và đây cũng là nguyên nhân chính làm phát sinh các tệ nạn xã hội. Do đó, việc THPL về ĐGQSDĐ nông nghiệp ở các tỉnh BTB vào phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng cần có sự xem xét, tính toán, cân nhắc và có kế hoạch cụ thể nhằm quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng đất nông nghiệp.
Thời gian qua, ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB đã thể hiện được vai trò nhất định đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đây là hoạt động tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các địa phương, là cơ sở để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo cho sự phát triển bền vững có vị trí vô cùng quan trọng. Có thể nói, đây là vấn đề sống còn, yếu tố cốt lõi trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước hiện đại. Do vậy việc THPL về ĐGQSDĐ nông nghiệp phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc đối với các tỉnh BTB. Trên cơ sở đó, việc đấu giá để chuyển đổi đất nông nghiệp vào mục đích khác, đưa đất nông nghiệp vào tham gia quan hệ đấu giá cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể và có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, sau khi chuyển đổi, số người dân không có đất nông nghiệp để sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc ổn định
cuộc sống. Nếu không được cân nhắc, tính toán kỹ thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tất yếu như nạn thất nghiệp, môi trường bị ô nhiễm, huỷ hoại, an ninh lương thực quốc gia bị ảnh hưởng, tệ nạn xã hội phát triển. Do vậy, THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB cần phải quán triệt quan điểm bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp.