Khái niệm thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 31 - 33)

Trước khi nghiên cứu khái niệm THPL về ĐGQSDĐ, cần hiểu rõ khái niệm THPL.

Thực hiện pháp luật là một khái niệm pháp lý được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật“ [87, tr.270] Quan điểm thứ hai cho rằng: “Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích, có chủ định để làm cho các quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hoạt động thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật“ [52, tr.270].

Quan điểm thứ ba cho rằng: “Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hoá các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật“ [84, tr.463]

Các quan điểm trên tuy có những điểm khác nhau, song nhìn một cách tổng thể thì chúng đều có những điểm chung cơ bản là: THPL là hoạt động của các chủ thể pháp luật với mục đích là làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực của cuộc sống.

Thực hiện pháp luật về bản chất đó là sự chuyển hoá các quy tắc xử sự, các mệnh lệnh, chỉ dẫn của pháp luật thành những hành động hoặc không hành động của các chủ thể pháp luật, được tiến hành thông qua hành vi hợp pháp của họ, nhằm đạt được mục đích của pháp luật đặt ra. Như vậy, THPL luôn là hành vi của con người được tiến hành phù hợp với các quy định của pháp luật và không vượt ra khỏi khuôn khổ mà pháp luật đã định trước.

Đối với THPL về ĐGQSDĐ, đây là một quá trình hoạt động với nhiều trình tự, thủ tục như xác định giá khởi điểm, thông báo, niêm yết, nộp phí, nộp tiền đặt trước, tổ chức điều hành cuộc đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá. Có nhiều chủ thể tham gia với những vị trí và vai trò khác nhau như cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có QSDĐ đưa ra đấu giá, Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý về đấu giá và là chủ thể có quyền sở hữu đối với đất đai, các chủ thể tổ chức điều hành đấu giá như doanh nghiệp bán đấu giá, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và các chủ thể tham gia đấu giá nhằm mua được QSDĐ phục vụ cho nhu cầu của mình như các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Để THPL về ĐGQSDĐ các chủ thể đã căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật để tổ chức và điều hành cuộc đấu giá. Chẳng hạn Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản căn cứ vào Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Quyết định 216/2005/QĐ-TTg để điều hành cuộc ĐGQSDĐ, căn cứ vào kết quả cuộc đấu giá, Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả cuộc đấu giá. Hoặc một số cán bộ, công chức được Nhà nước trao thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật để tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình tổ chức ĐGQSDĐ. Những trình tự, thủ tục trong quá trình hoạt động của các chủ thể nói trên được pháp luật quy định cụ thể, trong quá trình thực hiện các chủ thể phải nghiêm túc thực hiện.

Từ sự phân tích trên có thể rút ra khái niệm: Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất là quá trình hoạt động có mục đích, của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia quan hệ đấu giá quyền sử dụng đất, bằng hành vi của mình để làm cho những quy định về đấu

giá quyền sử dụng đất đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 31 - 33)