có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước chỉ giao quyền sử dụng đất, không giao quyền định đoạt cho các chủ thể. Do đó, trong các quan hệ liên quan đến đất đai luôn có sự hiện diện của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu.
Đấu giá quyền sử dụng đất là một hình thức đặc biệt so với các hình thức đấu giá tài sản, vì tài sản đưa ra đấu giá là thuộc sở hữu nhà nước. Để THPL về ĐGQSDĐ đưa lại hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Công an và các cơ quan, ban, ngành khác. Điều này được thể hiện bằng quy chế phối hợp giữa các ngành trong đó cần nêu lên nội dung, cách thức phối hợp và trách nhiệm chủ trì của các ngành. Từ đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành tạo nên sự thống nhất và khắc phục được những tồn tại trong thời gian qua như tình trạng không quản lý được các doanh nghiệp đấu giá, các chi nhánh cũng như văn phòng đại diện các
doanh nghiệp bán đấu giá hoặc việc định giá QSDĐ quá cao hoặc quá thấp so với thị trường, tình trạng thông đồng dìm giá trong quá trình đấu giáSự phối hợp giữa các ngành được thể hiện cụ thể như:
Giữa Sở Tư pháp với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh BTB cần ban hành quy chế phối hợp nhằm để quản lý tốt hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Quá trình thành lập phải tuân theo các quy định của pháp luật về doanh nghiệp như điều kiện về chủ thể, vốn và các điều kiện khác. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản cho Sở tư pháp nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản. Sở Tư pháp có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về tố chức, hoạt động bán đấu giá tài sản cũng như tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ trong quá trình hoạt động của các tổ chức bán đấu giá. Do vậy, để quản lý việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong quy chế phối hợp cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong từng công việc. Cụ thể như trong đăng ký thành lập doanh nghiệp cho phép các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoạt động, Sở Kế hoạch Đầu tư là cơ quan chủ trì và thông báo cho Sở Tư pháp là cơ quan phối hợp biết để theo dõi các doanh nghiệp thành lập ở địa phương kinh doanh trong lĩnh vực đấu giá. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, Sở Tư pháp chủ trì lên chương trình, kế hoạch mời Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia việc thanh tra, kiểm tra đối với quá trình hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch và Đầu tư để thông tin cho nhau về tình hình đăng ký thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp. Thông qua quá trình phối kết hợp giữa hai Sở để nắm chắc quá trình thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp bán đấu giá và số đấu giá viên hoạt động. Trên cơ sở đó để khen thưởng những tổ chức đấu giá, đấu giá viên thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như đề xuất với Bộ Tư pháp thu
hồi chứng chỉ hành nghề đối với những đấu giá viên không đủ các điều kiện theo quy định hoặc quá trình hoạt động vi phạm pháp luật.
Đối với mối quan hệ giữa Sở Tư pháp và Sở Tài chính, theo quy định, Sở Tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Trong khi đó, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì trong việc định giá QSDĐ đưa ra đấu giá cũng như thẩm định kết quả đấu giá trước khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả ĐGQSDĐ trong trường hợp ĐGQSDĐ để giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng sử dụng đất. Để đưa ra giá cả phù hợp, phương án đấu giá có tính khả thi, đảm bảo tốt cho việc THPL về ĐGQSDĐ thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài chính và Sở Tư pháp. Các cuộc họp do Sở Tài chính chủ trì cần có sự tham gia của Sở Tư pháp, từ thực tiễn chỉ đạo quá trình tổ chức THPL về ĐGQSDĐ, Sở Tư pháp sẽ có ý kiến quan trọng góp phần đưa ra mức giá khởi điểm sát với giá thị trường.
Ngoài ra, trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở Tư pháp và ngành Công an trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các cuộc ĐGQSDĐ, hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, cò mồi trong ĐGQSDĐ. Trong sự phối hợp, cần nêu lên những công việc cụ thể mà Sở Tư pháp thực hiện và công việc cơ quan Công an thực hiện. Định kỳ hàng tháng hai cơ quan cần giao ban để phản ánh những công việc đã phối hợp thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, Sở Tư pháp cung cấp cho Công an những trường hợp cá biệt, những dấu hiệu của sự thông đồng, dàn xếp trong quá trình đấu giá, từ đó cơ quan Công an có phương án giải quyết phù hợp.
Mối quan hệ giữa Sở tư pháp với Sở Tài nguyên và Môi trường: Với nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường mà trực tiếp là Trung tâm phát triển quỹ đất có trách nhiệm tạo quỹ đất sạch để đưa vào đấu giá cũng như sau khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu giá thì tiến hành các thủ tục tiếp theo nhằm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho chủ thể trúng đấu giá hoặc có trách nhiệm chỉnh sửa, đo đạc những thửa đất có sai lệch trong quá trình đưa vào đấu giá. Thực tế trong thời gian qua, có những thửa đất thu hồi để đưa ra đấu
giá là thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, khi quyết định thu hồi cũng như khi tiến hành lập phương án đấu giá, cơ quan chức năng đã căn cứ vào các thông số ghi trên giấy chứng nhận QSDĐ mà không đo vẽ lại thửa đất. Việc đo vẽ lại chỉ được thực hiện sau khi giao đất cho người trúng đấu giá và thường phát sinh sai lệch so với giấy chứng nhận QSDĐ. Giải quyết phát sinh này cần phải điều chỉnh lại giấy chứng nhận QSDĐ, điều chỉnh quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Do vậy, để tránh những vấn đề phức tạp có thể phát sinh trong quá trình đấu giá thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với Sở Tài nguyên và Môi trường. Đó là phối kết hợp trong việc đo vẽ lại những thửa đất đưa vào đấu giá trong giai đoạn phê duyệt phương án đấu giá, nếu có sai lệch thì cần chỉnh sửa lại phương án đấu giá để khi đưa ra đấu giá phải đảm bảo là đất sạch. Bên cạnh đó, trong tất cả các cuộc ĐGQSDĐ cần phải có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia để giám sát và hỗ trợ các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá.
Như vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhằm THPL về ĐGQSDĐ có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Công an và các cơ quan, ban, ngành khác. Việc phối hợp này cần được quy định cụ thể trong quy chế phối hợp, trong đó cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về chế độ khen thưởng đối với những cơ quan có sự phối hợp tốt và đề nghị UBND tỉnh chi một khoản tiền thu được từ ĐGQSDĐ nhằm khuyến khích các cơ quan trong quá trình phối hợp.