Đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 87)

- Đặc điểm về kinh tế

Với điều kiện tự nhiên như nêu trên, các tỉnh BTB có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Nhưng cho đến nay, những tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Hiện tại BTB là một trong những vùng nghèo của nước ta, đang ở trong tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển. GDP bình quân đầu người của các tỉnh BTB xếp vào loại thấp nhất trong cả nước; thu ngân sách không đủ chi, thường xuyên phải nhờ đến sự giúp đỡ của Trung ương; cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, chuyển dịch còn chậm, phân công, hợp tác trong sản xuất chưa cao, chủ yếu làm ăn riêng lẻ, khép kín, tự túc, tự cấp trong từng địa phương. Nền kinh tế mang tính thuần nông, ngành nghề nông thôn chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp tập trung phần lớn vào trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh cây công nghiệp, cây thực phẩm còn chậm. Kinh tế hàng hoá kém phát triển, chưa tạo được những mũi nhọn kinh tế, những tập đoàn lớn trong sản xuất, kinh doanh để mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Kết quả đem lại những năm đổi mới vừa qua chủ yếu đổi mới cơ chế, chính sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả đưa lại còn khiêm tốn.

- Đặc điểm về văn hoá, xã hội

Dân số các tỉnh BTB, tính đến cuối năm 2013 là 10.297,7 nghìn người, chiếm 11,48% dân số cả nước. Dân số trong độ tuổi lao động 6.344,7 nghìn

người chiếm 61,6% dân số toàn vùng [88]. Dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng, vùng ven đường quốc lộ, ven thị và ven biển. Có 25 dân tộc sinh sống trong đó người Kinh là chủ yếu. Khác với người dân đồng bằng Nam Bộ, người dân khu vực BTB rất coi trọng nơi ăn, chốn ở. Dựng vợ, gả chồng, mua nhà được xem là những việc lớn nhất trong đời người, vì lẽ đó người dân ở khu vực này thường chắt chiu, chịu thương, chịu khó để tạo cuộc sống cho mình, cho con, cho cháu. Sinh hoạt văn hoá của người dân khu vực BTB có nhiều nét độc đáo, cho đến nay hầu hết các làng quê đều giữ được những ngày lễ hội, ngày giổ tổ nghề, lễ cầu mùa, cầu ngư“

Vùng BTB được coi là mãnh đất “địa linh nhân kiệt“. Nơi đã sinh ra nhiều vị anh hùng dân tộc, nhiều danh nhân lịch sử văn hoá tiêu biểu như: Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp“.đặc biệt là nơi sinh ra và lớn lên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Bên cạnh đó, nói đến vùng BTB là nói đến truyền thống cần cù hiếu học, coi trọng đạo lý, sống thanh bạch giản dị, coi trọng tình làng nghĩa xóm “lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều“ “tương thân tương ái“, coi trọng kỹ cương trong gia đình, “tôn sư trọng đạo“, thương người như thể thương thân. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với cấu kết làng xã theo kiểu khép kín nên con người khu vực BTB thường có tư tưởng, tâm lý bằng lòng với những gì mà mình đã có, ít dám vươn xa, mạo hiểm với những quan hệ kinh tế bên ngoài.

Cấu trúc làng xã của nông thôn Bắc Trung Bộ chủ yếu theo dòng họ, thân tộc. Đây là cơ sở vững chắc cho sự đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống lại thiên nhiên, là chiến luỹ vững chắc chống lại kẻ thù xâm lược. Song đây cũng là đặc điểm dễ trở thành những “ốc đảo khép kín“, cục bộ với tư tưởng mang nặng tính gia trưởng, độc đoán chuyên quyền tạo nên sự bảo thủ, trì trệ, định kiến, hẹp hòi, tạo sức ỳ rất lớn cho người dân ởvùng này. Do vậy, những cái mới, cái tiến bộ, những cách làm hay từ bên ngoài tác động vào chậm chạp, có khi còn bị cản trở.

Nhân dân các tỉnh BTB có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân dân nơi

này đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tên đất, tên làng ở khu vực BTB đã đi vào lịch sử như những huyền thoại, tô thêm truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), phà Xuân Sơn (Quảng Bình) “ là những điểm sáng biểu trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện bản lĩnh khí phách của một dân tộc anh hùng.

Từ những đặc điểm về kinh tế, văn hoá, xã hội như nêu trên đã tác động không nhỏ đến THPL về ĐGQSDDĐ các tỉnh Bắc Trung Bộ, đó là: Về thuận lợi, với những truyền thống đáng quý của người dân ở đây đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức cũng như tham gia ĐGQSDĐ của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Mục đích tham gia đấu giá của các chủ thể thường là để phục vụ nhu cầu của mình, rất ít có trường hợp ĐGQSDĐ vì mục đích kinh doanh hoặc để thực hiện hành vi “cò đất“, do vậy việc THPL về ĐGQSDĐ thường gặp thuận tiện. Do điều kiện kinh tế các tỉnh BTB còn gặp nhiều khó khăn, tiền thu được thông qua đấu giá chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng thu ngân sách của địa phương, nên cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện cho việc THPL về ĐGQSDĐ. Về khó khăn, với đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội như đã nêu trên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, các doanh nghiệp ở các vùng khác khó để vào tổ chức đấu giá ở vùng này. Với tư tưởng còn mang dấu ấn thời kỳ bao cấp nên chính quyền vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phát triển, vẫn còn tâm lý muốn giao việc tổ chức ĐGQSDĐ cho UBND cấp huyện hoặc Sở Tài chính (như cơ chế cũ); chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo đấu giá viên cũng như áp dụng các hình thức đấu giá mới về đấu giá vào ĐGQSDĐ. Do vậy, các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp cũng như các đấu giá viên các tỉnh BTB thời gian qua còn khiêm tốn so với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, từ đó ảnh hưởng đến kết quả việc THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB trong thời gian qua.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 87)