Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ phải dựa trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 123 - 125)

Bắc Trung Bộ phải dựa trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý là một quan điểm quan trọng và đúng đắn của Đảng ta về vấn đề đất đai. Quan điểm này vừa dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam trong 85 năm qua.

Về cơ sở lý luận, Mác và Ăngghen đã nhiều lần khẳng định đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân trong các tác phẩm của mình. Trong lời tựa cuốn “Chiến tranh nhân dân Đức“, Ăngghen đã phân tích và cho rằng đất đai phải thuộc sở hữu của toàn thể nhân dân. Ông nhấn mạnh “Vì lợi ích của toàn xã hội cần phải biến quyền sở hữu ruộng đất thành sở hữu chung của nhân dân“[61, tr.181]. Kế thừa và phát triển quan điểm trên, Lê nin luôn cho rằng đất đai là cơ sở vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Lênin đã ban hành sắc lệnh về ruộng đất nhằm xoá bỏ chế độ tư hữu ruộng đất ở Nga, thu hồi ruộng đất của giai cấp tư sản và phong kiến để chia cho nông dân, Sắc lệnh của Lênin khẳng định “Vĩnh viễn xoá bỏ tư hữu ruộng đất, từ nay ruộng đất không thể đem bán

đi, mua về, cho thuê mướn, cầm cố hay nhượng lại bằng bất cứ một cách nào khác; tất cả ruộng đất của Nhà nước, ruộng đất của thái ấp, của hoàng gia, của giáo hội, ruộng đất tô nhượng“ đều trở thành tài sản của toàn dân và giao cho tất cả những người cày cấy ruộng đất sử dụng“ [56, tr.27]

Hiện nay toàn bộ đất đai trên lãnh thổ nước ta cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ là kết quả của quá trình chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã đổ biết bao nhiêu sức lực và xương máu để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc. Do vậy, đất đai ở nước ta không thể là của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà đó là tài sản của toàn thể nhân dân trong đó Nhà nước là người đại diện cho nhân dân quản lý toàn bộ đất đai.

Từ những cơ sở trên, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề đất đai, quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân luôn khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và được Nhà nước cụ thể hoá trong Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013.

Có thể thấy, Nhà nước được nhân dân uỷ quyền và đã thay mặt nhân dân đứng ra làm chủ sở hữu đại diện đối với toàn bộ đất đai, có quyền quản lý, phân bổ đất đai và xác lập địa vị pháp lý cho các chủ thể tham gia quan hệ đất đai. Trong các quan hệ đất đai được xác lập luôn hiện diện sự có mặt của Nhà nước nhằm quản lý, kiểm soát và chi phối việc sử dụng đất của các chủ thể với mục đích là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, tạo điều kiện để các chủ thể khai thác các giá trị và khả năng sinh lợi của đất. Tuy nhiên, cần phải tách bạch giữa các quyền của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với các quyền của người sử dụng đất. Theo đó, phạm vi, ranh giới của Nhà nước trong việc can thiệp và điều chỉnh các quan hệ ĐGQSDĐ phải được xác định ở mức độ hợp lý vừa đảm bảo được vai trò của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo quyền chủ động của chủ thể tham gia ĐGQSDĐ. Như vậy, trong quá trình THPL về ĐGQSDĐ ở Việt Nam hiện nay cần quán triệt nghiêm túc quan điểm xuyên suốt là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.

Ở các tỉnh BTB hiện nay, trong THPL về ĐGQSDĐ cần đặc biệt quán triệt nghiêm túc và tuyệt đối quan điểm chỉ đạo này. Theo đó, THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB phải đảm bảo sự định hướng và quản lý của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đại diện. Sự điều chỉnh của pháp luật về ĐGQSDĐ phải được thiết kế sao cho các hoạt động ĐGQSDĐ được xác lập, thực hiện trên cơ sở có sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tư cách là cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu đại diện thể hiện qua các hoạt động định giá, phê duyệt kết quả đấu giá, quy định trình tự thủ tục đấu giá. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong trường hợp này với ý nghĩa là định hướng, tạo điều kiện, hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hiện ĐGQSDĐ được thực hiện nghiêm túc, thuận lợi chứ không làm mất đi tính chủ động của các chủ thể tham gia ĐGQSDĐ.

Có thể nói, quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân của Đảng ta là một quan điểm quan trọng, phù hợp với đặc điểm điều kiện của nước ta, nên trong quá trình quản lý, sử dụng đất, quá trình THPL về ĐGQSDĐ ở các tỉnh BTB cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc này. Hay nói cách khác đây là “kim chỉ nam“ cho việc THPL về ĐGQSDĐ ở nước ta nói chung và ở các tỉnh BTB nói riêng. Bởi quan điểm này vừa bảo vệ được đất đai là một tài sản quý giá của quốc gia, vừa bảo vệ được các quyền và lợi ích của người sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay (Trang 123 - 125)