Đặc điểm của giao thông vận tải đô thị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở các đô thị việt nam (Trang 28 - 29)

a. Về hành khách

Dân số đông đúc là một đặc trưng cơ bản nhất của đô thị, là nguyên nhân nảy sinh ra những đặc điểm khác của đô thị, dân số đông kéo theo nhu cầu về việc làm lớn, nhu cầu về học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí v.v.. cũng nhiều. Hàng ngày, hành khách thực hiện số chuyến đi để thoả mãn các nhu cầu của họ, số chuyến đi được đo bằng chỉ tiêu "hệ số đi lại", chỉ tiêu này nó khác nhau đối với từng nhóm đối tượng, chẳng hạn, học sinh, sinh viên có hệ số đi lại khác với cán bộ công nhân viên.

Những đô thị loại I thường là trung tâm thương mại, kinh tế, ở đó dân số gồm nhiều thành phần, nhu cầu đi lại của hành khách rất lớn. Số chuyến đi này được thực hiện bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Có thể đi bằng phương tiện đi lại cá nhân hoặc bằng phương tiện VTHKCC.

Khi thực hiện chuyến đi, hành khách thường có tâm lý lựa chọn tuyến đường mà họ tin rằng thời gian đi lại trên tuyến đó là ngắn nhất, an toàn nhất và thuận tiện nhất.

So với các vùng ngoại thành, vùng nông thôn, luồng hành khách trên các tuyến đường đô thị lớn hơn rất nhiều, biến động giờ trong ngày, ngày trong tuần. Lượng hành khách thường ổn định, cự ly bình quân của một chuyến đi là ngắn, phương tiện đi lại chủ yếu là phương tiện vận tải cá nhân và phương tiện vận tải hành khách công cộng với cơ cấu khác nhau ở các đô thị khác nhau.

Sự thay đổi luồng hành khách trên tuyến rõ rệt nhất là giờ trong ngày, hình thành giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra sự ùn tắc giao thông.

Các chuyến đi cự ly ngắn, hành khách thường chọn hình thức đi bộ.

Các chuyến đi cự ly trung bình hành khách thường chọn hình thức đi xe đạp, xe máy cá nhân.

Chuyến đi có cự ly dài, hành khách thường chọn xe buýt, xe ô tô con v.v… bên cạnh biến động giờ trong ngày, luồng hành khách còn biến động theo hướng, các tuyến đường nối liền từ ngoại thành vào nội thành, thể hiện rất rõ đặc điểm này.

b. Về hệ thống đường giao thông

Đường giao thông được ví như hệ thống mạch máu trong cơ thể con người, là điều kiện để phương tiện và hành khách đi lại, đường giao thông đô thị có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Đường giao thông đô thị có năng lực thông qua thực tế lớn, công suất luồng hàng hoá, hành khách trên tuyến đường lớn, dễ xảy ra ùn tắc.

- Trên tuyến có số lượng nút giao thông nhiều, chủ yếu là nút giao cắt đồng mức, ảnh hưởng đến việc lưu thông phương tiện và thường gây tắc nghẽn giao thông.

- Việc sử dụng đất đô thị cho mục đích làm đường giao thông gặp nhiều khó khăn, chi phí xây dựng mới đường đô thị tốn kém, chủ yếu là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

- Khi quy hoạch mạng lưới đường giao thông đô thị, một mặt phải tuân theo những quy định về kiến trúc chung của đô thị để tạo thẩm mỹ cho đô thị, mặt khác cũng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về đường giao thông.

- Do công suất luồng hàng hoá và hành khách lớn, cho nên hệ thống đường phải có sự phân luồng hợp lý, phải bố trí đường một chiều, hệ thống đèn tín hiệu ở các nút giao thông, hệ thống biển báo đầy đủ trên các tuyến đường để giúp cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông dễ dàng trong việc lựa chọn hành trình của mình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở các đô thị việt nam (Trang 28 - 29)