Khái quát chung về phát triển đô thị ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở các đô thị việt nam (Trang 58 - 59)

- Các yêu cầu kỹ thuật về thiết kế và xây dựng đường giao thông đô thị.

2.1.1 Khái quát chung về phát triển đô thị ở Việt Nam

Theo quy định tại các văn bản, đô thị Việt Nam là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước hay của một vùng lãnh thổ nhất định, có dân số từ 4000 người trở lên và có 65% dân số của vùng là lao động phi nông nghiệp, có cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn quy định đối với từng loại đô thị, mật độ dân số phù hợp với quy mô và tính chất của từng đô thị [24].

Ở Việt Nam, mạng lưới đô thị được mở rộng với tốc độ rất nhanh, hiện cả nước có khoảng hơn 752 đô thị, trong đó có 2 đô thị với dân số trên 6 triệu người, 15 đô thị có dân số từ 25 vạn đến 3 triệu người, 74 đô thị có dân số từ 5 vạn đến 25 vạn người, các đô thị còn lại với dân số dưới 5 vạn người. [24]

Việc quản lý đô thị ở Việt Nam đã được chú trọng hơn, nhiều văn bản pháp luật về quản lý đô thị đã được ban hành ở trên nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, văn hóa, xã hội, du lịch, v.v.

Tại nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, đô thị Việt Nam bao gồm: Thành phố, thị xã, thị trấn, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Đô thị ở Việt Nam được phân thành 6 loại: Đô thị đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V [24].

Các đô thị Việt nam được hình thành từ rất lâu đời, được đóng tại những vị trí thuận lợi về điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, về thời tiết khí hậu.

Việt Nam thuộc khu vực Châu Á Thái bình dương, là một trong những khu vực phát triển năng động trong khu vực, Việt Nam nằm trên các tuyến giao thông quốc tế quan trọng, các đô thị nằm ở các đầu mối giao lưu có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tạo lợi thế hình thành và mở rộng kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, nhiều quốc gia trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam nói chung và đầu tư vào các đô thị, các khu công nghiệp nói riêng tạo thêm nhiều nguồn lực để phát triển đô thị.

Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại, đó là:

Thứ nhất. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị thường bị quá tải, tắc nghẽn xảy ra thường xuyên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.

Thứ hai. Khó khăn về quản lý hành chính của chính quyền đô thị, tốc độ đô thị hóa nhanh vượt quá khả năng điều hành và quản lý của chính quyền địa phương nhất là việc quản lý đất đai, quản lý nhà ở, quản lý kiến trúc xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng, v.v.

Thứ ba. Sự mất cân đối giữa nông thôn và đô thị, đô thị thường phát triển nhanh hơn so với khu vực nông thôn, dẫn đến khoảng cách về chất lượng cuộc sống giữa hai khu vực này càng sâu sắc, đô thị hóa đã làm mất diện tích đất nông nghiệp, tăng dân số cơ học của đô thị do dòng người từ nông thôn chuyển về đô thị tìm công ăn việc làm hàng năm rất lớn.

Những khó khăn và thách thức đối với vấn đề tăng trưởng đô thị ở Việt Nam hiện nay đáng được quan tâm nếu không có giải pháp đáp ứng kịp thời và tương xứng thì có thể dẫn đến sự phát triển không bền vững với tất cả các đô thị. [4].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở các đô thị việt nam (Trang 58 - 59)