Sự cần thiết phải hoàn thiện

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn kinh tế việt nam theo mô hình công ty mẹ công ty con (Trang 120 - 122)

- Về tổ chức lập, phân tích và công khai báo cáo kế toán

3.1.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện

Quá trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam trong thời gian qua được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Kế toán, hệ thống 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn, chế độ kế toán các loại hình doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho việc tạo lập những khuôn khổ pháp lý nhất định để có thể lập và trình bày BCTC của các TĐKT một cách minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thành tựu bước đầu cho nên thời gian tới Việt Nam nhất thiết còn phải có quá trình rà soát lại để đánh giá những tồn tại cũng như những kết quả đã đạt được nhằm thực hiện những bước cải cách tiếp theo.

Kế toán là công cụ quan trọng phục vụ quản lý kinh tế, nó tồn tại và phát triển cùng với nền sản xuất xã hội. Với tư cách là công cụ quản lý kinh tế, tài chính, kế toán là một lĩnh vực gắn liền với hoạt động kinh tế, tài chính, có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà còn vô cùng quan trọng, cần thiết với các TĐKT. Do đó, khi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì các tập đoàn đều cần thiết phải quan tâm đến việc tổ chức công tác kế toán. Do đó, hoàn thiện tổ chức công tác kế toán ở các TĐKT là cần thiết khách quan xuất phát từ một số lý do chủ yếu sau:

* Xuất phát từ nhu cầu và xu thế hội nhập về kế toán:

Theo xu thế phát triển của các TĐKT trên thế giới thì các tập đoàn kinh tế Việt nam cũng đã và đang có rất nhiều hoạt động kinh doanh, vay vốn và

liên doanh với nước ngoài. Trong các năm tới, các TĐKT Việt Nam sẽ tiếp tục có những hợp đồng kinh tế được ký kết với các đối tác nước ngoài. Do đó, để có cơ sở chắc chắn cho việc ký kết và thực hiện các hợp đồng đòi hỏi phải có BCTCHN được bạn bè quốc tế thừa nhận. Như vậy, việc hoàn thiện chế độ kế toán, lập và trình bày BCTC của các đơn vị thành viên cũng như của cả tập đoàn sao cho được các đối tác nước ngoài thừa nhận số liệu trên BCTC là vấn đề hết sức thời sự hiện nay. Bởi vì hiện nay khi vay vốn, khi phát hành cổ phiếu ra công chúng (kể cả ra nước ngoài)…thì các tập đoàn vẫn phải thuê công ty kiểm toán chuyển đổi BCTC được lập theo chuẩn mực và chế độ kế toán Việt nam sang chuẩn mực kế toán quốc tế. Nếu không chuẩn hoá theo yêu cầu, chuẩn mực quốc tế thì những thông tin các tập đoàn cung cấp sẽ không có ý nghĩa đối với họ. Mặc dù về cơ bản là hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng và ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, thế nhưng thực tế đến giai đoạn hiện nay thì giữa hai hệ thống chuẩn mực kế toán này vẫn còn có những khác biệt mà Việt Nam cần xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp trong thời gian tới.

* Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tiến trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam:

Sự ra đời của Luật kế toán, 26 chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp đã tạo nên những thay đổi đáng ghi nhận trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, do công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ nên những cải cách về chế độ kế toán vẫn chưa phản ánh và ghi nhận hết những vấn đề kinh tế, tài chính mới nảy sinh còn chưa rõ nét từ thực tiễn phát triển kinh tế thời gian qua. Mặt khác, chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt nam được xây dựng dựa trên nền tảng của chuẩn mực kế toán quốc tế nên sẽ không tránh khỏi những áp đặt miễn cưỡng trong một mức độ nhất định. Hơn nữa, công cuộc cải cách kế toán đã đi trước và độc lập so với công cuộc cải cách chính sách tài chính và chính sách thuế nên sẽ không tránh khỏi những

khác biệt nhất định. Bản thân trong quá trình ban hành văn bản quy định về kế toán nói chung và các quy định liên quan đến tổ chức công tác kế toán có những nội dung chưa đồng nhất với nhau hoặc những quy định liên quan đến tổ chức công tác kế toán cũng chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi vận dụng trong thực tế cũng như nghiên cứu. Do đó, tiếp tục hoàn thiện lý luận, hệ thống pháp lý liên quan đến tổ chức công tác kế toán của tập đoàn là một đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

* Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các tập đoàn kinh tế:

Việc hình thành các TĐKT nhằm gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu, triển khai, đào tạo trong các ngành kinh tế then chốt tạo điều kiện để Việt nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Để thực hiện được vai trò to lớn đó thì việc sử dụng công cụ kế toán trong quản lý là hết sức quan trọng và cấp thiết hiện nay đối với các TĐKT. Những cơ chế, chính sách tài chính và chính sách kế toán của các tập đoàn có nhiều điểm khác biệt so với các mô hình trước đây như quan hệ về sở hữu, quan hệ đầu tư tài chính, quan hệ phân phối, quan hệ kiểm soát và chi phối, trách nhiệm lập BCTCHN, do vậy tổ chức công tác kế toán nhất thiết phải xây dựng theo mô hình mới cho phù hợp. Đồng thời, thực tế các tập đoàn được thí điểm thành lập và hoạt động trong thời gian qua đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức công tác kế toán nói chung và xác định mô hình, mối quan hệ về hạch toán, việc lập BCTCHN nói riêng. Bản thân các đơn vị này cũng chưa nhận thức đầy đủ và đúng mối quan hệ về hạch toán giữa công ty mẹ và các công ty con, cũng như trách nhiệm của các bên trong việc lập BCTCHN và phương pháp, trình tự lập các báo cáo này.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn kinh tế việt nam theo mô hình công ty mẹ công ty con (Trang 120 - 122)