- Về tổ chức lập, phân tích và công khai báo cáo kế toán
3.1.2. Yêu cầu cơ bản của việc hoàn thiện
* Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế phải phù hợp với đặc thù về quản lý kinh tế tài chính và tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua các chính sách quản lý vĩ mô. Kế toán với tư cách là một bộ phận cấu thành của hệ công cụ quản lý kinh tế, không thể tách rời khỏi các chính sách, quy định về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước. Nhiệm vụ chủ yếu của kế toán là thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho nhà quản lý nhằm đưa ra các quyết định kinh tế tối ưu. Vì thế, trong quá trình tổ chức công tác kế toán phải đảm bảo sự phù hợp của các chính sách, chế độ về quản lý kinh tế, tài chính với các công cụ được sử dụng trong quản lý – đó là kế toán. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hàng loạt chính sách kinh tế đang được hoàn chỉnh, bổ sung và sửa đổi. Trong điều kiện đó, các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô kể cả các chính sách kế toán, ngoài việc phải đảm bảo tính đặc thù của nền kinh tế Việt Nam còn phải đảm bảo sự phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về quản lý kinh tế.
Tổ chức công tác kế toán cần phải phù hợp với đặc điểm và trình độ quản lý của từng tập đoàn cũng như sự phát triển của tập đoàn trong tương lai. Chế độ kế toán của từng tập đoàn được xây dựng trên cơ sở chế độ kế toán doanh nghiệp và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, quá trình đổi mới và phát triển. Do thực tế các tập đoàn kinh tế mới được hình thành chưa lâu nên đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, chính sách tài chính và kế toán. Việc xây dựng chính sách kế toán chỉ đầy đủ khi các tập đoàn kinh tế đã xây dựng được cơ cấu tổ chức và chính sách tài chính chặt chẽ và rõ ràng. Bên cạnh đó, các quy định của nhà nước liên quan đến tổ chức công tác kế toán, đặc biệt là hệ thống BCTCHN hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu
thực tiễn khiến quá trình cụ thể hoá các quy định này tại các tập đoàn kinh tế chưa đầy đủ và chưa phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo ra những bước đi thích hợp nhằm đưa kế toán Việt Nam hoà nhập với kế toán các nước trên thế giới bởi “đối với công tác kế toán phải được thực hiện theo những chuẩn mực chung trên phạm vi toàn cầu” [27]. Điều này được thể hiện khi Nhà nước đã ban hành Luật Kế toán là khung pháp lý cao nhất để quản lý mọi hoạt động kế toán ở tầm vĩ mô, đồng thời làm cơ sở cho việc điều chỉnh các hành vi của người làm kế toán trong các doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế. Các vấn đề mà Luật Kế toán quy định sẽ tạo điều kiện về pháp lý cho việc tuân thủ các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước đã ban hành các Chuẩn mực kế toán Việt Nam trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế, phù hợp với đặc thù và yêu cầu quản lý cụ thể về trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó, khi tổ chức công tác kế toán cần phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với đặc thù về quản lý kinh tế tài chính và tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về kế toán.
* Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế phải đảm bảo phù hợp với định hướng đổi mới và phát triển các tập đoàn kinh tế Việt Nam.
Kế toán là một trong những công cụ quan trọng để quản lý vĩ mô nền kinh tế, đồng thời đảm bảo cho doanh nghiệp nói chung và TĐKT nói riêng quản lý mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, định hướng đổi mới và phát triển TĐKT Việt Nam được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định “Trong 5 năm tới, cơ bản hoàn thành việc củng cố, sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện có, đồng thời phát triển thêm các doanh nghiệp mà Nhà nước cần đầu tư 100% vốn hoặc có cổ
phần chi phối ở một số ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các Tổng công ty Nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả của các Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con, kinh doanh đa ngành tổng hợp trên cơ sở ngành chuyên môn hoá, gọi vốn thêm nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, làm nòng cốt để hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh ở một số ngành và lĩnh vực trong yếu của nền kinh tế quốc dân như viễn thông, hàng không, dầu khí” [36].
Tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu “DNNN tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá, kiện toàn các Tổng công ty, thí điểm thành lập một số Tập đoàn kinh tế Nhà nước ở các lĩnh vực then chốt, từng bước nâng cao hiệu quả, là công cụ quan trọng của Nhà nước điều tiết nền kinh tế, củng cố một bước vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần” [37].
Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước đã quy định về việc thành lập Tập đoàn kinh tế Nhà nước; quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong Tập đoàn kinh tế Nhà nước; quy định quản lý, giám sát, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với Tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Đối với sự phát triển của các TĐKT tư nhân tại Việt Nam, mặc dù chưa được pháp luật thừa nhận khi “danh chưa chính” nhưng trước sự lớn mạnh trong thời gian qua thì Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã có đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Như vậy, trong điều kiện đó, tổ chức công tác kế toán cần phải được hoàn thiện theo hướng góp phần thiết lập môi trường thông tin
minh bạch và kịp thời nhằm theo kịp với sự phát triển của TĐKT trong tương lai.
* Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin kinh tế, tài chính cho công tác quản lý kinh tế cả ở tầm vĩ mô và tầm vi mô.
Chất lượng công tác kế toán trong các doanh nghiệp nói chung và tập đoàn kinh tế nói riêng phụ thuộc khá nhiều vào việc tổ chức công tác kế toán. Mục đích của việc tổ chức công tác kế toán hợp lý và khoa học là nhằm đảm bảo thu nhận, xử lý kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế tài chính ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô. Do đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tổ chức công tác kế toán cần phải hoàn thiện cả về môi trường pháp lý về kế toán và việc tổ chức thực hiện chế độ kế toán trong các TĐKT.
Nhu cầu cung cấp thông tin cho các đối tượng có liên quan là một trong những chức năng, nhiệm vụ và vai trò của kế toán trong bất cứ một doanh nghiệp nào. Với các TĐKT thì nhu cầu thu nhận thông tin lại có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đó là do các TĐKT này đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng, cũng như có những đóng góp to lớn cho quá trình phát triển kinh tế của nước ta. Khi hoàn thiện tổ chức công tác kế toán của các tập đoàn nhất thiết phải tính đến các đối tượng sử dụng thông tin, đó là các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cơ quan quản lý chủ quản. Nếu không thực hiện nguyên tắc này, có thể dẫn đến thông tin cung cấp không đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ cũng như theo quy định.
* Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Một hệ thống kế toán mặc dù được quốc tế thừa nhận nhưng nếu không phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam, không phù hợp với
đặc điểm của doanh nghiệp mình thì kế toán sẽ không thực hiện được chức năng là công cụ quản lý kinh tế. Vì vậy hoàn thiện tổ chức công tác kế toán ở các TĐKT trong giai đoạn hiện nay phải đảm bảo được các mục đích đó là hội nhập về kế toán, góp phần hoàn thiện nền kế toán Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin và yêu cầu quản lý cũng như phù hợp với trình độ, đặc điểm của từng tập đoàn. Do đó, khi hoàn thiện phải có tính khoa học tức là có nội dung cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có lộ trình thực hiện và phải xác định được hiệu quả kinh tế trên cả mặt định lượng và định tính. Có như vậy các tập đoàn mới cung cấp được thông tin kinh tế tài chính hữu ích, mới phục vụ được yêu cầu của các đối tượng cũng như mục đích quản lý tạo ra động lực cho doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc “tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá kết quả” luôn là mục tiêu của các nhà kinh doanh. Mục tiêu này không chỉ đặt ra trong các thương vụ kinh doanh mà còn đặt ra trong việc hoàn thiện tổ chức công tác kế toán của các tập đoàn. Tức là phải đánh giá được hiệu quả của thông tin do kế toán cung cấp với chi phí bỏ ra để có được những thông tin đó. Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán không chỉ là vấn đề riêng của nhà nước, các cơ quan chức năng và các tập đoàn kinh tế mà phải đòi hỏi có sự phối hợp hài hoà giữa các đối tượng này.