- Thiết kế hệ thống báo cáo kế toán quản trị:
3.2.2.7. Hoàn thiện tổ chức kiểm tra kế toán
Hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm toán nói chúng mới chỉ giới hạn trong kiểm tra sự trung thực của hoạt động tài chính tại đơn vị mà chưa phát huy được sự đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực. Kiểm tra kế toán thường xuyên và liên tục đảm bảo cho công tác kế toán thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chế độ kế toán hiện hành, kiểm tra giúp phát hiện kịp thời các sai phạm, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong quản lý tài chính.
Công tác kiểm tra chỉ đạt hiệu quả khi lãnh đạo, phụ trách kế toán xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của công tác tự kiểm tra tài chính, kế toán. Lựa chọn hình thức tự kiểm tra cho phù hợp đặc điểm tổ chức của đơn vị. Hình
thức kiểm tra đơn vị có thể lựa chọn theo thời gian hoặc theo phạm vi công việc, từ đó đơn vị cần xây dựng kế hoạch kiểm tra từ đầu năm. Trong kế hoạch phải xác định rõ những người chịu trách nhiệm kiểm tra từng khâu công việc, đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra và thời gian kiểm tra.
Nội dung kiểm tra bao gồm tất cả các khâu công việc liên quan đến công tác kế toán như: kiểm tra chứng từ, kiểm tra việc chấp hành chế độ ghi chép ban đầu và ghi chép trên sổ kế toán, kiểm tra việc lập BCTC, kiểm tra việc thực hiện các định mức kinh tế, kỹ thuật, các dự toán chi phí…Với mỗi nội dung cần có phương pháp kiểm tra phù hợp và sự đối chiếu giữa thực tế với tài liệu liên quan. Trong khi kiểm tra, cần kịp thời uốn nắn những sai sót mà cán bộ kế toán mắc phải và có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng từng phần hành kế toán.
Kiểm toán nội bộ là công việc kiểm soát được tiến hành bởi các cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm việc trong đơn vị. Kiểm toán nội bộ chủ yếu để đánh giá việc thực hiện các quy chế nội bộ, kiểm tra tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ và tình hình thực thi công tác tài chính, kế toán tại đơn vị. Công tác này có tính độc lập tương đối cao so với công tác tự kiểm tra kế toán ở bộ phận kế toán, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đơn vị. Việc xây dựng quy chế kiểm toán nội bộ cần cụ thể hoá các chính sách, chế độ của nhà nước cũng như các quy định kế toán, tài chính cụ thể của tập đoàn. Trong quy chế, ngoài việc quy định các vấn đề chung, các vấn đề phân cấp trong quản lý kinh tế tài chính và hạch toán nội bộ cũng cần được quy định cụ thể, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của kiểm toán nội bộ, các cá nhân, các bộ phận đối với hoạt động kiểm toán nội bộ. Trên cơ sở quy chế kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ cần xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng quý hoặc kết thúc năm tài chính. Để nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ tại các đơn vị, ngoài những công việc cần thực hiện như trên còn cần phải có cán bộ được đào tạo có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực của kiểm toán viên, và quy định rõ
chức năng, nhiệm vụ của cán bộ này trong công tác kiểm toán nội bộ giúp cho công tác quản lý kế toán, tài chính của đơn vị chặt chẽ và hiệu quả hơn.