III. THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
e) Thực hiện đúng điều khoản về thời gian
Bộ luật dân sự 2005 không quy định việc thực hiện điều khoản về thời gian trong phần tổng quát về hợp đồng, mà dẫn chiếu theo quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Điều 285 và cụ thể hóa trong từng loại hợp đồng. Ví dụ, tại điều 432, về hợp đồng mua bán nói rõ: thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn thỏa thuận, bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý. Khi các bên không thỏa thuận về thời hạn giao tài sản, thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý. Khi các bên không
thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay sau khi nhận tài sản. Luật không nói rõ thời gian hợp lý là như thế nào. Trong thực tiễn thương mại, thời gian hợp lý thường được xác định dựa trên nhiều yếu tố như: sự phát triển kỹ thuật thông tin, tập quán giao dịch giữa các bên… Luật thương mại, trái lại quy định khá chi tiết về thời hạn và thời điểm thực hiện hợp đồng. Điều 37 quy định: bên bán phải giao hàng đúng thời điểm giao hàng và phải thông báo trước cho bên mua. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.
Thực hiện đúng về thời hạn là điều quan trọng. Vì vậy để ràng buộc các bên trong việc nghiêm túc thực hiện cam kết, pháp luật luôn có những quy định dành riêng cho bên bị vi phạm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với bên vi phạm.