II. KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
b) Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng
thực và ngay thẳng
Hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên để tạo ra một ràng buộc pháp lý. Pháp luật nhìn nhận quyền thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Việc thỏa thuận này phải đặt nền tảng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, nghĩa là các bên phải được xem là ngang bằng nhau trong việc thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng; không bên nào được phép giành quyền nhiều hơn trong khi thực hiện nghĩa vụ lại ít hơn hay ngược lại, buộc bên đối tác phải thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn trong khi được hưởng quyền lợi lại ít hơn. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng phải tương xứng nhau.
Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong giao ước (trừ trường hợp các bên bị bắt buộc ký kết hợp đồng hoặc bị bên thứ ba áp đặt ý chí vào việc ký kết hợp đồng). Trong Luật cạnh tranh 2004, có đề cập đến hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh, đó là trường hợp một bên lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế nhằm buộc đối tác phải chấp nhận những điều kiện hoặc một số ràng buộc khi ký kết hợp đồng.
Ý niệm về sự tự nguyện, bình đẳng trong giao kết hợp đồng dẫn đến việc quy định về thái độ thiện chí, hợp tác, ngay thẳng và trung thực của các bên. Có ý kiến cho rằng trong các khái niệm vừa kể trên, vấn đề đạo đức được đặt ra cao hơn vấn đề pháp lý, điều này không phù hợp với nguyên tắc pháp lý về hợp đồng, quan niệm đó là cực đoan. Trong thực tế, không phải mọi cách hành xử của các bên chủ thể đều có thể soi rọi dưới ánh sáng chân lý của các quy định pháp luật, trái lại, nhiều khi sự bất lực của pháp luật lại là khởi điểm đầu cho những nhận định và xử lý các vấn đề trên nền tảng đạo đức, tập quán.
Lưu ý:
Luật Thương mại 2005 cũng bắt đầu chú trọng đến những tính chất này khi đưa ra định nghĩa về thói quen thương mại và tập quán thương mại trong quá trình xem xét các giao dịch trong kinh doanh. Một thương nhân không tìm thấy lợi nhuận trong giao kết và thực hiện một hợp đồng, họ dễ dàng từ chối thực hiện khi các yêu cầu trong hợp đồng thay đổi một vài điều khoản nhỏ nhằm giảm thiểu thiệt hại bị bên kia từ chối. Sự thiếu thiện chí và hợp tác đó dẫn đến hợp đồng bị bế tắc. Kết quả là, món lợi mà phía bên kia ngỡ là có được thực ra chỉ là “ảo” do bị từ chối thực hiện hợp đồng.