TỔ HỢP TÁC 1 Khái niệm

Một phần của tài liệu bài giảng luật kinh tế (Trang 78 - 81)

1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật Dân sự 2005 thì:

Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ 03 cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.

2. Đặc điểm

- Cơ sở pháp lý để thành lập tổ hợp tác là một hợp đồng hợp tác được ký kết giữa ít nhất là 03 người có đủ năng lực hành vi dân sự.

- Nội dung hợp đồng này là những cam kết giữa các thành viên cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện mong muốn hợp tác trong hoạt động kinh doanh một hoặc một số ngành nghề và đồng thời cùng nhau hưởng lợi và chịu trách nhiệm về những hoạt động của tổ hợp tác.

- Hợp đồng thành lập tổ hợp tác phải được UBND cấp xã nơi các tổ viên cư trú chứng thực.

- Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình. Như vậy, tổ hợp tác là loại chủ thể kinh doanh theo quy chế chịu trách nhiệm vô hạn.

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ viên trong tổ hợp tác

Tổ viên trong tổ hợp tác là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tham gia vào hợp đồng hợp tác. Các tổ viên phải ký vào hợp đồng hợp tác. Tổ viên có các quyền và nhĩa vụ sau:

a) Các quyền

- Tổ viên có quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả thuận.

- Tham gia quyết định các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ hợp tác, thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác.

- Tổ viên có quyền ra khỏi tổ hợp tác theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng. Khi ra khỏi tổ hợp tác, tổ viên có quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà mình đã đóng góp vào tổ hợp tác, được chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.

b) Các nghĩa vụ

- Khi tham gia tổ hợp tác, các tổ viên thực hiện sự hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác.

- Các tổ viên phải thực hiện đúng cam kết của mình trong hợp đồng hợp tác như: các cam kết về việc góp vốn, về chấp hành hợp đồng, về sự phân công của Tổ trưởng và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ. Trong trường hợp tổ viên có lỗi gây thiệt hại cho tổ hợp tác thì phải bồi thường.

4. Tổ chức và quản lý tổ hợp tác

- Trong hợp đồng hợp tác, các tổ viên thoả thuận bầu ra một người làm Tổ trưởng đại diện cho tổ hợp tác tham gia vào các giao dịch. - Tổ trưởng điều hành hoạt động của tổ hợp tác. Khi vắng mặt, để đảm bảo hoạt động của tổ được tiến hành bình thường, ổn định, Tổ trưởng tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ.

- Khi Tổ trưởng hoặc người đại diện tham gia vào các giao dịch, vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả tổ hợp tác thì mọi tổ viên có nghĩa vụ thực hiện.

- Trong hợp đồng hợp tác, các tổ viên có thể thoả thuận về những vấn đề mà Tổ trưởng có thể tự quyết định, những vấn đề đó phải được sự đồng ý của tất cả tổ viên mới có giá trị thực hiện. Riêng việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý.

- Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự với các quan hệ bên ngoài bằng toàn bộ tài sản của tổ, nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.

- Tổ viên có quyền quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận, có quyền tham gia vào các cuộc họp và biểu quyết để quyết định về những vấn đề của tổ. Khi tham gia biểu quyết, ý kiến của tổ viên có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào vị trí và vốn góp.

- Các tổ viên tổ hợp tác phải làm việc cho tổ. Tuy nhiên, tổ hợp tác có thể thuê thêm lao động bên ngoài. Trong trường hợp này, tổ hợp tác phải giao kết hợp đồng lao đồng với người không phải là tổ viên để thực hiện những công việc nhất định và đảm bảo chế độ cho người lao động theo Luật lao động.

5. Chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác- Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động khi: - Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động khi:

+ Thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác đã hết. + Mục đích của việc hợp tác đã đạt được.

+ Các tổ viên thoả thuận chấm dứt tổ hợp tác hoặc khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định.

- Khi chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác phải báo cáo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi đã chứng thực hợp đồng hợp tác.

- Khi chấm dứt, tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ của tổ. Nếu tài sản của tổ không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các tổ viên để thanh toán theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng khi tham gia tổ hợp tác. Tài sản còn lại sau khi thanh toán xong các khoản nợ và nghĩa vụ được chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người. Các tổ viên cũng có thể thoả thuận một phương án chia tài sản khác và ghi vào hợp đồng hợp tác.

Một phần của tài liệu bài giảng luật kinh tế (Trang 78 - 81)