- Nội dung điều tra
2.3.2. Tạo động cơ học tập cho học sinh bằng xây dựng tình huống có vấn đề và nêu bài tập nhận thức
đề và nêu bài tập nhận thức
Tình huống có vấn đề và bài tập nhận thức là các là các thành tố của dạy học nêu vấn đề. Để phát huy tính tích cực, chủ động và gây hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử, chúng ta nên vận dụng cách dạy học nêu vấn đề. Trong cuốn “Chuẩn bị giờ học lịch sử như thế nào” N.G Đairi cho rằng “Giờ học nêu vấn đề có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hình thành kiến thức trên cơ sở hoạt động tư duy của học sinh”[14, 37]. Dạy học nêu vấn đề không phải là một phương pháp cụ thể mà là một nguyên tắc dạy học, nguyên tắc chỉ được vận dụng trong rất nhiều khâu của bài học hay giờ học, nó là một
kiểu dạy học theo hướng “Phát huy tính tích cực học tập của học sinh”. Theo Kharlamôp “Dạy học nêu vấn đề là sự tổ chức quá trình dạy học, bao gồm việc tạo ra tình huống có vấn đề trong giờ học, kích thích ở nhu cầu giải quyết những vấn đề nảy sinh, lôi cuốn các em vào hoạt động nhận thức, tự lực nhằm nắm vững kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo mới, phát triển tính tích cực của trí tuệ và hình thành cho các em năng lực tự mình thông hiểu và lĩnh hội thông tin khoa học mới”[30, 54].
Quan điểm của nhà giáo dục A.M. Machiuskin (1972) trong cuốn “Các tình huống có vấn đề trong tư duy và trong dạy học” đã phân tích những đặc điểm của dạy học nêu vấn đề theo nhóm. Tác giả cho rằng: “Có thể có những phương án khác nhau tổ chức dạy học nêu vấn đề theo nhóm, nhưng rốt cuộc, công việc của học sinh ở trong nhóm phải khiến cho từng học sinh riêng biệt giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, sự làm việc tập thể có thể hợp lý ở các giai đoạn đầu và cuối của việc giải quyết vấn đề, tức là khi đề xuất vấn đề và khi đánh giá các kết quả thu được của việc giải quyết”; “Việc tổ chức làm việc tập thể trong dạy học nêu vấn đề không đối lập mỗi cá nhân riêng biệt với quá trình lĩnh hội tri thức. Ở đây không có mâu thuẫn nan giải, bởi vì mỗi học sinh đều được tham gia tích cực và đạt kết quả sáng tạo trong hoạt động tập thể” [26; 4].
Từ các quan niệm trên, chúng tôi cho rằng tình huống có vấn đề là trạng thái tâm lí xuất hiện khi con người gặp phải tình huống khó giải quyết bằng những kiến thức, cách thức đã có, đòi hỏi phải lĩnh hội kiến thức mới, cách thức mới để giải quyết vấn đề.
Trong dạy học lịch sử, tình huống có vấn đề được hình thành trong các trường hợp:
Thứ nhất, khi giáo viên đưa ra các ý kiến khác nhau để học sinh tự phân tích, đánh giá, tìm ra ý kiến đúng.
Thứ hai, khi giáo viên hướng dẫn học sinh tự nêu ra các mâu thuẫn, xung đột về kiến thức để tìm ra con đường giải quyết.
Thứ ba, các tình huống lựa chọn hay quyết định của học sinh để trả lời những câu hỏi vì sao? Tại sao?.
Trong dạy học nêu vấn đề, giáo viên cần khéo léo tổ chức hoạt động nhân thức bằng cách tạo các tình huống có vấn đề, đây là yếu tố kích thích trực tiếp đến tư duy độc lập của các em. Tình huống có vấn đề có thể được tạo cho toàn bộ bài học hay từng phần, các tình huống đặt ra phải rộng hơn so với sách giáo khoa, giáo viên cần xác định rõ nội dung bài học, căn cứ vào vị trí bài học trong chương, trong khóa trình lịch sử, đồng thời cũng phải căn cứ vào khả năng nhận thức của học sinh.
Bài tập nhận thức “là loại bài tập mà học sinh độc lập giải quyết, giúp các em có những hiểu biết mới về lịch sử xã hội bằng những phương thức đã biết hoặc tạo ra những phương thức giải quyết mới mà trước đó học sinh chưa biết” [9, 52].
Trong dạy học lịch sử, bài tập nhận thức thường được diễn đạt bằng câu hỏi nhưng không phải câu hỏi nào cũng là bài tập nhận thức, những câu hỏi khi trả lời yêu cầu học sinh không chỉ nhớ lại những kiến thức đã học mà học sinh còn phải xử lí nó bằng các thao tác tư duy thì trở thành bài tập nhận thức.
Ví dụ: Khi dạy bài 6 “Văn hóa cổ đại” giáo viên dẫn dắt vào bài mới: Nếu các quốc gia cổ đại phương Đông thành lập trên các lưu vực sông lớn, đất đai phù sa màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp thì các quốc gia cổ đại phương Tây lại ra đời ở bờ bắc của Địa Trung Hải, gồm bán đảo và nhiều đảo nhỏ, chính sự khác biệt này đã chi phối đến đời sống của cư dân nơi đây, vậy sự khác biệt này đã chi phối như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, những thành tựu văn có gì khác biệt?.
Khi học sinh giải quyết được vấn đề này là đã nắm được kiến thức cơ bản của bài học.
Việc nêu bài tập nhận thức ngày từ đầu giờ học sẽ kích thích sự chú ý của học sinh, hình thành động cơ học tập, mong muốn tìm ra lời giải đáp. Để trả lời được học sinh phải nhớ lại kiến thức cũ của bài học trước, chú ý vào bài giảng, đồng thời tham gia vào các hoạt động học tập, quan sát kênh hình và trả lời các câu hỏi gợi mở của giáo viên... Khi trả lời được nghĩa là học sinh đã nắm được kiến thức của bài học.
Trong quá trình dạy học, giáo viên cần tạo ra các tình huống có vấn đề, để giúp học sinh nắm được bản chất của sự kiện, đồng thời giúp các em có thể lí giải được bài tập đề ra ngay từ đầu giờ học.