Trình bày miệng sinh động hấp dẫn

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 96)

- Nội dung điều tra

2.3.5. Trình bày miệng sinh động hấp dẫn

Trình bày miệng là một phần không thể thiếu và thực sự quan trọng trong quá trình dạy học, “Là một phương pháp dạy học tự nhiên, truyền tư tưởng bằng lời nói”[40, 87]. Nhưng sử dụng trình bày miệng như thế nào cho hay, hấp dẫn người nghe là cả một nghệ thuật của người giáo viên. Giáo viên sử dụng lời nói phong phú, sinh động, giàu hình ảnh sẽ phát huy được tính tích cực hoạt động tư duy và kích thích hứng thú học tập của học sinh. Ngược lại, nếu những điều giáo viên trình bày chỉ là sự thông báo vắn tắt khô khan một số sự kiện nhất là những điều học sinh đã biết, hoặc lặp lại, đọc nguyên văn bài viết trong sách giáo khoa thì sẽ không thu hút sự chú ý của học sinh, tạo ra sự nhàm chán, làm giảm hứng thú học tập ở các em.

Để có khả năng trình bày miệng tốt trong giờ học, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ khoa học một cách hiệu quả, giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu sau: Trình bày vừa sức tiếp thu của học sinh, phải làm cho học sinh nắm được những kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài học, khi trình bày phải đảm bảo tính khoa học logic; ngôn ngữ phải chính xác; lời nói phải có h́nh ảnh, sinh động, hấp dẫn, không nói những lời hoa mĩ, bong bẩy, làm mất tập trung của học sinh. Kết hợp đa dạng phương pháp dạy học và kết hợp lời giảng với ghi bảng của giáo viên. Giáo viên cần trau dồi không chỉ kiến thức bộ môn mà còn cần cả kiến thức trong thực tế cuộc sống, vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học.

Giáo viên cũng cần quan tâm đến âm lượng, ngữ điệu trong khi nói. Nếu lời nói đều đều, không thay đổi, học viên dễ buồn ngủ. Nói quá chậm (lượng thông tin quá ít), học sinh sẽ chán ngán. Nói quá nhanh (lượng thông tin quá nhiều), nói to, học sinh không theo dõi kịp dễ gây căng thẳng mệt mỏi. Giáo viên phải “thổi hồn” cho những lời nói ấy, nếu không sẽ không gây cảm xúc cho học sinh.

Trong dạy học có nhiều cách trình bày miệng khác nhau. Các nhà nghiên cứu phương pháp dạy học lịch sử đã đưa ra các hình thức cơ bản về cách trình bày miệng phù hợp với lý luận dạy học và đặc trưng của bộ môn. Đó là tường thuật, miêu tả, nêu đặc điểm và giải thích.

Trong đó tường thuật là một cách trình bày miệng quan trọng, nó không những giúp học sinh nắm được bản chất của sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử mà còn “có tác dụng khơi dậy óc tưởng tượng tái tạo của học sinh trong học tập lịch sử”[56 tr. 50]. Để có thể khơi dậy, duy trì và phát triển hứng thú học tập lịch sử của học sinh thì nội dung của đoạn tường thuật phải thật cụ thể, chân thực và sinh động, đồng thời đoạn tường thuật phải có cách trình bày mới lạ, đầy kịch tính, trong đó, những vấn đề quan trọng những hiện tượng lịch sử then chốt bất ngờ, đột ngột xuất hiện.

Ví dụ: Khi dạy bài 27 “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, giáo viên thu hút học sinh vào ngay câu chuyện, để các em tập trung chú ý và hứng thú theo dõi câu chuyện: Các em có biết chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử nước ta?

Sau đó GV trình bày tình tiết một cách gợi cảm, gây xúc động, tạo biểu tượng rõ ràng chân thật: Ngô Quyền nghe tin Lưu Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng lĩnh rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.

Ngô Quyền đã tận dụng các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo nên chiến thắng lừng lẫy này. Ông đã dựa vào địa hình của con sông Bạch

Đằng, sông còn có tên Nôm là sông Rừng vì hai bên bờ sông nhất là phía tả ngạn, toàn là rừng rậm. Hạ lưu sông thấp, độ dốc không cao, nên ảnh hưởng của thủy triều khi lên xuống chênh nhau tới 3m. Khi thủy triều lên, lòng sông rộng mênh mang tới hàng nghìn mét, sâu hơn chục mét. Biết rõ quân địch sẽ kéo vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng, Ngô Quyền sai quân chặt hàng ngàn cây gỗ dài, đẽo nhọn đầu và bịt sắt, đem đóng xuống sông Bạch Đằng ở những nơi hiểm yếu nhất gần cửa biển. Lúc nước triều lên, bãi cọc chìm trong một vùng nước rộng mênh mông. Phía trên bãi cọc ngầm, ông còn bố trí một lực lượng thủy, bộ ẩn nấp ở hai bên bờ sông. Hàng trăm thuyền được giấu kín trong các bụi lau sậy. Hàng ngàn quân bộ, cung nỏ sẵn sàng, ngày đêm mai phục bên các vách núi. Ngô Quyền đích thân cầm quân ra trận.

Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền của do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng.

Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.

Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, đã hoảng hốt, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).

Trận thắng lớn ở sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì nó đã giúp chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam.

Rõ ràng bài tường thuật đã tạo cho học sinh những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác về bức tranh quá khứ đang học, vì vậy các em hứng thú học tập lịch sử hơn.

Khi tường thuật, nhất là tường thuật về diễn biến trận đánh, giáo viên cần kết hợp với lược đồ và tranh ảnh lịch sử. Cũng với ví dụ trên, GV sử dụng hình 55 trong SGK Lược đồ: “chiến thắng Bạch Đằng năm 938”... Việc sử dụng đồ dùng trực quan có chứa đựng những thông tin mới không những góp phần nâng cao hiệu quả của việc tường thuật mà quan trọng hơn là giúp học sinh hiểu sâu sắc, tường tận nội dung lịch sử.

Bài tường thuật kết hợp miêu tả gây được hứng thú học tập đòi hỏi giáo viên chuẩn bị rất công phu, giáo viên chọn đúng sự kiện trình bày, phải kết hợp hài hòa giữa tường thuật, miêu tả để khắc sâu sự kiện, đặc biệt phải phù hợp với trình độ học sinh lớp 6 THCS.

Ngoài tường thuật GV có thể sử dụng các đoạn miêu tả và cách giải thích giàu hình ảnh để tạo biểu tượng cụ thể, chân thực, sinh động về sự kiện, hiện tượng lịch sử, giúp học sinh hiểu được bản chất lịch sử, nhất là đối với những sự kiện, hiện tượng phức tạp, qua đó tạo hứng thú học tập cho các em.

Để sử dụng lời nói tốt, giáo viên cần xác định kiến thức cần miêu tả, tìm kiếm những tài liệu tham khảo liên quan để bổ sung, làm sinh động thêm cho sự kiện.

Ví dụ: Khi dạy bài 22 khởi nghĩa Lý Bí và nước Vạn Xuân (542 - 602), phần 4 “Triệu Quang Phục đánh bại quân Lương như thế nào?”, giáo viên miêu miêu tả về vùng Dạ Trạch: “Sau khi vị tướng trẻ Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy, ông đã lui quân về đóng ở đầm Dạ

Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên) để cố thủ. Đây là vùng đất lầy lội, đầy lau sậy, cỏ cây um tùm bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được, nếu không quen biết đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết, ở giữa có nền đất cao có thể đóng quân rất an toàn, được nhân dân ủng hộ và quân đội lại quen thủy tổ nên Triệu Quang Phục đã đóng quân ở đây đề chờ tiêu diệt giặc…”

Qua miêu tả địa hình như vậy, học sinh có thể hình dung ra được sự thuận lợi cho Triệu Quang Phục và thế bất lợi cho quân giặc khi chúng kéo tới đây để tiến đánh quân ta.

Như vậy, có thể nói rằng, lời nói sinh động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng. Cách sử dụng lời nói sinh động như trên, sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển năng lực tư duy, hình thành những biểu tượng sinh động, chân thực về hình ảnh quá khứ, để hiểu chính xác, sự kiện, hiện tượng. Lời nói sinh động cần phải được sử dụng rộng rãi, dưới nhiều hình thức khác nhau và cần kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau để tạo hứng thú học tập cho các em.

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w