Thiết kế nội dung bài học lịch sử giống như câu chuyện lịch sử

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 72)

- Nội dung điều tra

2.3.1.1. Thiết kế nội dung bài học lịch sử giống như câu chuyện lịch sử

Đặc trưng của bộ môn lịch sử là học về những sự kiện xảy ra trong quá khứ, có những sự kiện, hiện tượng lịch sử xảy trong quá khứ, có các sự kiện hiện tượng xảy ra cách ngày nay hàng triệu năm. Học sinh không thể quan sát trực tiếp các sự kiện ấy mà chỉ có thể tái hiện lại thông qua các nguồn tài liệu lịch sử.

Các sự kiện, hiện tượng lịch sử có mối quan hệ với nhau, có những sự kiện trước xảy ra làm cơ sở cho dữ kiện sau. Điều đó yêu cầu khi tiến hành thiết kế bài học, giáo viên cần tạo ra sự lôgic, liền mạch của các sự kiện cho bài học, biến bài học trở nên hấp dẫn như một câu chuyện lịch sử. Để khơi dậy tính tò mò của các em học sinh, làm các em nhớ lâu hơn, thích thú hơn thì một bài học giống như một câu chuyện lịch sử là phù hợp nhất. Tuy nhiên, khi đưa ra biện pháp này cần lưu ý, bài học vẫn phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu mục tiêu, đảm bảo tính khoa học, tính lôgic, không nên đi quá sa đà vào các chi tiết nhỏ không cần thiết, khiến cho các em học sinh mất tập trung, sẽ làm mất tác dụng giáo dục.

Khi thiết kế nội dung bài học giống như một câu chuyện lịch sử, giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Thứ nhất, giáo viên cần nắm chắc nội dung kiến thức bài học, xác định được các kiến thức cơ bản, lựa chọn ra các tài liệu cần thiết để làm rõ kiến thức trọng tâm, khai thác tốt đồ dung trực quan trong dạy học.

Thứ hai, cần thu hút sự chú ý của học sinh ngay từ đầu giờ học, bằng các tình huống có vấn đề, nhằm khơi dậy trí tò, kích thích động cơ học tập của học sinh.

Thứ ba, khi thiết kế nội dung bài học lịch sử giống như câu chuyện lịch sử, nội dung bài học phải có hệ thống, sự kiện hiện tượng phải luôn có mối liên hệ với nhau, có những sự kiện này là cơ sở nảy sinh cho các sự kiện tiếp theo, đồng thời các sự kiện có liên hệ chặt chẽ với thời gian, không gian sự kiện xảy ra. Nội dung bài học cần đi từ xa đến gần, theo thứ tự không được sắp xếp tùy tiện.

Thứ tư, tài liệu tham khảo là những kiến thức hấp dẫn để lôi cuốn học sinh, nên giáo viên cần bổ sung. Những kiến thức này giáo viên có thể thu thập từ thực tiễn, từ sách vở, internet…các kiến thức thu thập sẽ làm cho bài học sinh động hơn.

Ví dụ: Khi dạy bài 13 “Những cuộc khởi nghĩa lớn trong các thế kỉ VII - IX”. Để thu hút học sinh vào bài học, giáo viên dẫn dắt.

Dân tộc ta là một dân tộc kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù, cho dù chúng có mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Các triều đại phong kiến phương Bắc là một trong những kẻ như vậy, chúng lần lượt đô hộ xâm lược nước ta hàng nghìn năm, nhưng chúng luôn gặp phải sự kháng cự, đấu tranh quên mình của nhân dân ta suốt thời gian khi chúng còn có mặt trên bờ cõi nước ta. Từ thế kỉ VII, nước ta bị thế lực nhà Đường thống trị, vậy dưới ách thống trị của chúng trong suốt ba thế kỉ nhân dân ta đã nổi dậy đấu tranh như thế nào?.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần làm rõ nguyên nhân của các cuộc khởi nghĩa điển hình của giai đoạn này, ngoài kiến thức sách giáo khoa, giáo viên có thể bổ sung kiến thức mới ngoài sách. Những cuộc khởi nghĩa lớn trong các thế kỉ này chủ yếu tập trung vào cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan đầu thế kỉ VIII và khởi nghĩa Phùng Hưng khoảng 776 - 791. Giáo viên cần giới thiệu kĩ về hai nhân vật lịch sử, sưu tập các câu chuyện về các nhân vật để lôi cuốn học sinh khi nghe giảng.

Mai Thúc Loan, người Hoan Châu (Mai Phụ, hay Mỏm, một làng chuyên nghề ở miền ven biển Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vốn nhà nghèo, Mai Thúc Loan phải làm nghề kiếm củi rồi đi ở đợ cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông rất khoẻ và sáng dạ, người đen trũi, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng. Tuy xuất thân bình dân nghèo khổ, nhưng chí lớn, tập hợp được thanh niên và nhân dân trong vùng khởi nghĩa, quyết tâm đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giành lại độc lập cho nước nhà. Sau khi đã tổ chức được lực lượng, xây dựng được căn cứ, Mai Thúc Loan phát động cuộc khởi nghĩa. Ông kêu gọi những người dân phu gánh vải quả nộp cống cho chính quyền nhà Đường nổi dậy khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa nhanh chóng chiếm được Hoan Châu.

Nghĩa quân lập tức tôn Mai Thúc Loan lên làm Hoàng Đế, đóng đô ở thành Vạn An, Sử gọi ông là Mai Hắc Đế (Vua đen họ Mai).

Từ hoàn cảnh xuất thân của các nhân vật, hoàn cảnh lịch sử thời kì đó đã tạo nên các nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa trong các thế kỉ VII - IX. Với những nội dung cụ thể của kiến thức lịch sử, giáo viên bổ sung, minh họa thêm bằng những hình ảnh, sẽ làm cho bài học thêm phong phú, học sinh dễ tiếp thu bài hơn.

2.3.1.2. Sử dụng kiến thức liên môn

Trong cuốn “Phương pháp dạy học lịch sử”, tập 1 của các tác giả Phan Ngọc Liên, Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi có đề cập đến nguyên tắc dạy học liên môn: “Dạy học liên môn là một trong những nguyên tắc quan trọng của dạy học ở trường phổ thông nói chung, môn lịch sử nói riêng. Đối với bộ môn Lịch sử, mà chức năng cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình phát triển của xã hội loài người (và dân tộc), việc nắm vững các sự kiện lịch sử liên quan chặt chẽ với việc hiểu biết tri thức về môn khoa học xã hội và nhân văn (văn học, giáo dục công dân, triết học, địa lí) và cả về khoa học tự nhiên (những kiến thức về sự phát triển khoa học - kĩ thuật”. [12, 259].

Đây được coi là một quan niệm dạy học hiện đại, nhằm phát huy tính tích cực, tạo hứng thú học tập của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đây là phương pháp dạy học phối hợp sử dụng nhiều nguồn tri thức của các môn học ở trường phổ thông, để làm sáng tỏ, cụ thể cho môn học nào đó mà giáo viên cần cung cấp cụ thể.

Dạy học liên môn trong khóa trình học tập lịch sử giúp các em nhận thức sự phát triển của xã hội một cách liên tục, thống nhất, thấy rõ mối quan hệ hữu cơ giữa các môn học trong đời sống xã hội, hiểu được tính toàn diện của lịch sử, nắm được mối liên hệ kiến thức giữa các môn học, tính hệ thống

tri thức lịch sử, sẽ giúp các em có khả năng phân tích sự kiện, tìm ra bản chất, quy luật chi phối sự phát triển của lịch.

Sử dụng kiến thức liên môn là một nguyên tắc cần tuân thủ trong dạy học ở trường phổ thông nói chung và môn lịch sử nói riêng. Mặt khác, sử dụng kiến thức liên môn còn là biện pháp đổi mới phương pháp dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng. Nếu sử dụng tốt kiến thức liên môn sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử.

Song khi sử dụng kiến thức liên môn để thiết kế nội dung bài học lịch sử hay cần phải chú ý các yêu cầu:

Thứ nhất, khi sử dụng kiến thức liên môn để xây dựng nội dung bài học, phải đảm bảo thực hiện mục tiêu bài học. Mục tiêu dạy học lịch sử ở trường phổ thông là cung cấp học sinh những kiến thức cơ bản, vững chắc nhất của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nhân loại gồm những sự kiện lịch sử cơ bản, nhân vật tiêu biểu, không gian, thời gian, khái niệm, thuật ngữ Lịch sử…, giúp các em có thể rút ra được những đánh giá, kết luận khoa học về quá trình phát triển của xã hội loài người, những quy luật, bài học kinh nghiệm quý báu.

Thứ hai, phải lựa chọn kiến thức phù hợp với nội dung lịch sử, phù hợp với đối tượng học sinh.

Và không biến bài học lịch sử thành bài trình bày kiến thức các môn khác. Trong dạy học lịch sử ở lớp 6 THCS - DTNT, giáo viên có thể sử dụng kiến thức liên môn để thiết kế nội dung bài học hay, hấp dẫn thông qua các công việc:

 Sử dụng kiến thức địa lí. Lịch sử là các sự kiện có nội dung gắn với một không gian nhất định, có những sự kiện chịu sự chi phối hoàn toàn của hoàn cảnh địa lí. Việc sử dụng bản đồ trong dạy học lịch sử sẽ tạo sự hấp dẫn sinh động, giúp học sinh nắm chắc sự kiện, lí giải được bản chất của sự kiện

lịch sử có sự chi phối của yếu tố địa lí. Kiến thức địa lí được sử dụng trong các trường hợp:

Kiến thức địa lí góp phần khắc sâu kiến thức lịch sử cho học sinh, điều này được thể hiện qua việc giáo viên nghiên cứu kĩ kiến thức địa lí để lí giải một sự kiện, hiện tượng trong lịch sử. Ví dụ, khi học bài 22 “Khởi nghĩa Lý Bí. Nước Vạn Xuân 542 - 602)”, trong mục 4 (Triệu Quang Phục đánh bại quân Lương như thế nào), giáo viên có thể sử dụng bản đồ và miêu tả, hướng dẫn học sinh tìm hiểu vì sao sau khi Lý Nam Đế thất bại đã trao quyền chỉ huy chống quân Lương cho Triệu Quang Phục, mà ông quyết định lui về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên), đầm Dạ Trạch như thế nào, dựa vào đó Triệu Quang Phục đánh giặc ra sao?

Sử dụng bản đồ để lược thuật diễn biến của một chiến dịch, một cuộc khởi nghĩa, trong chương trình lịch sử ở lớp 6 có rất nhiều bài học có thể sử dụng bản đồ lược thuật, việc này mang lại hiệu quả giáo dục cao, giúp học sinh có được biểu tượng lịch sử, tạo được hứng thú cho học sinh. Ví dụ, khi dạy bài 27 “Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938” giáo viên sử dụng lược đồ để lược thuật diễn biến nhằm giúp học sinh có biểu tượng về vị trí và những đặc điểm riêng quan trọng của sông Bạch Đằng, góp phần làm nên chiến thắng của Ngô Quyền; đồng thời qua đó giúp học sinh nắm được diễn biến của sự kiện này.

 Sử dụng kiến thức văn học. Với ngôn ngữ giàu hình ảnh, mang tính nghệ thuật, sử dụng tài liệu văn học trong dạy học lịch sử sẽ làm cho các sự kiện lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh dễ nhớ các sự kiện, tránh được tình trạng “hiện đại hóa” lịch sử, tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

Tài liệu văn học bao gồm hai bộ phận: Văn học dân gian và văn học viết trong đó có rất nhiều thể loại: Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích...có thể sử dụng trong các loại bài lịch sử như loại bài về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, chiến tranh. Sử dụng tài liệu văn học cần đảm bảo các yêu cầu về nội dung và trình độ nhận thức của học sinh, đảm bảo tính khoa học tính tiêu biểu...lựa chọn các biện pháp phù hợp và có sự kết hợp với các loại tài liệu khác.

Trong lịch sử dân tộc, tài liệu văn học được sử dụng ngay từ lớp 6, đó là những câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích... phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta, phản ánh quá trình nhân dân ta chống chọi với những tác động của thiên nhiên và sự xâm lược của giặc phương Bắc.

Ví dụ: Khi học về “Nước Văn Lang” khi nói về đời sống của người dân thời kì đó, không thể thiếu truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, Thánh Gióng” hay các sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”, “Trầu cau”... Các tác phẩm văn học có thể phản ánh cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó góp phần dựng lại bức tranh quá khứ lịch sử, giúp bài học trở nên hấp dẫn hơn.

Hay khi hướng dẫn học sinh học bài 15 “Nước Âu Lạc” giáo

viên có thể sử dụng các truyện “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, “Truyện

thành Cổ Loa”, hoặc sử dụng câu ca dao:

“Ai về qua huyện Đông Anh,

Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương. Cổ Loa thành ốc khác thường,

Trải bao năm tháng dấu thành còn đây.”

Như vậy, tài liệu văn học là nguồn tài liệu hết sức phong phú, có thể khai thác trong dạy học lịch sử, nếu khai thác tốt sẽ mang lại hiệu quả lớn về

các mặt kiến thức, kĩ năng, thái độ. Tuy nhiên đây không phải là nguồn tài liệu duy nhất, nên sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học và các tài liệu khác để đạt được mục tiêu dạy học, tạo hứng thú cho học sinh.

Các loại văn học dân gian còn góp phần minh họa, làm rõ sự kiện, nhân vật lịch sử. Do đó, giáo viên nên đưa vào để học sinh hiểu rõ hơn về nhân vật sự kiện đó, không những thế tài liệu văn học dân gian còn làm cho bài học thêm sinh động, tạo được không khí gần gũi với bối cảnh đang học, nó phản ánh những hiểu biết về các sự kiện lịch sử đang học, giúp học sinh hiểu được vấn đề cụ thể hơn.

 Sử dụng kiến thức trong lĩnh vực nghệ thuật: Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, con người đã đạt được những thành tựu to lớn về nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc... Vì vậy, khi giáo viên dạy học lịch sử, cần sử dụng kiến thức thuộc những lĩnh vực này để giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử.

Trong chương trình lịch sử lớp 6 - THCS, kiến thức ở lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc rất đa dạng, phong phú, nhất là các thành tựu văn hóa của lịch sử thế giới cổ đại, giáo viên có thể sử dụng để thiết kế làm cho bài giảng sinh động hơn, lôi cuốn sự chú ý của học sinh, giúp các em có thể hình dung ra sự phát triển của con người trong giai đoạn lịch sử này.

Ví dụ: Trong bài 4 “Các quốc gia cổ đại phương Đông ”, khi học phần 2 (xã hội cổ đại phương Đông bao gồm những tầng lớp nào?) giáo viên có thể miêu tả bia đá khắc Luật Ham - mu - ra - bi (Lưỡng Hà), để giúp học sinh hiểu rõ hơn về kiến thức đang học và biết được sự phát triển của con người ở thời kì cổ đại này, đồng thời cũng chứng minh cho sự huy hoàng của Lưỡng Hà thời kì này nói riêng và phương Đông nói chung.

Hoặc là khi dạy bài 6: Văn hóa cổ đại, nói về các thành tựu văn hóa của phương Đông và phương Tây cổ đại, đạt được rất nhiều thành tựu trên các mặt, trong đó các công trình kiến trúc là nổi bật nhất mà cho tới nay còn tồn tại. Giáo viên có thể nói đến Kim tự tháp cổ ở Ai Cập, miêu tả Kim tự tháp để học sinh thấy được nghệ thuật kiến trúc mà cho đến nay cả thế giới vẫn chiêm ngưỡng và thán phục. Khi sử dụng, giáo viên không chỉ giới thiệu đơn thuần về công trình mà phải kết hợp với kiến thức và các phương pháp dạy học để giúp học sinh có những hiểu biết nhất định, tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên lịch sử còn cần có những hiểu biết về lĩnh vực khoa học khác như: toán học, lí học, hóa học, sinh học, khảo cổ học...

Tóm lại, việc vận dụng kiến thưc liên môn vào dạy học lịch sử, đem lại hiệu quả cao, góp phần dựng lại bức tranh quá khứ, giúp tiết kiệm thời gian dạy học, củng cố phát triển kiến thức lịch sử nhằm phát huy tính tích cực, tạo hứng thú học tập cho học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w