Những yếu tố tạo nên hứng thú học tập lịch sử cho học sinh

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 31)

- Hứng thú học tập

1.1.1.4. Những yếu tố tạo nên hứng thú học tập lịch sử cho học sinh

Khi xác định các biện pháp hình thành hứng thú học tập lịch sử cho học sinh, cần xem xét các yếu tố tạo nên hứng thú học tập lịch sử của học sinh.

Yếu tố thứ nhất: Về nội dung bài học, chương trình lịch sử lớp 6 bao gồm phần lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Phần đầu của lịch sử thế giới là những phần xa xưa nhất, trừu tượng nhất trong toàn bộ quá trình lịch sử. Kiến thức của chương trình lớp 6 cung cấp cho học sinh những kiến thức khái quát sơ đẳng nhưng cơ bản, chính xác, có hệ thống về lịch sử dân tộc và một số kiến thức chung về lịch sử loài người, về các công trình văn hóa...Trên cơ sở đó, bước đầu hình thành cho học sinh những nhận thức đúng đắn về sự xuất hiện của loài người trên trái đất, cũng như sự xuất hiện của loài người trên đất nước ta, về quá trình hình thành và phát triển các quốc gia đầu tiên trên thế giới, của nước ta, cùng những thành tựu kinh tế, văn hóa. Với những nội dung khá trừu tượng, giai đoạn cách nay hàng triệu năm, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Do đó, trong quá trình dạy học, giáo viên cần lựa chọn những kiến thức phù hợp, hấp dẫn, biến những sự kiện tưởng như khô khan thành bức tranh quá khứ nhiều màu sắc.

Lịch sử là những sự kiện xảy ra liên tiếp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đôi khi sự kiện này có mối liên hệ với sư kiện kia. Vì vậy, trong quá trình lên lớp, giáo viên cần xâu chuỗi, móc nối các sự kiện lại với nhau, biến bài học thành những câu chuyện lịch sử, qua đó học sinh nhanh chóng nắm được kiến thức lịch sử, kích thích hứng thú học tập của học sinh.

Yếu tố thứ hai, về phương pháp dạy học lịch sử. Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến học sinh không yêu thích môn lịch sử chính là phương pháp dạy học của giáo viên, giáo viên còn dạy thụ động, vận dụng chưa linh hoạt các phương pháp dạy học, điều đó khiến bài học rời rạc, không hấp dẫn. Trong đó, có rất nhiều biện pháp có thể tạo hứng thú ngay lúc đầu cho học sinh như sử dụng đồ dùng trực quan, dùng lời nói sinh động, hấp dẫn, trao đổi, thảo luận...thông qua các phương pháp dạy hợp lí, giáo viên giúp học sinh hiểu rõ kiến thức lịch sử, dựng lại bức tranh quá khứ như nó từng tồn tại.

Thứ ba, tổ chức hoạt động độc lập nhận thức cho học sinh. Trong giờ học, học sinh phải được tham gia vào hoạt động học tập, do đó, giáo viên cần đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động học tập, khiến học sinh tích cực trong việc tiếp nhận kiến thức, hình thành các kĩ năng, kĩ xảo, phương pháp học tập và giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học tập bộ môn. Từ đó, hình thành hứng thú học tập cho học sinh, có hứng thú học tập, học sinh mới có tự giác học tập, đây cũng là cơ sở để đạt được kết quả tốt trong học tập và kết quả tốt là cơ sở để duy trì phát triển hứng thú học tập.

Thứ tư, yếu tố về phương tiện, thiết bị kĩ thuật hỗ trợ dạy học. Trong dạy học lịch sử, do đặc trưng bộ môn là lịch sử không thể trực tiếp quan sát sự kiện lịch sử, nên các phương tiện, thiết bị hỗ trợ là công cụ cần thiết, không thể thiếu, nhất là trong điều kiện dạy học hiện nay. Việc sử dụng các phương, thiết bị kĩ thuật hỗ trợ việc dạy học, sẽ giúp tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh, thông qua quan sát đồ dùng trực quan kết hợp với lắng nghe lời của giáo viên, từ đó hình thành khái niệm lịch sử, tránh được hiện tượng hiện đại hóa lịch sử. Sử dụng các phương tiện hiện đại vào dạy học lịch sử giúp bài học sinh động hơn, hấp dẫn hơn với màu sắc, các yếu tố động của đồ dùng trực quan như mũi tên, hình ngọn lửa. Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện, kĩ thật hiện đại trong dạy học, còn giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, tiết kiệm thời gian giảng bài.

Như vậy có thể thấy, hứng thú học tập của học sinh có thể nảy sinh và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố bên ngoài như điều kiện, môi trường học tập, yếu tố từ giáo viên như phương pháp dạy học, thái độ học tập của học sinh. Muốn hình thành hứng thú học tập cho học sinh, cần chú ý đến các vấn đề đó.

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w