Tư liệu về Ngô Quyền

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 151 - 155)

Ngô Quyền

(Kỷ Dậu, 889 - Giáp Thìn, 944)

Ngô Quyền là một danh tướng, mưu tài đán giỏi, người Đường Lâm, Phúc Lộc, Giao Châu. Cùng quê với Phùng Hưng. Ông họ Ngô, húy là Quyền, đời đời là dõng dõi quý tộc, một hào trưởng đất Đường Lâm, con của Ngô Mân, Châu Mục Giao Châu. Lấy tên là Quyền là do khi mới sinh ra được dự đoán là sau này có thể làm chủ một phương. Ông là con rể của Dương Diên Nghệ (chủ tướng của Ngô Quyền), vợ ông là Dương Thị Như Ngọc, ông đã cùng bố vợ đánh bại quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất (930 - 931), rồi được ủy quyền trông coi châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).

Ngô Quyền có sức khỏe, chí lớn, mưu sâu, mẹo giỏi, là người lãnh đạo kháng chiến, đồng thời là chỉ huy trực tiếp cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai, ông lãnh đạo chỉ huy quân chiến đấu anh dũng, đánh bại quân Nam Hán bằng một trận quyết chiến chiến lược, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất.

Năm 930, quân xâm lược Nam Hán đã xâm lược nước ta, đánh vào tại Châu Hoan, vượt Hoành Sơn vào đánh phá Chăm Pa, đặt quyền cai trị và cắt đặt Thứ sử Giao Châu. Sau khi bị đánh đuổi về nước (931) nhà Nam Hán vẫn không từ bỏ ý định xâm lược nước ta; lần này mượn cớ chi viện cho tên Kiều Công Tiễn, Vua Nam Hán phong cho con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Giao Vương, mang thủy quân sang đánh nước ta.

Kể từ năm 541, Lý Bôn (tức Lý Bí - Lý Nam Đế) lật đổ ách thống trị của nhà Lương, khôi phục chủ quyền dân tộc, lập nên nhà nước Vạn Xuân, đến

năm 905 Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy, lật đổ chính quyền đô hộ, mở đầu thời kì độc lập dân tộc, và cuối năm 931 Dương Diên Nghệ quét sạch quân Nam Hán, khôi phục chủ quyền đất nước của dân tộc, thì đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938, kết thúc thời kì mất nước trên một nghìn năm. Nhờ chiến thắng này đã kết thúc trên 12 thế kỉ nước ta bị phong kiến phương Bắc nô dịch, mở ra một giai đoạn lịch sử mới, dân tộc ta hoàn toàn giành được độc lập, quyền làm chủ đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 là : “Võ công cao cả vang dội đến cả nghìn thu”

(Ngô Thời Sĩ - Việt sử thông giám cương mục tiền biên).

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đã khẳng định sự tồn tại vững chắc của dân tộc ta, mở ra một kỉ nguyên mới, độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước ta trong gần 5 thế kỉ, từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ thứ XV. Qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê. Thắng lợi Bạch Đằng đem lại quyền làm chủ cho đất nước của dân tộc và làm chủ vận mệnh của mình.

Ngô Quyền là một vị tướng tài, thể hiện nền nghệ thuật quân sự nước ta ở thời điểm mới lập nước, ông có công giữ được sự ổn định bên trong, diệt được giặc ngoài, ngay khi quân Nam Hán còn đang ngấp nghé ở bên ngoài lãnh thổ nước ta. Ngô Quyền đã hạ thành Đại La, giết tên bán nước Kiều Công Tiễn, trừ mối hậu họa bên trong, ổn định tình hình đất nước, tập trung gấp rút vào công việc chuẩn bị kháng chiến.

Nghệ thuật quân sự của Ngô Quyền tài tình ở chỗ ông đã dùng “Quân mới hợp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước, xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa, có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy” (Lê Văn Hưu).

Nghệ thuật quân sự của Ngô Quyền được thể hiện ở trận đánh kì diệu trên sông Bạch Đằng, một trận thủy chiến kết hợp trận địa cọc với lợi dụng

nước triều lên xuống, nghệ thuật quân sự còn được thể hiện ở cách đánh giá, phán đoán, phân tích tình hình, bày thế trận, dùng nghi binh, trực tiếp chỉ huy trận đánh thực hiện ý định và quyết tâm chiến đấu của vị tướng tổng chỉ huy.

Trước khi đi vào trận đánh, Ngô Quyền đã nói với các tướng sĩ rằng:

“Hoằng Tháo là đứa trẻ danh khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe Công Tiễn chết, không có người làm nội ứng nghe đã mất vía rồi, quân ta sức còn mạnh, địch với quân địch mệt mỏi, tất phá được. Nhưng bọn chúng lại có lợi ở chiến thuyền, ta không chuẩn bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao”.

Ông bầy thế trận có mưu cao, có tính toán, ông nói: “Nếu sai người đem cọc vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm dưới biển, thuyền bọn chúng theo nước lên vào hàng cọc sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát.

Ngô Quyền đã hạ quyết tâm chọn cách đánh thủy chiến, lấy đây là trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược, trước hết ông nắm vững những đường quân của địch vào biển, huy động quân và lực lượng quân và dân lập trận địa cọc, cắm đầy cọc nhọn bịt sắt tại nơi hiểm yếu ở cửa sông Bạch Đằng, làm thành một trận địa ngầm, bố trí quân mai phục ở bên trong, sẵn sàng chờ giặc.

Khi địch ngấp nghé ngoài bờ sông Ngô Quyền đã cho thuyền nhẹ ra dụ địch vào sâu thế trận lúc mực nước triều dâng, khi nước triều xuống, ông chỉ huy phản công quyết liệt buộc địch phải rút lui chạy ra cửa biển và bị đâm phải bãi cọc ngầm, kết quả trận đánh quân địch thương vong quá nửa hoàn toàn tan rã, tướng Hoằng Tháo bị chết tại trận, cuộc quyết chiến diễn ra trong gần một ngày, vào thời gian một lần nước triều lên xuống, Vua Nam Hán đem quân đi tiếp viện, đến nửa đường nghe tin Hoằng Tháo thua và chết trận, vừa khóc hu hu vừa thu nhặt tàn quân rút chạy, ý chí xâm lược của quân Nam Hán bị đè bẹp.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam được hình thành qua tài quân sự của Ngô Quyền, đã đặt nền móng, nó thể hiện cách dùng binh (quân Ngô Quyền có đặc điểm là những người lính chưa được huấn luyện chu đáo), cách vận dụng sức mạnh của nhân dân, giỏi lợi dụng thế hiểm trở của địa lí, thủy văn, dùng mưu trí chỉ huy điều hành trận đánh, thể hiện ở nắm tình hình và đánh giá địch chính xác.

Chiến thắng Bạch Đằng chứng tỏ sức mạnh của nhân dân về trí tuệ và khả năng đánh bại địch bằng cả dân binh lẫn chính quy, cả trên bộ lẫn thủy chiến.

Sau chiến thắng ông chăm lo xây dựng đất nước, mùa xuân năm 939, ông quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tự xưng vương. Cổ Loa kinh đô cũ của Âu Lạc - An Dương Vương được chọn làm kinh đô của nước ta, một vương quốc độc lập vào thế kỉ thứ X, đây là một việc có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng và giữ nước lâu đời của dân tộc, biểu thị ý chí quyết giữ nền độc lập vừa mới giành được sau hơn 10 thế kỉ đấu tranh bề bỉ chống xâm lược và sự đô hộ của phong kiến Trung Hoa. Ngô Quyền đặt ra các chức văn võ, quy định các lễ nghi trong triều và màu sắc đồ mặc của các quan lại các cấp, triều đình Ngô Quyền xây dựng theo thể chế của một vương triều phong kiến hoàn toàn độc lập, bộ máy chính quyền mang tính tập quyền.

Ông mất năm Giáp Thìn (944) hưởng thọ 45 tuổi, trị vì đất nước được 5 năm. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình. Đáng tiếc thay!.”

( Trích : Almanach những nền văn minh thế giới (2006),NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội).

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 151 - 155)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w