Sử dụng các mẩu chuyện lịch sử để cụ thể hóa sự kiện nhân vật lịch sử

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 100 - 104)

- Nội dung điều tra

2.3.6. Sử dụng các mẩu chuyện lịch sử để cụ thể hóa sự kiện nhân vật lịch sử

Bản thân lịch sử đã chứa đựng nhiều câu chuyện sinh động hấp dẫn, có khả năng tạo hứng thú học tập cho học sinh, việc tạo ra các biểu tượng lịch sử càng cụ thể bao nhiêu thì bức tranh quá khứ càng chính xác bấy nhiêu. Những mẩu chuyện lịch sử được sử dụng trong bài học lịch sử nhằm gây hứng thú học tập nhằm cụ thể hóa các sự kiện, hiện tượng lịch sử đang học để tạo cho học sinh những hình ảnh rõ ràng, làm tăng thêm tính sinh động, gợi cảm, gây hứng thú học tập, khêu gợi sự ham hiểu biết của các em. Các mẩu chuyện lịch sử được sử dụng trong giờ học sẽ làm cho lịch sử phong phú hơn, các nhân

vật trở nên sinh động hơn, gần gũi hơn. Học sinh sẽ không cảm thấy giờ học khô khan, cứng nhắc bởi các con số, với những tài liệu tham khảo.

Các mẩu chuyện lịch sử có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau, chuyện được tìm hiểu qua tài liệu hay của chính người tham gia chứng kiến sự kiện thuật lại, chuyện từ các quyển sách, báo đã đọc…. Chuyện kể trong dạy học lịch sử lớp 6 THCS, giáo viên nên sử dụng những truyền thuyết về nguồn gốc loài người, về quá trình hình thành các nhà nước cổ đại, phong kiến, anh hùng, danh nhân văn hóa…Giáo viên có thể dựa vào tài liệu tham khảo để xây dựng những mẩu chuyện sinh động, phục vụ cho bài học.

Những mẩu chuyện lịch sử được sử dụng trong bài học lịch sử nhằm tạo hứng thú học tập thường được giáo viên sử dụng trong các trường hợp sau:

Nhằm cụ thể hóa các sự kiện, hiện tượng lịch sử đang học để tạo cho học sinh những hình ảnh rõ ràng, làm tăng thêm tính sinh động, gợi cảm, gây hứng thú học tập, khêu gợi sự ham hiểu biết của các em.

Để giải thích một sự kiện, hiện tượng lịch sử giúp học sinh hiểu được bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Nhằm giúp học sinh hiểu rõ về các sự kiện, nhân vật lịch sử và những đóng góp của cá nhân vào lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Ví dụ: Khi dạy bài 15 “Nước Âu Lạc” phần 4 - Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng. GV có thể kể cho học sinh nghe câu chuyện cổ tích Sự tích thành Cổ Loa:

Khi đã chiếm được đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Ðám đông người hì hục đào đất, khuân đất hết ngày nọ sang ngày kia, tòa thành cao dần. Nhưng một đêm cả bức tường thành quanh co đều đổ sập xuống như đất bằng. Vua An Dương Vương đến xem rất lấy làm tức giận. An Dương Vương sai các tướng lãnh đốc thúc đắp lại thành cho kỳ được. Ðám

người hăng hái đắp lại không ngừng. Tường thành mỗi ngày một cao dần và lại cao như tường thành cũ. Nhưng rồi một đêm cả dãy tường thành lại sập xuống như đất bằng. An Dương Vương lại xem chỗ địa thành để cầu trời phù hộ mình đắp cho xong tòa thành. Vua đi vòng quanh chân tường vừa đi vừa suy nghĩ. Ðột nhiên vua thấy một ông già râu tóc bạc từ phía xa đi lại. Ðến gần An Dương Vương, ông tự xưng mình là thổ thần của vùng đất này, nói với vua rằng:

- Nhà vua đừng lo, sáng mai nhà vua ra đợi ở bờ sông sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp nhà vua đắp thành.

Nói xong ông già biến mất.

Hôm sau mới tờ mờ sáng, An Dương Vương đã ra tận bờ sông để đợi Giang sứ. Vừa bắt đầu tan sương thì có một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông từ phía Ðông bơi vào bờ đến gần nhà vua, rùa tự xưng mình là thần Kim Quy, sứ giả của vua Thủy Tề. An Dương Vương sai đặt Giang sứ lên một chiếc mâm vàng và khiêng vào cung.

Vua hỏi kế đắp thành, thần Kim Quy bảo rằng:

- Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống lâu năm thành tinh có phép biến hoá khôn lường. Nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ ở quán trọ trong vùng này. Con tinh gà trắng có tiền duyên với con gái lão chủ quán gần chân núi nên hay hiện hình làm khách bộ hành ghé vào nhà lão, khi thì nhập vào con gái lão, khi thì nhập vào con gà trắng của lão. Muốn đắp cho được thành, trước hết phải trừ cho tiệt giống yêu ma và giết đứa con gái cùng con gà trắng của lão chủ quán kia đi.

Nghe lời thần mách bảo, Vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục, An Dương Vương và thần Kim Quy trở về quán trọ bảo chủ quán hiến cho mình con gà trắng để tạ trời đất. Gà vừa bị cắt tiết thì con gái chủ quán cũng lăn ra chết. Giữa lúc ấy có một con chim từ trong nhà bay vụt ra,

thần Kim Quy biết đó là con yêu tinh đã tìm đường chạy trốn, liền tung phép giết chết.

Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng:

- Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng ngìn quân giặc.

Nói xong, thần biến mất, nhờ có thần Kim Quy trừ hết yêu ma. An Dương Vương ra lệnh cho quân lính và nhân dân xây lại thành. Chẳng bao lâu tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, vừa dầy vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành.

Câu chuyện tuy có nhiều yếu tố hoang đường, tưởng tượng, nhưng câu truyện được xây dựng trên những chất liệu là sự thật lịch sử. Hơn nữa lại hấp dẫn, sinh động, học sinh dễ dàng ghi nhớ nội dung của câu truyện. Qua đó giáo viên có thể hướng dẫn cho học sinh để các em rút ra được những kết luận lịch sử, và những kết luận này sẽ khắc sâu trong trí óc của học sinh. Đó là: Thành Cổ Loa là một công trình phòng thủ quân sự đầu tiên và cổ nhất của nước ta, được An Dương Vương xây dựng vào khoảng thế kỉ II TCN. Quá trình xây thành Cổ Loa diễn ra vô cùng khó khăn, nên vai trò của nhân dân là vô cùng to lớn.

Sử dụng các mẩu chuyện lịch sử để cụ thể hóa sự kiện - nhân vật lịch sử phải tuân thủ các yêu cầu: Xây dựng các mẩu chuyện phải phù hợp, phản ánh đúng đắn nội dung bài học; phải đảm bảo ba mục tiêu của bài học: kiến thức, kĩ năng, thái độ; phải phù hợp với thời gian của bài học; mẩu chuyện được sử dụng trong bài học phải đảm bảo tính vừa sức trong lĩnh hội kiến thức của học sinh; sử dụng mẩu chuyện lịch sử trong dạy học phải tuân thủ các phương pháp đặc trưng của bộ môn, trong đó sử dụng lời nói là quan trọng nhất.

Muốn gây được hứng thú thì kể chuyện phải làm cho người nghe xúc động như được sống lại với sự kiện ấy, lời kể phải biểu cảm rõ ràng, nội dung câu chuyện chỉ có khối lượng trong sự kiện, tri thức được cung cấp mà còn bao gồm cả việc phân tích, nêu bản chất của sự kiện hiện tượng.

Trong thời gian giới hạn của một tiết học, giáo viên không thể kể tất cả các câu chuyện liên quan tới bài học mà chỉ có thể lựa chọn 1 - 2 mẩu chuyện ngắn gọn, xúc tích, giàu hình ảnh để góp phần khôi phục bức tranh chân thực của lịch sử.

Đối với học sinh lớp 6 THCS - DTNT tỉnh Vĩnh Phúc tài liệu tham khảo của các em không có, trình độ nhận thức của các em còn hạn chế, do vậy để tạo hứng thú học tập lịch sử qua các mẩu chuyện lịch sử là hình thức tốt nhất, kết hợp với các tài liệu mình đã sưu tầm được để tạo cho các e có một giờ học thật sự hiệu quả và thích thú.

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w