Nội dung cơ bản của chương trình lịch sử lớp 6 THCS

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 64)

- Nội dung điều tra

2.1.3. Nội dung cơ bản của chương trình lịch sử lớp 6 THCS

Khóa trình lịch sử lớp 6 - THCS bao gồm phần mở đầu và 4 chương

Phần mở đầu, với nội dung cơ bản là những điều sơ lược về môn lịch sử. Ở phần này giới thiệu cho học sinh về môn học, giúp các em thấy được tầm quan trọng của môn học và cách tính niên đại trong lịch sử.

Phần thứ nhất: Khái quát lịch sử thế giới cổ đại, phần này tập trung những vấn đề sau:

Xã hội nguyên thủy với sự xuất hiện của loài người, người tinh khôn, sự phát triển của công cụ lao động nhanh chóng là nguyên nhân tan rã của xã hội nguyên thủy, dẫn tới sự ra đời của các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây, phản ánh xã hội, những thành tựu kinh tế, văn hóa đã đạt được của cả hai thể chế nhà nước này.

Phần thứ hai - Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ X, bao gồm bốn chương.

Chương I: Buổi đầu lịch sử nước ta.

Nội dung chính của chương này trình bày về thời nguyên thủy và đời sống người nguyên thủy trên đất nước ta. Qua chương này các em sẽ biết được trên đất nước ta, từ xa xưa đã có con người sinh sống, trải qua hàng chục vạn năm, những con người đó chuyển dần từ người tối cổ sang người tinh khôn, nhờ có lao động sản xuất, con người vượt qua thời kì hái lượm, bước sang thời kì mới.

Cuộc sống của con người được đảm bảo hơn, hình thành cuộc sống định cư và từ đó nảy sinh những nhu cầu mới về tổ chức xã hội và trên cơ sở đó mở rộng vùng cư trú, phát triển xã hội của mình ngày càng cao để tạo nên những văn hóa có ý nghĩa trung tâm, tạo nền cho sự hình thành của thời đại mới.

Chương II: Thời đại dựng nước: Văn Lang - Âu Lạc.

Trong chương này, nội dung được trình bày trước hết là sự phát triển của sức sản xuất. Khoảng bốn ngàn năm trước người Việt cổ đã bước vào “thời

đại kim loại” biết sử dụng công cụ bằng đồng thau đến khoảng 3000 - 2500 năm ngày nay, kỹ thuật đồng thau cực thịnh người Việt cổ đã biết và bắt đầu sử dụng công cụ sắt. Công cụ kim loại với năng suất cao hơn đã cho phép làm ăn theo đơn vị gia đình và do đó có khả năng có “của thừa”.

Công cụ bằng kim loại đã cho phép con người Việt cổ mở rộng đất đai và bắt đầu công cuộc trị thủy và làm thủy lợi. Với lưỡi cày đồng cùng với việc sử dụng sức kéo của trâu bò, người Việt cổ đã tiến xuống chinh phục đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mã, phát triển diện tích, tăng vụ, làm vườn, trồng cây ăn quả, đào ao chuôm, chăn nuôi và đánh cá…

Nông nghiệp biến chuyển tạo đà cho cho sự phát triển của các ngành thủ công nghiệp khác. Đồng thời gia đình, làng bản, xã hội cũng biến đổi hình thành gia đình phụ hệ là đơn vị sản xuất và là tế bào của xã hội, làng bản từ quan hệ huyết thống trở thành công xã nông thôn, quan hệ xóm giềng. Xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo, có quý tộc, thành viên tự do của công xã và nô tì, có kẻ thống trị, bóc lột và người bị trị, bị bóc lột. Tuy nhiên sự phân hóa này chưa sâu sắc, chưa làm tổn thương đến các quan hệ xã hội, các quan hệ truyền thống trong xã hội nguyên thủy, sức sản xuất xã hội vẫn có đà phát triển tiến lên.

Do nhu cầu quản lí xã hội, nhu cầu chống các cuộc xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt do nhu cầu tổ chức công cuộc trị thủy và làm thủy lợi, các Vua Hùng đã dựng nước Văn Lang tồn tại suốt từ khoảng 4000 năm cách ngày nay đến nửa sau thế kỉ III trước công nguyên. Đó là những tổ chức nhà nước đầu tiên rất đơn giản, thành lập ra chưa phải do yêu cầu của đấu tranh giai cấp mà là do những đặc thù của lịch sử dân tộc. Các nhà nước Văn Lang - Âu Lạc tuy rất đơn giản nhưng đã có những tác dụng tích cực trong buổi đầu dựng và giữ nước. Đặc biệt là trong buổi đầu cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược Tần và nhiều lần đánh thắng quân xâm lược Triệu Đà. Thời đại của các

nhà nước Văn Lang và Âu Lạc chính là thời kì hình thành quốc gia, hình thành dân tộc Việt Nam.

Chương III: Thời kì Bắc thuộc và đấu tranh giành độc lập.

Từ năm 179 TCN đến đầu thế kỉ X là hơn 1000 năm đất nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc tiếp nối thay thế nhau đô hộ, chúng thực hiện các chính sách đô hộ như: Thôn tính đất đai, đồng hóa dân tộc và bóc lột kìm hãm không cho ta phát triển đi lên. Để thi hành những chính sách bạo ngược đó chúng thẳng tay bóc lột nhân dân ta cực kì tàn bạo. Nhân dân ta với ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất để đối phó lại, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước đã bền bỉ và anh dũng đấu tranh trên mọi mặt, để bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, bảo tồn tiếng nói của dân tộc, tiếp thu và học tập những yếu tố văn minh của nước ngoài để tự mở đường phát triển đi lên, chống lại thế kìm kẹp của kẻ thù, trong khi vẫn ra sức cần cù lao động để duy trì cuộc sống của dân tộc.

Cuộc đấu tranh toàn diện, bền bỉ và anh dũng của nhân dân ta trong hơn 1000 năm này đã ngày càng mài sắc ý chí độc lập, ngày càng tăng cường sức mạnh của dân tộc, để mỗi khi có cơ hội thuận lợi ta lại vùng lên đấu tranh, quyết liệt nhằm đánh đuổi bọn đô hộ, giành lại độc lập, quyền làm chủ đất nước.

Mở đầu cuộc đấu tranh là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã dựng lại được độc lập trong thời gian 3 năm (40 - 43).

Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, rồi cuộc khởi nghĩa Lí Bí năm 542 đã dựng lại ngọn cờ Vạn Xuân độc lập năm 544, tiếp theo là cuộc kháng chiến anh dũng của Triệu Quang Phục đã giữ được ngọn cờ độc lập tới năm 603. Như vậy yêu cầu độc lập ngày càng trở nên bức xúc, các cuộc khởi nghĩa ngày càng dồn dập. Thế kỉ thứ VIII tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722, khởi nghĩa Phùng Hưng năm 766 - 791, thế kỉ IX

với những cuộc khởi nghĩa quy mô ngày càng lớn bùng nổ liên tiếp kéo dài suốt cả thế kỉ.

Đồng thời ở trong chương này, song song với sự ra đời và phát triển của nhà nước cổ đại là Văn Lang - Âu Lạc thì ở miền Trung Việt Nam xuất hiện nhà nước cổ đại Cham - pa, bên cạnh những đặc điểm riêng, đa dạng về văn hóa, thì cũng có nét thống nhất, sau này đã thống nhất thành một quốc gia độc lập.

Chương IV: Bước ngoặt lịch sử ở đầu thế kỉ X.

Sự nghiệp họ Khúc năm 905, sự nghiệp tự chủ của họ Dương năm năm 931, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại năm 938 của Ngô Quyền đã kết thúc hơn 1000 năm các triều đại phong kiến Trung Hoa từ Triệu đến Hán, Tùy, Đường đô hộ nước ta, đập tan mưu đồ thâm độc hòng bóp chết nhân dân ta bằng chính sách đồng hóa mọi mặt của chúng. Một “bước ngoặt lịch sử” được thực hiện, kỉ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.

Như vậy khóa trình lịch sử lớp 6 THCS với nội dung chứa đựng những lịch sử cơ bản từ cội nguồn dân tộc đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938, những nội dung này được khai thác nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh trong quá trình giảng dạy.

Một phần của tài liệu Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học lịch sử lớp 6 ở các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú tỉnh vĩnh phúc (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w