Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật riêng

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 42 - 44)

- Chức năng Thủ tục xác lập quyền

c. Quyền sử dụng là quyền năng cơ bản nhất của quyền sở hữu công nghiệp

1.3.1. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật riêng

Pháp là nước đầu tiên và điển hình trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng một luật riêng. Đây là nơi mà luật đầu tiên về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thông qua trong đó quy định về một hình thức sở hữu công nghiệp đặc biệt đó là tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Đạo luật của Pháp ban hành ngày 6/5/1919 ghi nhận sự tồn tại của các tên gọi xuất xứ và quy định các tiêu chuẩn bảo hộ tên gọi xuất xứ. Theo luật này, một tên gọi xuất xứ bao gồm tên gọi của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ xuất xứ của sản phẩm từ khu vực tương ứng, khi chất lượng và tính chất đặc thù của sản phẩm do môi trường địa lý (kể cả yếu tố tự nhiên và con người) của khu vực địa lý đó quyết định. Như vậy, chỉ có các sản phẩm xuất xứ từ một khu vực địa lý đặc biệt và có những phẩm chất đặc thù do môi trường địa lý của khu vực địa lý đó mang lại mới được bảo hộ bằng một tên gọi xuất xứ ở Pháp. Để đảm bảo rằng các sản phẩm có những phẩm chất đặc thù, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng một cơ chế kiểm tra chất lượng chặt chẽ và thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm được bảo hộ.

Ban đầu, tên gọi xuất xứ chỉ bảo hộ cho rượu vang và rượu mạnh và sau đó được mở rộng cho các sản phẩm khác như bơ, pho mát, thịt gia cầm, các chế phẩm từ thực vật.

Hệ thống đăng ký và một loạt khái niệm trong luật của Pháp đã có ảnh hưởng lớn và lan rộng trong các nước có truyền thống luật La mã ở Châu Âu và Châu Mỹ La tinh.

Theo hệ thống riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các chỉ tiêu của một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (bản mô tả sản phẩm - tên sản phẩm, các đặc tính chủ yếu của sản phẩm; giới hạn khu vực địa lý; quy trình sản xuất sản phẩm; và mối quan hệ với nguồn gốc địa lý) được xây dựng bằng một thủ tục hành chính với sự tham gia của các nhà sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước, sau đó được chính thức công nhận bằng thủ tục đăng ký quyền sở hữu công

nghiệp (ví dụ như ở Bồ Đào Nha, Việt Nam), bằng quyết định hành chính (chẳng hạn như ở Pháp) hoặc thậm chí bằng văn bản quy phạm pháp luật - đạo luật, pháp lệnh … về một sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cụ thể (như ở Anh). Cơ quan có thẩm quyền xem xét và thừa nhận các chỉ tiêu đó là Bộ quản lý chuyên ngành (Nông nghiệp), Cơ quan sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức chuyên môn về chỉ dẫn địa lý (ví dụ INAO của Pháp). Các chỉ tiêu đã xác lập đó là chỉ tiêu pháp lý và được các cơ quan nhà nước thi hành và bảo đảm thực thi theo luật dân sự, hình sự hoặc hành chính.

Nội dung bảo hộ một chỉ dẫn địa lý là chống việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm không đạt các chỉ tiêu pháp lý (không có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứng, không đạt các chỉ tiêu về sản phẩm hoặc các chỉ tiêu về quy trình sản xuất sản phẩm).

Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo mô hình này thường được gọi là hệ thống tên gọi xuất xứ có kiểm soát AOC, hiện hành ở EU và các nước thành viên EU, trong đó đặc biệt có Pháp, Thụy Sĩ.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)