Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 92 - 96)

- Chức năng Thủ tục xác lập quyền

c. Quyền sử dụng là quyền năng cơ bản nhất của quyền sở hữu công nghiệp

2.5.2.1. Xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính

Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã phân định rõ ràng những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Điều 211. Luật Sở hữu trí tuệ đã cá biệt hóa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính so với pháp Luật Sở hữu trí tuệ trước đây. Cụ thể, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến

mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp chỉ cần nộp đơn cho các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính mà không bắt buộc phải có được kết luận vi phạm của Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định trước đây, trừ những trường hợp khi việc vi phạm là rõ ràng, người có quyền sở hữu công nghiệp phải làm đơn gửi Cục Sở hữu trí tuệ xin đánh giá và cho kết luận chính thức bằng văn bản về việc vi phạm. Trên thực tế, kết luận vi phạm của Cục Sở hữu trí tuệ là điều kiện tiên quyết để các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính bắt đầu xem xét vụ việc.

Theo pháp luật hiện hành, các cơ quan chức năng được trao quyền thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm:

- Thanh tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học công nghệ và các Sở khoa học công nghệ và môi trường các Tỉnh, Thành phố,

- Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Thương Mại, các Chi Cục và Đội quản lý thị trường trực thuộc,

- Cảnh sát kinh tế Trung ương và địa phương,

- Tổng Cục Hải quan và Hải quan các cửa khẩu trên toàn quốc, - ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Các hình thức xử phạt hành chính bao gồm cảnh cáo; phạt tiền; các hình phạt bổ sung như: tịch thu hàng hóa giả mạo cùng tang vật, đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh sản phẩm/dịch vụ vi phạm; các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại hàng hóa giả mạo và các vật chứng liên quan, buộc loại bỏ các

yếu tố xâm phạm, buộc tái xuất hàng hóa giả mạo hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhìn chung, quy định của pháp luật hiện hành về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính không khác biệt nhiều so với các quy định pháp luật trước đây (cụ thể là Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp).

Một điểm quan trọng của nội dung xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính trong Luật Sở hữu trí tuệ là quy định về mức tiền phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khoản 4, Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ quy định mức tiền phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hóa đó. Quy định này đã khắc phục được một hạn chế vẫn thường xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính là pháp luật ấn định một khung tiền phạt chung cho một loại hành vi vi phạm nào đó, mà trong nhiều trường hợp, vi phạm hành chính thuộc loại này đem lại lợi nhuận cho chủ thể vi phạm hoặc gây ra thiệt hại, tổn thất cho nhà nước, xã hội lớn hơn rất nhiều lần so với mức tiền phạt được quy định, dẫn đến mục đích của việc xử lý vi phạm hành chính không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, quy định này có sự không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Để khắc phục bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi thành "Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính" (tối đa là 500 triệu đồng). Việc sửa đổi này sẽ làm cho việc xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý bằng biện pháp hành chính có tính khả thi và thống nhất.

Luật cũng quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính trong các trường hợp: hành vi xâm phạm có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc xã hội; tang vật có nguy cơ bị tẩu tán; nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Các biện pháp ngăn chặn được quy định theo bốn hình thức: tạm giữ người; tạm giữ hàng hóa, tang vật; khám người, khám hiện trường; các biện pháp ngăn chặn khác.

Như vậy, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn, phạm vi áp dụng bồi thường hành chính đã được giới hạn và theo hướng chuyển sang bồi thường dân sự, thủ tục hành chính đã được tiếp tục cải tiến, nguyên tắc phạt hành chính vượt quá mức lợi ích thu được do hành vi vi phạm đã được xây dựng, chức năng của các cơ quan thực thi đã được xác định rõ ràng hơn nhằm tránh các thủ tục chồng chéo. Sự kết hợp giữa thủ tục và chế tài hành chính với việc bồi thường theo thủ tục dân sự có hiệu quả ngăn chặn như quy định tại Điều 41 Hiệp định TRIPS.

Cho đến nay, áp dụng biện pháp hành chính để xử lý các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ đang chứng tỏ là có hiệu quả nhất so với áp dụng các biện pháp khác như khởi kiện tại tòa án. Biện pháp này thực hiện khá nhanh chóng, đơn giản, không tốn kém và nhìn chung cũng cho phép áp dụng một số chế tài dân sự như được quy định trong luật của các nước khác.

Tuy vậy, biện pháp hành chính cũng đã bộc lộ một số nhược điểm: - Không giải quyết được vấn đề bồi thường thiệt hại. Hiện nay, bồi thường thiệt hại chỉ được tiến hành theo các thủ tục dân sự;

- Các chế tài chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các vi phạm tiếp theo; và - Sự hạn chế về kiến thức và nguồn lực của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới ngày càng bị hạn chế, thay vào đó các biện pháp dân sự và hình sự được áp dụng mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)