- Chức năng Thủ tục xác lập quyền
c. Quyền sử dụng là quyền năng cơ bản nhất của quyền sở hữu công nghiệp
2.4.3. Quyền yêu cầu xử lý vi phạm
Mục đích của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý là để bảo vệ uy tín, danh tiếng của sản phẩm mang các chỉ dẫn địa lý đó. Vì vậy, về nguyên tắc bất cứ hành vi sử dụng chỉ dẫn nào gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ thực của sản phẩm liên quan đến một chỉ dẫn địa lý đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý đó.
Hiệp định TRIPS quy định một cách nguyên tắc các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý cùng với các quy định đặc biệt liên quan đến bảo hộ bổ sung cho các chỉ dẫn dùng cho rượu vang và rượu mạnh.
Vì yêu cầu của Hiệp định TRIPS có tính bắt buộc đối với các thành viên của WTO cho nên pháp luật của các nước thành viên bất kể bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ dưới hình thức nào đều phải coi các hành vi quy định tại Điều 22(2) và Điều 23 của Hiệp định này là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa. Quy định của Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu đó.
Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người khác chấm dứt hành vi xâm phạm đó và bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền gây ra hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ).
Theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bao gồm:
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
- Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ
- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Chúng ta cần phân biệt hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý với các hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý và hành vi cạnh tranh không lành mạnh về chỉ dẫn địa lý.
Như trên đã nêu, hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý là hành vi sử dụng chính chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng, đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc cho các sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý hoặc hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm. Hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý cũng là một loại hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý nhưng là hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ). Còn hành vi cạnh tranh không lành mạnh về chỉ dẫn địa lý là hành vi sử dụng một chỉ dẫn địa lý nhất định cho các sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó gây nhầm lẫn và lừa dối người tiêu dùng. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh về chỉ dẫn địa lý được nhấn mạnh ở hậu quả của hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý đó có làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn và hiểu sai về nguồn gốc thật của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó hay không, còn hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý được nhấn mạnh ở việc sử dụng một chỉ dẫn có trùng hoặc khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ hay không và có sự cho phép của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý đó hay không.