Khai thác thế mạnh từ những câu đoản mạch, phi ngữ pháp

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 61)

Thời đại của thông tin, tiểu thuyết biến đổi bằng tính “năng động” vốn có. Ở các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ở góc độ ngôn ngữ, hầu hết các câu đều chỉ có một mệnh đề, một thông báo, trong đó loại câu không có chủ từ chiếm ưu thế. Tập hợp của những câu này tạo ra một hiệu ứng mới cho tiểu thuyết.

Trước hết, nó tạo ra cái gọi là “kĩ thuật camera” của điện ảnh: những hình ảnh con người, sự vật, sự việc nối tiếp nhau hiện ra một cách khách quan trước ống kính của “nhà quay phim”. Không bình luận, không dẫn giải, không cả những liên hệ - so sánh, người đọc ở đây được cùng vị trí quan sát với nhà văn và do đó, trường liên tưởng mà nó mở ra sẽ rất rộng, rất phong phú.

Trong Thoạt kì thủy, chiếm ưu thế là những câu văn ngắn, mỗi câu là một thực

thể độc lập, nhiều câu bị tỉnh lược thành phần: “Chưa dứt lời, Hưng lắc đầu đuổi Tính

về. Đến cổng, Tính không vào, vòng sang nhà ông Điện. Tính gõ cửa. Không có tiếng thưa” [216; 33]. Tính chất ngắt đoạn, rời rạc trong những câu trên tạo ra tính cắt đoạn trong nhịp điệu trần thuật và cùng với nó là những đứt gãy trong mạch văn và những khoảng im lặng giữa các sự kiện, nơi mà ở đó trí tưởng tượng của người đọc được phát huy hết mức: “Tính đảo mắt, chân nặng trịch. Những khuôn mặt nhòa nhòa vun vút chuyển động. Những vòng tròn trắng của dân xóm Soi. Nhanh rồi chậm rồi nhanh, lại chậm” [216; 64]. Nguyễn Chí Hoan nhận xét: “Lối hành văn này vì vậy mà dường như có một sắc thái tượng trưng trùng hợp rõ rệt với đối tượng miêu tả - cái thoạt kì thủy đó. Nó là cái giản đơn, ban sơ, lấp lửng, mờ ám và khác với trật tự thông thường, cho nên bộ mặt ngôn ngữ của nó phải là như vậy” [81]. Bên cạnh đó, kiểu câu xô lệch ngữ pháp lại có khả năng diễn đạt rất chính xác cái rối loạn, cái phi logic trong tâm thức

người điên: “Hiền đỏ như máu. Đỏ như đĩa xôi gấc. Búa tạ đập vỡ nhà ông Quyên cho

vàng như trăng. Chọc lên trời một cây khô…” [216; 69]. “Bị dắt đi, dắt đi, dắt đi, dắt đi… Cây sợ run bần bật, nhiều trăng lắm nhé, mẹ nhé. Thích nhỉ, mẹ nhỉ” [216; 69]…

Một hiệu ứng khác của lối viết tỉnh lược với cấu trúc câu phi ngữ pháp là giúp tạo

nên tính mơ hồ không xác định của nhân vật và sự kiện. Hiệu ứng này xảy ra trong Trí

nhớ suy tàn: “Chẳng mấy tháng nữa sẽ tròn hai mươi sáu tuổi. Mang trong mình sự phức tạp của phố phường, đôi lúc không tránh khỏi những giờ phút mơ mộng hão huyền từ thời sinh viên để lại". Hay là“Đi một mình, không Vũ, không sách, không máy nghe nhạc, không chụp bất cứ bức ảnh nào và không gọi điện cho ai. Dự tính vào đầu tuần sau…” [217; 87]. Việc xóa bỏ chủ từ sẽ làm mờ đi tính cụ thể, xác định của nhân

vật. Thụy Khuê nhận xét: “Khi căn cước của người nói nhòa đi thì cái điều mà người

ấy muốn bày tỏ, đúng hơn, cái kí ức mờ ảo, suy tàn của người ấy lại lộ rõ ra muôn phần hơn, với tất cả tính cách độc đáo, nên thơ và huyền ảo của nó” [98].

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)