Nhân vật là “mảnh vỡ tâm lí” hiện lên qua độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 99)

“Khi mà cấu trúc thể loại tiểu thuyết đã có những biến đổi (suy cho cùng nó phản ánh những nét chính của cấu trúc xã hội) thì cấu trúc của nhân vật cũng không thể giống trước. Nhà viết tiểu thuyết hiện đại không quan tâm nhiều đến “lịch sử nhân vật trong tính toàn vẹn của nó” mà chú ý hơn đến tâm trạng nhân vật trong những mảnh phân thân của nó” [163; 103].

Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà không là những bức chân dung đầy đặn, vẹn nguyên với ngoại hình, tính cách, số phận tròn trịa như những hình tượng

nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống mà hiện lên qua một tâm trạng hay những mảnh tâm trạng. Người đọc khó có thể lắp ghép các mảnh tâm trạng đó lại để dựng lại một tính cách hoàn chỉnh.

Thế giới nhân vật trong Cơ hội của Chúa là những con người tràn đầy sức trẻ,

nhiệt tình và nhiều hoài bão. Ấn tượng mà họ để lại là những mảnh tâm trạng vô cùng

phức tạp, mâu thuẫn. Thông qua hình thức độc thoại nội tâm, các nhân vật của Cơ hội

của Chúa đã chiếm lĩnh “sân khấu”, gạt người kể chuyện sang bên để tự bày tỏ cái “tôi” của mình. Những trích đoạn tự sự hay những trang nhật kí đăng rải rác trong tiểu thuyết của bốn nhân vật chính: Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy đã dần bộc lộ tâm tư nhân vật. Đó là những lần “đối thoại với chính mình” - những điều mà họ không thể nói với ai.

Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang nhưng có tới gần 200 trang là những dòng độc thoại. Chúng xuất hiện rải rác trong tác phẩm, của nhiều nhân vật khác nhau và càng về

cuối thì tần số xuất hiện càng lớn. Nếu như trước sau ta chỉ biết rằng Nhã là một thiếu

phụ xấp xỉ ba mươi, vẻ đẹp đầy trí thức, thì ta lại được đọc đến 60 trang viết của cô. Không cho độc giả thấy Tâm dáng hình, diện mạo ra sao nhưng Nguyễn Việt Hà sẽ cho ta đọc liền 27 trang tự sự của anh.

Bằng độc thoại nội tâm, nhà văn đã để cho bốn nhân vật Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy được sống thật với bản thân mình. Điều này dễ hiểu với Hoàng và Thủy, những tuýp người lãng mạn đã đành, nhưng lại còn có ở Tâm và Nhã – những con người của hành động, khiến độc giả không thể tiếp cận nhân vật một cách phiến diện, một chiều.

Trong tiểu thuyết, Nhã hiện lên chủ yếu qua những trường đoạn tâm lí miêu tả cuộc vật lộn đấu trang nội tâm về tình yêu, hạnh phúc, nỗi đau mà chị từng nếm trải. Nhã luôn tỏ ra mạnh mẽ, quyết định chối bỏ Lâm với sự khinh bỉ. Ngày gặp lại, Nhã

lạnh lùng đuổi Lâm đi bằng những lời chua chát: Xéo đi với bộ mặt xám hối của anh.

Anh tưởng tôi không biết chửi hả. Cút mẹ anh đi. Và Lâm sẽ không mãi mãi không biết

rằng Sau khi cai sữa cho con bé Phương được một tháng… tôi nhớ Lâm. Nỗi nhớ bùng

nổ như núi lửa phun nham thạch. Anh biết không, bé Phương được sáu tháng, nhìn mẹ bế con em nhớ anh kinh khủng. Giả sử lúc đó anh hiện ra, giả sử lúc đó có một phép màu làm anh rũ bỏ hết tất cả chạy đến với mẹ con em thì em sẽ tha thứ cho anh. Em yêu anh [221; 73]. Gặp lại Lâm lần thứ hai, Nhã vẫn tỏ ra mạnh mẽ: Không có mẹ con

tôi anh vẫn béo ra. Tôi biết anh sắp bảo vệ luận án Tiến sĩ, rồi anh sẽ kiếm được cô vợ xinh xinh. Với tài năng của anh chuyện đó không khó. Tôi chân thành mừng cho anh

[221; 80] nhưng trong sâu thẳm, không ai biết được đêm sinh nhật tròn ba mươi tuổi

Nhã đã khóc cho những mảnh vỡ của tuổi thanh xuân.

Vào những mốc quan trọng của cuộc đời ta cũng thấy Nhã bộc lộ tâm trạng thật

của mình. Đó là dịp đến dự đám cưới của Tâm – Huyền: Bỗng dưng tôi buồn. Tôi đi

xuống bếp kiếm can rượu trắng cẩn thận rót cho mình một chén nhỏ. Cùng một dạo tôi bé như Huyền, cũng hạnh phúc khi nghĩ đến ngày cưới. Chao ôi, tôi sẽ vĩnh viễn không có tiếng pháo đón dâu cho riêng mình [221; 226]. Đó là dịp Tết: Tôi dắt xe ra cổng, nép sát vào cổng sắt nhà tôi một cặp tình nhân đang hôn nhau. Tôi dắt xe quay vào. Tôi úp mặt xuống bàn và khóc khan. Năm nay tôi ba mươi mốt tuổi rưỡi tây và ba mươi hai tuổi mụ [221; 227].

Nhìn người ta hạnh phúc, nỗi cô đơn, khát vọng hạnh phúc lẫn cảm giác thất vọng

xâm chiếm lòng Nhã. Tuy nhiên chị tự thấy rằng mình đã phải trả giá quá đắt cho việc

nhìn người nông nổi nên tự ép mình phải quên đi những chuyện nhảm nhí về Hoàng tử, Công chúa, những con ngựa bay được, những kho tàng vô giá đột ngột gặp được [221;

437]; không thể tự ru ngủ mình bằng những giấc mơ hồng, giấc mơ tím mà từ thuở ấu

thơ xa xăm những người tốt như mẹ tôi trót thả vào tâm tưởng [221; 439]. Gặp Sáng, bắt đầu cuộc tình mới, Nhã cũng có những dè dặt, băn khoăn, lưỡng lự. Vậy nhưng trên hết đó là khát khao được làm vợ. Khát khao rất bản năng của người phụ nữ ấy thật mâu thuẫn: vừa mong muốn, vừa băn khoăn không hiểu nổi mình nên một nỗi chán chường

vây bủa. Nhã thốt lên đau đớn: Thông minh giỏi giang để làm gì nếu cái đấy chỉ cho tôi

biết những bất hạnh. Lần đầu tiên tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn lần này tôi không muốn là nạn nhân của cái danh [221; 464].

Nếu tâm lí Nhã đã phong phú, phức tạp và thường trực thì ở Hoàng “hành động tâm lí” lại là đặc trưng biểu hiện hành động ở nhân vật này. Hành trình đi tìm chân lí, bản chất trong tôn giáo cũng chính là hành động đi tìm chỗ đứng của chính mình.

Hoàng tự nhận thấy Người tôi lem nhem một nỗi buồn chán [221]. Hoàng cũng có một

thời tuổi trẻ nhiều hy vọng nhưng Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại

hóa Những đam mê, hi vọng lớn dần dần bị thui chột bởi những điều tủn mủn…[221; 430]. Hoàng chán mọi thứ, nhất là công việc ở cơ quan. Ở Hoàng toát lên vẻ uể oải trí thức thế nhưng anh lại dị ứng với những người tự khoe mình là trí thức. Đã có lúc

Hoàng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong tình yêu với Thủy. Anh tự nhủ: Mình sẽ

làm lại từ đầu. Không bao giờ uống rượu nữa. Mình sẽ chăm chỉ và thật ngoan [221; 21]. Vậy mà rồi trong tình yêu anh cũng trở thành người cô đơn. Tôi bơ vơ và lang thang trong nỗi buồn vô cớ [221; 103]. Hoàng đã mong muốn tìm sự giải thoát ở tình yêu. Tình yêu an ủi mình trên con đường hướng tới đức tin [221; 223] nhưng khi Thủy bỏ anh để ra đi thì Hoàng cũng trắng tay. Hoàng đã từng tin ở Chúa. Hoàng có một vốn kiến thức về tôn giáo tương đối khá, lí luận khúc chiết, rõ ràng, nhưng không chịu tìm ra lối đi cho mình. Hoàng bế tắc trong cuộc đời và trong tình yêu. Mỗi lẫn như vậy anh lại cầu đến Chúa:

- Lạy Chúa, con đã kiệt sức. Con cầu xin ân sủng của Người [221; 224].

- Con thật sự bất lực. Xin Chúa mở rộng vòng tay che chở cho con [221; 242].

Nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh đã đánh mất niềm tin trong Hoàng Loang quanh rất lâu

dưới trời mưa tôi không tìm thấy nhà thờ. Mà tôi cũng cóc cần nhà thờ. Tôi chẳng tin ai cả, tôi chẳng tin vào cái gì cả. Tất cả chỉ là lừa dối…[221; 395].

Qua độc thoại nội tâm ta thấy Hoàng có một cá tính vừa kiêu hãnh đến bất cần, vừa yếu đuối đến tuyệt vọng. Hoàng bị mất điểm tựa, đang chới với trước cuộc sống. Đến đâu, làm gì anh cũng chỉ thấy toàn sự dốt nát, lừa lọc, đạo đức giả. Anh luôn tìm sự chở che, an ủi ở Chúa nhưng rốt cuộc vẫn bơ vơ, lạc lõng giữa đời. Lời cuối tác

phẩm là nỗi băn khoăn vô định: Người tôi lấp lửng một sự loay hoay của bảy năm về

trước. Bảy năm trước tôi mò mẫm đi tìm công danh sự nghiệp. Giờ đây, tôi vớt vát đi tìm tình yêu. Có lẽ suốt đời tôi phải lê lết vác cây thập giá thất bại…[221; 434].

Giống như những tác phẩm viết ở ngôi thứ nhất, Cơ hội của Chúa, qua nhật kí hay độc thoại của các nhân vật đưa chúng ta đi thẳng vào thế giới bên trong không cần

qua trung gian người kể chuyện. Đây là một đoạn Thủy viết: Tôi đã hai mươi mốt tuổi

và còn hai tháng nữa tốt nghiệp đại học. Tôi đã yêu ba năm, đã có nhiều hạnh phúc, đã có nhiều kỉ niệm. Tôi nhìn mọi sự chậm rãi hơn và đã có một vài điều hư vô quấy rối trí óc (…). Tại sao liên miên những ngày tháng này tôi thấy trống rỗng [221; 308].

Thủy yêu Hoàng nhưng Thủy không thể dành hết niềm tin cho Hoàng. Dù ngồi nói chuyện với Trần Bình, Thủy vẫn nhớ Hoàng da diết [221; 332]. Những mâu thuẫn trong trái tim Thủy mãi mãi Hoàng không hiểu được. Họ đi bên nhau mà không thuộc về nhau. Đó là dấu ấn hậu hiện đại trong quan niệm về con người đã chi phối cách xây dựng nhân vật của tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, khúc xạ một kiểu cảm quan đời sống hậu hiện đại.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 99)