Giọng vô âm sắc (Giọng “trắng”)

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 70)

Hơn cả sự lãnh đạm, đọc tác phẩm của Nguyễn Bình Phương nhiều lúc ta cảm tưởng như nhà văn đứng ngoài sự kiện, để mặc cho các sự vật, hiện tượng, sự việc tự nói lên ý nghĩa của chúng, tước mọi “khả đoán” về người trần thuật. Trong các tác phẩm, giọng điệu của người trần thuật gần như là “vô âm sắc”, còn gọi là “giọng trắng”.

Giọng vô âm sắc là một trong những hệ quả tất yếu của việc thay đổi điểm nhìn đồng thời có liên quan chặt chẽ đến cấu trúc ngôn ngữ của văn bản. Điểm nhìn người trần thuật ở đây có vị trí ngang hàng, thậm chí thấp hơn cái nhìn của người đọc và các điểm nhìn khác trong tác phẩm. Chính vì thế, ta khó mà tìm thấy một sắc thái tình cảm, thái độ hay một chính kiến nào của người trần thuật khi đọc tác phẩm. Đây là một số đoạn trong Thoạt kỳ thủy:

“Ông Phùng im. Bà Liên đi lại. Ông Phùng chào, không đáp. Hiền vén tóc mai, với lấy tích nước. Ông Phùng về. Mặt bà Liên nặng trịch. Nhìn ông Phùng lọ khọ đi, bà Liên bấu vai Hiền: “Mẹ sợ lắm!”. Hiền đỡ lưng bà Liên: “Nước đây, mẹ uống đi!”. Bà Liên uống bốn ca liền, mặt nhẹ dần” [216; 62].

“Ông Phước im lặng ra thái rau tiếp. Hưng quẩy đôi thùng đi gánh nước, nhìn ông Phước cười cười. Ông Phước chửi, Hưng vẫn cười cười. Cả xã đổ ra tưới rau. Ông Bồi đứng trên bè, chõ mồm nói chuyện vào bờ. Cái Thương đang vo gạo, vỗ giá bồm bộp” [216; 45].

Trong một thứ ngôn ngữ cô đọng, súc tích, đa số là những câu ngắn, thậm chí cộc lốc như trên, những sự kiện, hành động của nhân vật cứ nối tiếp nhau hiện ra một cách khách quan. Sự đánh giá, cảm nhận như thế nào là tùy thuộc ở người đọc. Nhà văn không truyền cho họ cảm xúc, suy nghĩ của mình trước những hiện tượng đó, cũng không hướng dẫn gì thêm. Cấu trúc câu lược bỏ hết các chủ từ cũng làm tăng tính chất vô âm sắc trong cuốn tiểu thuyết: “Ông Khoa đang chữa xe cho khách, bỏ đấy tiếp Hiền. Hỏi, có việc gì không? Đáp đến chơi! Lại hỏi, Tính sao rồi? Đáp, bình thường, anh ấy vẫn thích mang dao đi chơi. Cháu khổ lắm!” [216; 92].

Có khi nhà văn còn bỏ hết các lời dẫn nhằm phân vai giữa các nhân vật trong đối thoại, chỉ còn lại những dòng thoại nhưng không có những dấu hiệu đặc trưng nhằm

phân biệt lời của người này và lời của người kia như xuống dòng hay gạch đầu dòng:

“Tính vào (…) Hưng hỏi có việc gì. Tính đáp, sang chơi vì có áo mới. Lúc khác, tao bận lắm. Sao anh còn nằm đấy? Mệt. Có rét không? Hơi hơi...” [216; 112].

Giọng trắng, có thể nói, là giọng dẫn nhịp trong Thoạt kì thủy. Trong Người đi

vắng tồn tại một thứ văn phong mang màu sắc phiếm chỉ, tựa như giọng kể của các câu chuyện dân gian hoặc truyện Nôm khuyết danh. Người trần thuật giữ giọng trung tính

bằng cách tỏ ra khách quan, trung thành với những lời đồn, lời kể của người khác: “Lại

đồn rằng ngài về lúc nửa đêm cất tiếng sang sảng đọc sấm”, “Nhà Lầm gái kể…”

[215; 117]. Một khi giọng trần thuật trở nên trung tính, không biến đổi sắc thái thì các giọng khác sẽ có cơ hội nổi bật lên, nốt cao sẽ cao vút lên, nốt trầm sẽ lắng đọng hơn.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 70)