Hiện thực luôn đầy biến động, bất ngờ và không bao giờ đi đến cùng

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 80)

Cuộc sống quả là rộng lớn, con người dù bản lĩnh đến đâu cũng không thể ngờ được những biến động của nó. Hai tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà với những biến

động vô cùng dữ dội của thời cuộc. Cơ hội của Chúa với hình ảnh đất nước của những

năm 90 nghiêng ngả trước cơ chế thị trường. Người ta lao vào vòng xoáy của đồng tiền và cũng chấp nhận những rủi ro. Có ai ngờ được người mà Nhã luôn tin tưởng và yêu tha thiết lại chính là người đã bán đứng cô để đổi lấy cái lợi trước mắt. Và chính người đó lại quay trở về tha thiết van xin cô tha thứ. Nhã tưởng rằng những trải nghiệm đau đớn của thời con gái giúp cô sáng suốt và chín chắn hơn trong việc nhìn người, nhưng rồi một người có vẻ hoàn thiện đến mức lí tưởng như Sáng lại là người có thể bán rẻ cô vì cái danh. Một người khôn ngoan, thông minh đến lọc lõi như Nhã mà cũng không thể cưỡng lại sự phức tạp đến khó hiểu của cuộc sống.

Hoàng là người thất bại trong công việc, trong tình yêu và trên con đường đi tìm đức tin của mình. Cuộc sống càng hiện đại càng khó hiểu, bởi thế, chính Thủy cũng không tự lí giải được vì sao mình yêu Hoàng mà lại từ bỏ Hoàng để đến với Trần Bình, vì sao cô biết cô mãi mãi không có hạnh phúc với Trần Bình nhưng vẫn chấp nhận. Câu trả lời chỉ có thể là: cuộc sống là vậy, không thể cứ muốn là được.

Cuộc sống luôn biến động nên con người rơi vào tình trạng bất khả tri. Cả hai

cuốn: Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn đều có những kết thúc dở dang; điều này

đã phản ánh một thực tế: chính nhà văn cũng biết cái giới hạn tiếp cận của mình đối với cuộc sống này. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cho rằng tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

“khiến ta thấy rằng thực ra hết thảy mọi việc đều là dở dang một khi đang còn sống, còn vận động và thay đổi, còn đang trở thành; tuy nhiên đồng thời đó cũng là một sự biện minh đầy mỏi mệt của tất cả cái sự sống đó cho sự tồn tại của bản thân chúng”

[82]. Đây là bi kịch của con người hiện đại. Khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, người ta ngày càng tin vào khả năng chiếm lĩnh, làm chủ toàn bộ thế giới. Nhưng rồi càng tìm hiểu, họ lại càng tự nhận thấy bản thân nhỏ bé biết bao nhiêu trước thế giới

rộng lớn và đầy sự biến này. Hệ quả tâm lí là con người sẽ hoài nghi chính sự tồn tại của mình.

Như vậy, từ những cách tiếp cận mới về hiện thực, Nguyễn Việt Hà đã tỏ ra là một nhà tiểu thuyết trẻ có bản lĩnh. Anh dám dấn thân vào cuộc sống, bày tỏ ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Nhưng không phải không có lúc anh tỏ ra băn khoăn, hoài nghi trước cuộc sống này. Với bút lực còn dồi dào và khát khao thể nghiệm chúng ta hy vọng rằng Nguyễn Việt Hà sẽ tiếp tục hành trình để khám phá ra những chiều kích mới của hiện thực.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 80)