Đó là kiểu trần thuật dửng dưng, lạnh lùng, không biểu hiện thái độ đối với sự việc được nhắc đến. Nhà văn đã từ bỏ vai trò là người đưa ra chân lý mà chỉ cung cấp thông tin còn cảm nhận và phán xét ra sao là quyền của người đọc.
Trong Thoạt kỳ thủy, chúng ta bắt gặp không ít những kiểu đoạn văn có giọng như vậy. Nhà văn dường như đang cố tình che giấu những suy nghĩ, cảm xúc của mình: “Ông Phùng đến, Hiền dừng tay vào tiếp khách. Bà Liên vẫn làm. Tính véo xôi chia cho người điên. Chia đều từng hạt một. Ông Phùng uống xong chén rượu chìa ra một phong bì mừng. Hiền không nhận. Ông Phùng đặt lên bàn” [216; 18]. Người trần thuật dùng kiểu câu ngắn, ít sử dụng tính từ, thể hiện thái độ đánh giá trung tính đối với sự việc. Tất cả diễn ra trước mắt người đọc tựa như một đoạn phóng sự ngắn, một phiến đoạn của đời sống được cắt rời ra. Hành động, thái độ của nhân vật được liệt kê bằng cái nhìn dửng dưng của người đứng ngoài.
Ngồi ngay từ khi xuất hiện đã tạo ấn tượng với người đọc về kiểu diễn tả đối thoại gián tiếp qua lời trần thuật của tác giả. Nhân vật trong tác phẩm đối thoại rất nhiều và chúng ta có cảm giác nhà văn như là người thư kí ghi lại khách quan những cuộc đối thoại đó. Bởi thế trên văn bản xuất hiện nhiều đoạn như là sự liệt kê đối thoại: Ông Tước có ý chuẩn y kết quả cuộc họp. Ông Thìn không đồng ý. Ông Thìn gọi Khẩn xuống bắt phải họp lại. Ông Thìn lập luận về nguyên tắc Nghĩa vẫn đủ tiêu chuẩn mức một vì chiếm đa số nhưng xem ra có vẻ không công bằng vì không có sự thống nhất trong nội bộ” [219; 88].
Trong Những đứa trẻ chết già, xen vào mạch truyên, ở một số đoạn, Nguyễn Bình Phương lại sử dụng giọng kể mang đậm chất chép sử - kể sử nói về những gì xảy ra đối với làng Phan bằng giọng điệu rất thản nhiên: "Ngày 21, sông Linh Nham cạn sạch. Ao nhà bà Liêm tự dưng đầy ắp nước, trong ao có con cá trê nhỏ to bằng bụng chân, mắt mù, đuôi dài như chiếc khăn phu la" [218; 90].
Mặc dù sử dụng giọng điệu khách quan nhưng Nguyễn Bình Phương không đem lại cảm giác cho người đọc đang đọc một bản tin. Bởi lẽ giọng điệu khách quan không tồn tại độc lập, riêng lẻ mà hòa phối cùng các kiểu giọng điệu khác tạo nên bản hòa âm đa thanh phức điệu – một xu hướng của tiểu thuyết đương đại.
Trở lên, trong chương 2 chúng tôi đã khảo sát trong số những yếu tố tạo nên thế
giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Thêm Thế, Đoàn Ánh Dương vào).