Ở một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ta thấy gắn với tính lập thể hay tính chất lắp ghép của kết cấu là hiện tượng dòng ngữ lưu không chảy liền mạch mà thỉnh thoảng bị cắt rời ra, và nối vào đó là những mảng ngôn ngữ mang tính chất hoàn toàn khác. Đó là trường hợp của Thoạt kỳ thủy và Người đi vắng.
Trong Thoạt kỳ thủy, đôi khi mạch tự sự đang tiếp diễn thì bị cắt đột ngột và chêm vào là những lời câm của nhân vật Tính. Nếu ở trên là ngôn ngữ kể thì ở dưới là ngôn ngữ độc thoại của nhân vật.
Tính cắt dán của ngôn ngữ biểu hiện rõ rệt và thường xuyên nhất ở Người đi
vắng. Mở cuốn sách, ấn tượng đầu tiên của độc giả là một bức tranh lập thể của ngôn
ngữ trong đó những đoạn in chữ đứng được đặt xen kẽ với những đoạn in nghiêng. Ngôn ngữ trong những đoạn in đứng là lời kể của người trần thuật. Ngôn ngữ trong các đoạn in nghiêng tồn tại dưới hai dạng: lời của người chết trôi nổi giữa cuộc sống thực và lời của các sinh thể hay vật thể xung quanh con người. Trong lời kể, có hai mạch chính tuân thủ theo trật tự tuyến tính. Các đoạn in nghiêng trong tác phẩm có thể hoán đổi vị trí cho nhau mà không ảnh hưởng gì đến nội dung tiểu thuyết. Ta có thể “cắt” chúng ra và “dán” vào một vị trí nào đó đều được. Như vậy, nhà văn đã dùng hình thức của ngôn ngữ để biểu đạt một mô hình, một quan niệm về đời sống: tính không hoàn kết của ngôn ngữ biểu đặc tính không hoàn kết của đời sống.