Phá hủy mô hình cốt truyện truyền thống, thể hiện cái hiện tại chưa hoàn kết

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 25)

2.1.1 Phá hủy mô hình cốt truyện truyền thống, thể hiện cái hiện tại chưa hoàn kết kết

Văn hóa đọc truyền thống vốn coi trọng cốt truyện. Trong tiểu thuyết truyền thống, một cốt truyện hấp dẫn được xem là một yếu tố quan trọng để lôi cuốn người đọc. Cũng vì vậy, dễ dàng nhận thấy hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là một hiện thực đơn nhất, có mở đầu, có kết thúc, có khả năng tóm tắt được. Đó là kết quả của một cách nhìn mang tính tiên nghiệm của nhà văn về đời sống – một cuộc sống vận động theo chiều tuyến tính, mang tính tất định. Và do đó, văn học "dạy cho con người những chân lí tuyệt đối, độc tôn. Mọi sự bất trắc ở đời (...) chỉ được coi như những tai nạn ngoại lệ lẻ loi" [163; 8].

Sự phân rã cốt truyện là một xu hướng khá phổ biến trong văn học đương đại – có lẽ xuất phát từ một quan niệm mới về hiện thực: một hiện thực có thể có nhiều đáp án, một cuộc sống luôn vận động, biến chuyển, không dừng lại, không khép kín. Sự phá hủy cốt truyện như trên cũng đồng nghĩa với việc nhà văn từ chối một hiện thực "tả thực", hiện thực "chụp ảnh", để đến với "một chân trời mới của tiểu thuyết": một hiện thực của tâm linh, của trí nhớ và trí tưởng tượng đầy sáng tạo bất ngờ...

Với tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, sự phân rã cốt truyện có thể nhận thấy rất rõ và diễn ra trên hầu hết các tiểu thuyết của ông, dẫn đến tình trạng không thể tóm tắt, kể lại. Với Trí nhớ suy tàn chỉ có thể kể lại rằng : "Một cô gái Hà thành, với hai người tình, một là hiện tại, một đã là kí ức. Cô ta chơi vơi, chao đảo trong ấn tượng về hai người tình đó và sa vào mớ bòng bong của kí ức mờ mờ, tỏ tỏ không thể quên nhưng cũng không nhớ được điều gì rõ ràng khiến cuộc sống của cô không yên ổn. Cuối cùng cô quyết định ra đi". Hay là : "Một kẻ tâm thần do cú đạp của người cha nghiện ngập từ khi còn trong bụng mẹ. Hắn ta từ nhỏ đã thích giết chóc, lại lớn lên

trong một môi trường đầy bạo lực của những kẻ điên loạn, cơn khát máu ngày càng

nặng, hắn giết người xung quanh và tự hủy diệt (Thoạt kì thủy). Cấu trúc lập thể phổ

biến trong hầu hết tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương khiến cho Những đứa trẻ chết

già, Người đi vắng, Ngồi không thể kể lại một cách rành mạch. Người đọc có cảm giác mình chưa kịp định hình, bắt nhịp với sự kiện trước đã bị cuốn, bị ném vào sự kiện sau không liên quan gì đến sự kiện ban đầu. Viết trở thành sự liệt kê ngẫu nhiên các sự kiện.

Có thể thấy, không đến mức coi cốt truyện như một trong những "kẻ thù thực sự của tiểu thuyết" (tiểu thuyết hậu hiện đại) [16; 245] như John Hankes, bởi Nguyễn Bình Phương vẫn giữ lại một số biến cố quan trọng trong cuộc đời các nhân vật nhưng cảm quan chung là cốt truyện đã được giản lược hóa, trở nên mờ nhạt, đứt gãy, có khi bị phá tung thành những mảnh vỡ phi trật tự. Sự đứt gãy của các mạch truyện một cách ngẫu nhiên nhưng lại đầy dụng ý trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được xem là sự khúc xạ của một thế giới nhiều đổ vỡ, nhiều xáo trộn và bất ổn, nhà văn mang tâm thức của người nghệ sĩ hậu hiện đại.

Khi không còn một cốt truyện li kì để cuốn hút người đọc, nhà văn buộc phải thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của mình qua nghệ thuật trần thuật. Thông thường, sự buông lơi cốt truyện thường gắn với bút pháp ảo hóa, huyền thoại hóa và kỹ thuật dòng ý thức.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 25)