NHỮNG SÁNG TẠO TRONG THẾ GIỚI NHÂN VẬT

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 41)

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm nhân vật được định nghĩa là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học… một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người thật trong đời sống… thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người… luôn gắn chặt với một chủ đề tác phẩm”[5; 235]. Nhân vật luôn là trung tâm của sáng tác văn học, là hình chiếu tư tưởng và năng lực nghệ thuật của nhà văn.

Lấy nhân vật là điểm tựa, coi nhân vât là linh hồn của tiểu thuyết trở thành một nguyên tắc được coi là khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, điển hình hóa vẫn là khuynh hướng được ưa chuộng của các nhà tiểu thuyết nước ta. Nhưng hiện thực trong quan niệm của các tác giả tiểu thuyết đương đại đã thay đổi. Cùng với sự tan rã của đại tự sự, người ta nhận ra rằng sẽ phần nào ảo tưởng khi rút gọn những phức tạp, phong phú đa dạng của hiện thực qua việc soi chiếu vào số phận một vài cá nhân, qua câu chuyện về một con người, cũng như không thể khoác vào một tính cách nhiều cái không phải là của nó.

“Với những nghiên cứu nhiều chiều, theo nhiều hướng khác nhau,…, chúng ta có thể nhận thấy tính phức tạp của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết đương đại (…). Xét đến cùng, những điều đó không đơn thuần là vấn đề kĩ xảo – kĩ thuật: nó liên quan chặt chẽ đến những nguyên tắc xây dựng hình tượng nhân vật và quan niệm riêng của mỗi tác giả về thế giới nhân vật của mình [63;90]. Việc thay đổi cái nhìn về hiện thực và con người dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn đối với yếu tố trung tâm của tác phẩm.

Nhà tiểu thuyết vẫn quan tâm tới nhân vật nhưng theo một cách khác: nhân vật như một chất liệu bình đẳng với ngôn ngữ và các yếu tố khác trong tác phẩm. Đồng thời hiện thực bị phân mảnh, nhân vật của tiểu thuyết, cũng theo đó sẽ không còn là những tính cách hoàn chỉnh với quá trình phát triển logic của nó, với ý nghĩa như là “con đẻ của hoàn cảnh”. Nhân vật giờ đây không đứng vào cái định nghĩa truyền thống, như “sự thống nhất hữu cơ giữa cái chung, cái mang tính trùng lặp và cái cá thể, cái riêng, không bị lặp lại; sự thống nhất giữa cái mang tính khách quan (thực tại xã hội, lịch sử và đời sống con người, nơi cung cấp hình mẫu cho tính cách văn học) và tính chủ quan (sự trình bày và đánh giá hình mẫu ấy bởi tác giả) [1;333]. Nhân vật nhiều khi chỉ là cái móc nhỏ để nhà văn treo vào đó tư tưởng của mình.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 41)