Kỹ thuật dòng ý thức và những sáng tạo trong điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 26)

Đây là một trong những kĩ thuật tự sự hiện đại của thế giới rất được các nhà văn hiện đại ưa thích bởi nó có thể tạo ra những chiều sâu khôn cùng của việc khám phá và thể hiện "con người bên trong con người"...

Nếu như sự di chuyển điểm nhìn là một đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại, thì ở tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, đặc trưng này còn có một đặc tính khá nổi bật, đó là xu hướng trao điểm nhìn trần thuật cho các nhân vật dị biệt. Đó có thể là nhân vật

người điên trong Thoạt kỳ thủy, có thể là một cô gái đang đắm chìm trong hoài niệm

với một trí nhớ suy tàn, hay những con người cô đơn mang nặng những ám ảnh trong

Người đi vắng, rồi ngay cả thế giới những vật vô tri vô giác như xác chết, bào thai, cây chuối... đều có tiếng nói và thể hiện những góc nhìn độc đáo về cuộc sống.

Trong 5 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mà chúng tôi chọn khảo sát thì Trí nhớ suy tàn là cuốn có hơi hướng dòng ý thức rõ nhất. Một cô gái rất bình thường nhưng lại không bình thường bởi cô không sống với thực tại mà luôn sống trong một chuỗi ý nghĩ ngổn ngang nào Tuấn, nào Vũ, nào cây ổi trước nhà, nào những mê cung của đường phố Hà Nội... Chắp nối những mảnh vụn trong dòng suy cảm của cô gái, người đọc cảm nhận được một cuộc sống vô hướng, không điểm tựa của nhân vật, bởi vì có một điểm tựa duy nhất là quá khứ thì trí nhớ về nó cũng đã suy tàn. Bao bọc lấy cô gái là sự nhạt nhẽo, chán nản, ngột ngạt nhưng ngay cả các trạng thái đó cũng không nắm bắt được một cách rõ ràng.

Người đi vắng, điểm nhìn được phân tán về mọi phía, mọi góc độ. Vai trò của người kể chuyện phần lớn được trao cho các nhân vật và chúng tự nói lên tiếng nói của mình. Tiếng nói đó có khi được thốt lên từ các sự vật. Dòng sông, cây chuối, cây nhãn... tự kể chuyện mình : "Trong không khí nồng nồng gây gây của bệnh viện này, ta đã ra đời" (lời cây chuối, trang 193), "Ta vươn qua lớp lá mục chồng chéo hàng vạn đời" (lời dòng sông, trang 48), "Mình là một cái chân được người ta vẽ ra nhưng bị bỏ quên" (lời cái chân trong bức vẽ, trang 260), "Em là một bụi Cậm cam, hãy giúp em"

(lời của bụi cậm cam, trang 160), "Người ta đồn Tuyết mất tích, mình biết Tuyết trôi đi" (Lời của một tử thi trên chiếc băng ca của bệnh viện, trang 132)... Các "nhân vật" này có vai trò của ngôi thứ nhất, với các đại từ nhân xưng ta, mình, em... Sự luân chuyển điểm nhìn ở đây góp phần làm nên tính đa âm, đa giọng cho tác phẩm, mặt khác cũng khiến cho người đọc khó theo dõi nếu như không đọc liền mạch, không tư duy trong khi đọc.

Trong Thoạt kì thủy, đa số nhân vật là những người điên, nhưng là những người

điên có tâm trạng. Người điên, hơn ai hết, chịu sự lấn át, chi phối mạnh mẽ của vô thức. Có lẽ vì vậy mà nó càng bị xé ra thành những mảnh vụn nát của tâm hồn. Tính có lối vui buồn rất riêng của người điên thể hiện qua những lời câm tưởng như vô nghĩa. Tính cứ lẩm bẩm điệp khúc "Mắt chó vàng như trăng", ta thấy một nỗi sợ hãi, hoang

mang trong thẳm sâu tiềm thức nhân vật; lúc Tính run rẩy "Nó đấy. Lạnh. Lạnh lắm mẹ

ạ", ta cảm nhận ở nhân vật một nỗi cô đơn. Và những hoang tưởng : "Em đâm nát bét mặt trăng của chúng nó. Đâm tê cả tay, và răng thì ngứa ran lên mỗi khi nhìn thấy cỏ"

[216; 104]. Còn đây là mong ước: "Hiền đừng bỏ đi. Trăng đen, trăng đen không thấy đến". Hay những nhu cầu nhục dục: "Đập, Hiền cứ nát ra, vỡ ra, kêu rên khoái trá (...) Hiền có bả vai tròn. Tròn sáng quắc" [216; 51]. Và hơn hết là khao khát được hủy diệt, tàn sát đến tận cùng : "Đập, đập, đập, đập "/ "Đá sống lại này, đá này, đá sống lại này, đá này" [216; 53]. Nhặt nhạnh và chắp nối những mẩu vụn của cảm xúc ấy, ta thấy được những ẩn ức sâu xa trong con người Tính. Như vậy, dòng ý thức như những dòng chảy lang thang bất định trở thành một phương tiện vừa để phá vỡ tính liên tục của mạch truyện (tức là phá vỡ kết cấu truyền thống), vừa là một trong những cách hợp lí hóa cái ảo. Với dòng ý thức của những nhân vật dị biệt, khả năng đó càng được nhân lên gấp bội vì có thể chấp nhận cả những cái nhìn kì dị, phi lí nhất và cho ta những khám phá bất ngờ về thế giới.

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 26)