Những sáng tạo về ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 105)

3.4.1.1 Ngôn ngữ thông tục, bình dân hóa

Nguyễn Việt Hà như “không ngần ngại bưng nguyên cuộc sống lên” bằng một thứ ngôn ngữ thô nhám, xù xì, đậm chất sinh hoạt đời thường, đa sắc màu và vô cùng sống động. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều câu văn sống sít khi nhà văn miêu tả một đĩa nguội ở sân bay, hay cảnh trưởng giả học làm sang trong gia đình Huệ, cảnh người đàn bà gửi đô la trong ngân hàng và thái độ của nhân viên... Những lời văn đầy ắp trong cuộc đời thực ấy đã xóa đi ranh giới giữa tiểu thuyết và đời sống. Trong văn Nguyễn Việt Hà ta cũng thấy xuất hiện lối nói trần trụi, nhiều câu chửi thề, chửi tục. Với một người đàn

ông mà Nhã đã từng thương yêu, khi bị phụ bạc, Nhã đã không tiếc lời: Xéo đi với bộ

mặt sám hối của anh. Anh tưởng tôi không biết chửi hả. Cút mẹ anh đi [221; 72].

Vậy thì không quá đáng khi Cẩm Ly phải dùng đến thứ ngôn ngữ không văn minh một chút nào để nói với một gã ngoại quốc đang trắng trợn mặc cả về cô ngay trong nhà hàng Hương Tre:

- Thằng phò đực.

- Xéo mẹ mày đi tiếng Anh nói là gì.

- Con C. [221; 250].

Khi Cẩm Ly muốn xem nội dung của phong bì có in hình bến Nhà Rồng, Bích đáp lại:

- Có đếch gì mà xem, chắc lại nhố nhăng ba cái chuyện tình tỏ tình mờ.

- Cuộc đời ngẫm cũng kỳ, những thằng ngu thì thường lại đẹp giai [221; 261] Cẩm Ly hỏi tiếp:

- Hồi ở ngoài Bắc chắc anh Hoàng cũng có nhiều người mê.

Bích trả lời:

- Có chó nào. Bọn lớp nó gọi thằng dở hoi này là tu sĩ, nói được vài câu với đàn bà thì són đái ra quần. Chỉ được cái mẽ.

- Anh thì còn sợ cái quái gì. Tuổi của anh, vị thế của anh.

- Mẹ cái bọn nước ngoài (Cuộc nói chuyện giữa nhà văn Bạch và một nhà văn quân đội) [220; 140].

- Có lẽ chúng mình đã hiểu sai về người nông dân.

- Không hiểu sai mà chẳng hiểu cái đếch gì (Cuộc nói chuyện giữa Quân và Vũ trên chuyến tàu) [220; 282].

Nguyễn Việt Hà đã từng tâm sự anh không bao giờ “tô hồng” cho nhân vật của mình và chính cái cách anh để cho nhân vật tự nhiên nói những gì mà mình suy nghĩ bằng những lời nói chân thực nhất đã khiến cho con người trong văn chương của anh được sống thật hơn. Chúng ta có thể gặp họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống.

3.4.1.2 Ngôn ngữ vay mượn và thuật ngữ tôn giáo

Xu hướng của tiểu thuyết hiện đại là mở rộng, du nhập các lớp từ vựng đặc tuyển nhằm thể hiện trình độ văn hóa, cách tư duy, cách ứng xử mới của người viết đối với ngôn ngữ. Chính vì vậy ngôn ngữ cũng trở thành một đối tượng khiêu khích đối với người đọc. Nó khiến độc giả cảm thấy thích thú nhưng nó cũng có thể khiến cho họ khó chịu vì có lúc đọc mà không hiểu nhà văn đang nói gì với mớ ngôn ngữ ấy.

Cách dùng ngôn ngữ vay mượn và thuật ngữ tôn giáo với một mức độ đậm đặc trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà cũng khiến cho người đọc có những phản ứng trái chiều với tác phẩm. Có người cảm thấy “nhọc nhằn” vì “tác giả liên tục ném lên

trang sách đủ các thứ tiếng Anh, Pháp và cả tiếng Tàu”. Họ tự hỏi: “Tác giả viết cho

người Tây đọc chăng?” [83]; có người phê phán cách mà Nguyễn Việt Hà để cho

“nhân vật pha trộn tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh một cách hoàn toàn không cần thiết và sai chính tả, văn phạm một cách cẩu thả” [153]; Có người lại nhìn nhận khoan hòa

hơn khi cho rằng: “Mỗi người viết cần có chính tả của mình” [101]. Chúng tôi nhận

thấy ngôn ngữ vay mượn và thuật ngữ tôn giáo là những thể nghiệm riêng của Nguyễn Việt Hà trên con đường cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

4.1.2.1 Ngôn ngữ vay mượn

Như một sự “khiêu khích” đối với độc giả, vốn từ mượn trong hai tác phẩm xuất hiện với tần số cao, bao gồm cả những từ đơn giản và phức tạp. Những từ cửa miệng quen thuộc như: OK, merci, hello, allright; bên cạnh những từ gọi tên sự vật thông

dụng như: salon, telephone, computer, personal computer, restaurant, điều hòa (air- conditionner), nhà vệ sinh (toilette)… Ngoài ra còn những từ phức tạp hơn như: special impression, e tranger, cestfini, affaire, joinventure, contract de comomie. Trong đối thoại, các nhân vật thỉnh thoảng lại chêm vào những câu tiếng Anh như một lối nói quen thuộc của giới trẻ:

- Mình thực sự bất ngờ đấy.

- Chuyện gì?

- Bà Nhã với ông Hoàng.

- No it is only friend ship. [221; 32].

- Cậu Hoàng, tôi ngồi thế này mà cậu dám ngồi thế à?

- I m verysorry[221; 211].

- Mày xem cái thằng dở hơi nó lè nhè cái gì.

- Hoàng nuốt nốt ngụm Marten cuối.

- What can I do for you[221; 249].

Họ đã dùng những cụm từ tiếng Anh để thể hiện những chiêm nghiệm và suy tư đối với cuộc sống:

- Người ta tìm mọi cách vớt thi sĩ lên. Hỏa táng hài cốt cho vào bình nhựa tổng hợp. Such as life. Nhân loại đầy rẫy những kẻ cẩn thận. [221; 107].

- Con còn tình yêu. Hãy yêu như con đã từng yêu. To love is to pray [221; 309].

Vốn từ mượn trong Khải huyền muộn lại mang sắc thái giễu nhại lại chính cách

dùng từ mượn của nhân vật. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung đều được viết theo cách phát âm rất hồn nhiên của họ: mecxi, ní hảo, xia xia, mô bai, đì lây, đề pa, xếch xi, ếch xeo, mai cờ rô xốp, mi cờ rô xốp, ai em phó ty bất ai sâu răng… Ngoại ngữ xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc như một cách những nhân vật trẻ tuổi trong tiểu thuyết “Việt hóa” từ mượn.

Ngoài ra phải kể đến những tên riêng nước ngoài được dùng như những “điển cố

mới”: Dieter Bahlen, Newton, Edison, Archimede, Suzuki, Mozo, Bethoven, Henry

More, Alexande Dumas, Bettran Russell, Tonxtoi, Sekhop, Puskin…Rồi tên các loại

rượu Tây: Johnny Walker, Wisky, Cognac, Hennessy, Remy Martin, Gordon, Ara rate,

cả đã làm cho bộ mặt “sính ngoại” của xã hội hiện lên chân thực nhất, nó cũng phản ánh một hướng tiếp cận đời sống rất riêng của tác giả.

Trong hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, ta còn thấy xuất hiện khá nhiều từ Hán Việt. Có điều đặc biệt là lớp từ này vốn trang trọng, tao nhã nhưng khi đi vào tác phẩm của nhà văn đã bị “suồng sã hóa”:

- Bình tĩnh một chút ái nữ hỏi thân mẫu “Bố đâu”. Xã đội trưởng phu nhân giơ tay chỉ về phía nhà vệ sinh công cộng…[221; 10].

- Nhạc phụ ậm ừ lấy lệ. Nhạc mẫu xởi lởi. Bà thật xấu đã mắng cả ngành di truyền học bằng cách đẻ cô con gái tuyệt sắc [221; 18].

- Duy tửu vô lượng bất cập loạn [221; 58]...

Cách dùng từ Hán Việt như trên đã làm tăng thêm chất hài hước cho giọng văn. Qua đó người đọc cũng có thể nhận thấy tính chất xô bồ, chớt nhả của đời sống trong lớp thanh niên mới. Không dụng công gọt giũa từ ngữ, nhưng chính cách Nguyễn Việt Hà để cho mọi thứ ngôn ngữ có trong đời sống tràn trên trang sách đã đem lại hiệu quả

thẩm mĩ nhất định cho hai cuốn tiểu thuyết Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn.

4.1.2.2 Thuật ngữ tôn giáo

Ngay nhan đề hai cuốn tiểu thuyết là Cơ hội của ChúaKhải huyền muộnđã

khiến cho người đọc liên tưởng đến tôn giáo. Và thực sự chủ đề văn hóa tôn giáo là một chủ đề quan trọng trong hai tác phẩm này. Nếu như trong Cơ hội của Chúa

Nguyễn Việt Hà để cho nhân vật Hoàng nhìn mọi sự dưới nhãn quan mang đậm màu

sắc tôn giáo thì trong Khải huyền muộn Nguyễn Việt Hà lại triển khai hẳn một tuyến

truyện về tôn giáo. Vì vậy nên ngôn ngữ của hai cuốn tiểu thuyết này cũng mang phong cách tôn giáo hóa.

Có một điều đặc biệt là trong tác phẩm của Nguyễn Việt Hà “không có sự độc tôn

của một tôn giáo nào” [79; 278]. Nhãn quan đa chiều tích hợp cả hai nền triết học phương Tây và phương Đông, cả Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Phật giáo, cả Thiền học và Kinh dịch đã dẫn đến sự phong phú và đa dạng của các thuật ngữ tôn giáo trong hai tiểu thuyết. Chúng ta có thể đọc được những đoạn luận về thiền của Suzuki, những đoạn bàn về giáo lý nhà Phật, những đoạn thể hiện sự hiểu biết về sách lược của Nho

gia và rất nhiều đoạn cầu xin sự giải thoát hay cứu rỗi của Chúa. Chúng ta cũng dễ dàng gặp những đoạn văn mà thuật ngữ tôn giáo xuất hiện với mức độ dày đặc:

Tôi ra phích sách chọn mục tôn giáo và triết học Thiền của Suzuki. Để chữa cái đầu ong ong suy nhược tốt nhất là rơi vào văn hệ Đại thừa. Và tôi cũng rất yêu sách của vị thiền giả người Nhật này. Tôi đành tọa thiền cố đưa tâm trí sang bờ bên kia. Chừng một phút sau gặp đúng một công án của Mã tổ đạo Nhất. Theo truyền đăng lục ông có ảnh hưởng đến vô thông ngôn, thiền sư khai tổ một dòng thiền lớn [221; 109].

Hãy xem tiểu sử hành đạo của thái tử Tất Đạt Đa, một tiểu sử bình dị không khác chúng ta. Và ngay khi đạt tới cảnh giới toàn giác tối thượng, Đức phật đã ngồi dưới gốc cây bồ đề giảng Hoa Nghiêm,... nó có một hình thức phức tạp hơn rất nhiều so với những ngôn từ khác vốn dĩ bình đạm của Đức Phật. Đối tượng nghe giảng thuyết thấp nhất cũng phải là A la hán. Thời gian sau không xa, khi hành đạo Đức Phật đã giảm tông. Người giảng Tứ Diệu ĐếBát Chánh Đạo. Tại so Đấng Đại Giác lại phải xoay chuyển pháp luân[221; 42].

Cần chú ý là mỗi tích của Kinh thánh, mỗi đoạn luận bàn về triết lí tôn giáo đều được đặt trong sự chiếu ứng với từng sự kiện của nhân vật. Không thể phủ nhận nó gây ra cảm giác nặng nề khi đọc tác phẩm nhưng cũng phải thấy rằng đó cũng là một cách triển khai nghệ thuật theo hướng riêng của nhà văn. Nguyễn Việt Hà để cho nhân vật hướng đến Chúa với cặp mắt vừa sùng kính vừa hoài nghi. Vì vậy thuật ngữ tôn giáo vừa thể hiện được sắc thái trang trọng, thiêng liêng, gắn liền với cõi tâm linh sâu thẳm của con người; vừa dung dị, gần gũi, thậm chí suồng sã khi đi vào đời sống.

Hoàng trong Cơ hội của Chúađã có cái nhìn đầy sùng tín về Chúa:

- Trên cao vút của bức tường đối diện là mẫu tượng Chúa Jésus chịu nạn. Tôi đăm đắm nhìn. Meviter Erkhart nói: “Đôi mắt của tôi nhìn Chúa là cặp mắt của Chúa nhìn tôi”… Tôi cúi mặt vào trang sách thầm cầu nguyện. Chao ôi một triết gia lý trí như Pascal cũng phải nói: “Đức tin là một món ân tặng của Chúa chứ không phải món ân tặng của lý luận” [221;108].

Và mỗi khi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, mỗi khi tâm trạng hoang mang không thể chia sẻ cùng ai, Hoàng lại đến với Chúa như một sự cứu rỗi cho hồn mình với một niềm thành kính:

Lạy Chúa, xin Người ở lại với con vì trời đã đổ chiều. Trần nhà thờ cao vút. Tĩnh lặng, yên ắng thăm thẳm. Con thật sự bất lực. Xin Chúa mở rộng vòng tay che chở con. Con đã từng chối bỏ Người. Con đã từng tự tin. Xin hãy dẫn dắt con bằng cánh tay của Người [221; 242].

Trước thánh đường, không khí đều trang trọng và thiêng liêng như thế, nhưng không phải lúc nào nhân vật của Nguyễn Việt Hà cũng ngưỡng vọng tới Chúa. Có lúc họ kéo Chúa lại gần và nhìn bằng con mắt thế tục. Thuật ngữ tôn giáo khi đó gần gũi với cuộc sống của mọi người: Tôi ngẩng lên. Thủy nhìn. Ánh mắt trong suốt của em hay của tôi. Tất cả chúng sinh trở nên rực rỡ và từ từ tan ra. Trong khoảnh khắc, tôi đã đốn ngộ được tâm ân. Tôi viết giữa trang giấy: “Anh yêu em”…Tôi quay vào trả sách. Tạm biệt Suzuki, hẹn gặp lại ông ở cõi nát bàn [221; 119]. Tôn giáo không còn cao siêu nữa, Hoàng “đốn ngộ” ngay trong giây phút thăng hoa của cảm xúc tình yêu.

Đức Phật cũng được nhìn như con người bình thường, đầy trần tục: Đến bây giờ

huynh đã hiểu tại sao nửa đêm thái tử Tất Đạt Đa phải trèo tường trốn nhà. Đâu phải là ngài day dứt trước sinh lão bệnh tử. Ngài đã ngắm đủ cảnh vợ con ngu đần. Ngài đang muốn tìm sự siêu thoát ngoài hôn nhân [221; 182].

Thậm chí người ta còn nhắc đến Chúa bằng những từ ngữ đầy tính “báng bổ”: - Ông Chúa đẹp giai của Hoàng [221; 23].

- Vứt cái ông Chúa của anh đi [221; 20].

- Có Chúa đằng nhà anh chứng giám [221; 162].

- Cha chánh xứ mắt toét vừa giảng phúc âm vừa chảy nước mũi [220; 33].

Với một vốn thuật ngữ tôn giáo phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái khác nhau, Nguyễn Việt Hà đã thể hiện sự hiểu biết khá sâu rộng của mình về tôn giáo; đồng thời tác giả còn cho ta thấy cái nhìn vừa tin tưởng, vừa hoài nghi của con người hiện đại vào tôn giáo nói riêng và thực tại đời sống nói chung.

3.4.1.3 Khai thác hiệu quả những câu văn ngắn

Thời đại bùng nổ thông tin với nhịp sống hối hả đã khiến cho con người hiện đại luôn phải chạy đua với thời gian. Họ ngập trong bao nỗi lo toan, bao mối quan hệ chằng chịt và sự phức tạp ngay trong nội tâm của mình. Con người hiện đại đã chấp nhận cuộc sống đó bằng cách mỗi ngày họ phải tiếp cận đến tối đa lượng thông tin toàn

cầu. Những cuốn tiểu thuyết trường thiên với những diễn biến phức tạp, chậm rãi đã không còn phù hợp với họ nữa. Để thích nghi, các nhà tiểu thuyết và thể loại năng động này đã tự vận động theo hướng hiện đại hóa.

Sử dụng câu văn ngắn không phải độc quyền của Nguyễn Việt Hà. Trước anh, đã từng thấy nó xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương. Tuy nhiên, Nguyễn Việt Hà cũng có những đóng góp riêng đáng ghi nhận.

Trong tiểu thuyết của anh, có những đoạn toàn câu đơn:

- Đường hun hút nhựa, trời hanh. Nắng vàng ươn ao. Gió nhạt [221;1].

- Tôi cám ơn. Tôi biết Hoàng yêu tôi lắm. Nhưng tôi muốn tôi phải thật là tôi. Hoàng và bạn Hoàng không thể bao bọc tôi được [221; ?]…Thay

Nhiều người khẳng định rằng những câu văn ngắn tạo nên cái gọi là “kĩ thuật camera” khiến cho cảnh cứ lần lượt hiện ra dưới ống kính mà không cần bình luận, không cần diễn giải. Mỗi người xem tự có một cách đánh giá riêng, một cảm nhận cho riêng mình. Những câu văn của Nguyễn Việt Hà cũng cho ta cảm giác ấy, tuy nhiên đọc những câu văn ngắn của anh còn thấy cái nhìn của tuổi trẻ. Họ nhìn mọi thứ giản đơn nhưng chính xác. Cái nhìn của Hoàng về thiên nhiên cũng như cái nhìn của Thủy về mối quan hệ của cô và Hoàng đều là cái nhìn rành mạch, rõ ràng. Hoặc cái nhìn của Tâm về gia đình mình cũng cho thấy tuổi trẻ nhận thức các vấn đề một cách nhạy bén và chính xác:

- Mọi chuyện vẫn vậy. Bố hơi lẫn. Mẹ già đi, em gái nhớn lên và nhà vẫn lụp xụp

[221; 11].

Có những đoạn văn Nguyễn Việt Hà lại sử dụng hoàn toàn câu đặc biệt: - Chắc là dậy từ hai giờ sáng. Chắc là đi xe tải. Chắc là đi bộ vào đây.

- Một chai nhỏ đen đen, chắc tưởng. Bọc giấy khéo léo được gỡ. Toàn cơm gạo đỏ [221; 7].

Có những đoạn câu đặc biệt xen lẫn câu đơn :

Một phần của tài liệu Những yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà (Trang 105)