Thế giới đồ vật hay văn hóa đồ vật là một khái niệm gắn với sự ra đời của tiểu thuyết Mới hay chủ nghĩa hậu hiện đại ở phương Tây. Qua đó, nhà tiểu thuyết muốn nêu lên một dự cảm về cuộc sống của con người hiện đại: nguy cơ bị tẩy trắng cá tính, chỉ còn lại là những không gian hình học hoặc những con số, thế giới tinh thần ngày càng bị co hẹp.
Con người vẫn chiếm vị trí đáng kể trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhưng chỉ là một phần tử trong tổng thể. Thế giới đồ vật cũng trở thành một dạng nhân vật kì ảo, chúng hiện diện và chiếm một phần không nhỏ trong tác phẩm với ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, góp phần soi sáng ý nghĩa của tác phẩm.
Dạng “nhân vật” này xuất hiện với mức độ đậm đặc nhất ở Người đi vắng. Mỗi
vật thể hay trạng thái đều có một tâm tư, một thân phận: Mây mưa, lá chuối, cục đất, dòng sông, căn nhà, cây nhãn, cây tùng, cái chậu, thai nhi, xác chết… “đều có tiếng nói, đều “hành động”, tác dụng vào môi trường, có phản ứng như một thực thể tồn
tại” (Thụy Khuê) giống như con người, do đó mà tạo ra tính đa âm, đa giọng một cách
triệt để trong tác phẩm. Đây không phải là một sự trở lại với thi pháp cổ tích, bởi lẽ nhân vật cổ tích chỉ là nhân vật chức năng, hơn nữa, thế giới đồ vật trong cổ tích dù biết nói, biết hành động cũng chỉ thực hiện chức năng trợ giúp hoặc chức năng cản trở con người. Sự vật hiện lên trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương không phải là bản sao của con người, nó chính là nó, với những nét độc đáo riêng và lịch sử tính không trùng khớp với kẻ đồng loại nào khác.
Cũng trong Người đi vắng, yếu tố tâm linh thấm đẫm từng vật thể, từ “tiếng mọt rào rào nghiến ngấu (…) làm ngôi nhà ngứa ran lên” [215; 21] đến “cánh hoa héo đang ngả sang màu khoai tây rán rúm ró đau khổ” [215; 45], rồi “giữa đống thư có một giọng cất lên nhỏ đều đều và buồn” [215; 110]. Và cùng như con người, những “vật thể mang linh hồn” này cũng hướng về cuộc truy tìm bản thể của mình, như lời của cây chuối: “Ta là ai? Tại sao ta ở đây?” [215; 193].
Không chỉ có một linh hồn, mỗi vật thể còn có một câu chuyện về nó. Đây là câu
chuyện của dòng Linh Nham: “Ta vươn qua lớp lá mục chồng chéo hàng vạn đời (…).
Xa xửa xa xưa có một thằng bé tên là Thắng đã tắm trong ta. Ta yêu tiếng la hét của thằng bé đó và cố gắng giữ mình thật trong khi nó sắp ra" [215; 48]. Ta cũng có thể kể ra vô số những câu chuyện khác: từ câu chuyện của một tử thi trên cái băng ca của bệnh viện: “Người ta đồn Tuyết mất tích, mình biết Tuyết trôi đi…” [215; 132], câu chuyện của một thai nhi bị mẹ ruồng bỏ khi chưa chào đời đến chuyện về cuộc đời một cây chuối trong bệnh viện (trang 193), chuyện về cây tùng nhà ông Khánh (trang 52)…
Các nhân vật kể trên đã làm cho lớp sương kì ảo bao phủ cuốn tiểu thuyết ngày càng dầy lên, vì “Khi chấp nhận tất cả các hình thái, hữu thể hoặc vô thể, vật chất hoặc tinh thần đều có tiếng nói,...tạo nên những vũ điệu phù ảo, dị kì, đong đưa giữa hư và thực” (Thụy Khuê). Từ đó tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đưa người đọc đến bờ bến vô cùng của tưởng tượng để từ đó chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ lại những vấn đề của cuộc sống thực tại.