V. Giỏi biến người lạ thành bạn bè
1. Nghệ thuật tự giới thiệu mình với người lạ
Tự giới thiệu là một mắt xích không thể thiếu trong xã giao, không biết hoặc không giỏi tự giới thiệu hiển nhiên đem đến cho bản thân ảnh hưởng bất lợi. Bởi vậy chúng ta phải tích cực học hỏi nghệ thuật tự giới thiệu.
Tục ngữ có câu: "Trước lạ sau quen". Chúng ta giao du qua lại với người khác đều bắt đầu từ xa lạ đến quen biết, từ quen biết bình thường đến thân thiết thâm giao. Bởi vậy, chúng ta nên quý trọng lần gặp mặt đầu tiên. Lần gặp đầu tiên có thể nói là một cửa ải trong đời sống xã giao, đi qua cửa ải này thuận lợi thì người lạ sẽ phát triển thành bạn tốt, những qua lại bình thường có thể diễn biến thành bạn hợp tác làm ăn, từ quan hệ hời hợt sơ qua có thể kết thành tri giao "sống chết". Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có kỹ xảo giao du, có nghệ thuật xã giao hay không. Một người giỏi giao tiếp xã hội có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ một ai đó,
có thể nâng cao tình hữu nghị giữa hai bên từ những quan hệ xã giao thông thường, có thể biến người lạ thành trợ thủ đắc lực giúp mình hoàn thành sự nghiệp.
Học được cách tự giới thiệu có thể khiến người lạ để lại ấn tượng sâu sắc ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên.
Trong những trường hợp xã giao, từ gặp gỡ với người không quen biết, xuất phát từ lễ nghĩa hoặc nhu cầu công việc luôn đòi hỏi chúng ta phải tự giới thiệu. Tự giới thiệu không chỉ đơn giản là trình bày gia cảnh mà trong đó còn có thể thấy được tu dưỡng văn hóa, trạng thái tâm lý tình cảm, cá tính, phẩm chất và chí khí... của cá nhân. Khi tổng kết những kinh nghiệm xã giao thành công, có nhà tâm lý học đã nói đến thái độ và phương pháp cần có khi tự giới thiệu.
(1) Phải bình tĩnh và tràn đầy niềm tin
Hầu hết mọi người đều nhìn người tự tin với con mắt khác. Nếu bạn có lòng tự tin đối phương sẽ có tình cảm tốt về bạn; ngược lại, nếu bạn sợ hãi và căng thẳng có thể sẽ khiến đối phương sinh ra cảm giác tương ứng, có chút giữ gìn đối với bạn, tạo ra ngăn cách trong qua lại giữa hai người.
(2) Tìm hiểu người từ trước
Trong giao tiếp tập thể, nếu muốn làm quen với ai đó tốt nhất là bạn nên thu thập lấy một số tài liệu liên quan đến người này như đặc điểm tính cách, sở thích cá nhân... trước đã. Có những tư liệu này rồi, sau khi tự giới thiệu sẽ rất dễ trò chuyện, khiến cho quan hệ dung hợp.
(3) Phải nhiệt tình, chân thành khi thể hiện mình khao khát muốn làm quen đối phương
Bất kỳ ai cũng đều có cảm giác được người khác khao khát làm quen là một vinh hạnh. Nếu bạn nhiệt thành, thái độ đáp lại cũng sẽ hết sức nhiệt liệt.
(4) Khéo biểu đạt tình cảm hữu hảo của bản thân
Khi tự giới thiệu cần phải biết dùng ánh mắt của mình để biểu đạt tình cảm hữu thiện, quan tâm và khát vọng giao lưu.
Người tự giới thiệu với thái độ và phương pháp như kể trên nhất định có thể qua giao lưu để lại ấn tượng sâu sắc. Lần sau gặp mặt người ta sẽ rất dễ nhớ lại người tự tin, nhiệt thành, hữu thiện này, từ đó khiến cho hai người vốn xa lạ trở thành như bạn cũ, giao lưu tự nhiên, điều này chẳng lẽ không phải là sức cuốn hút và nghệ thuật xã giao hay sao?
2. Chủ động xuất kích, trò chuyện với người
Bạn bè không phải sinh ra đã có, phải biến người lạ thành bạn mình, chọn thái độ chủ động xuất kích, tích cực trò chuyện với người lạ là vô cùng cần thiết.
Trò chuyện là nền tảng để xây dựng quan hệ xã hội tốt đẹp, là chất xúc tác thúc đẩy tình cảm giữa người với người dung hòa hơn, là con đường quan trọng để truyền đạt tin tức.
Hiện nay nhịp điệu cuộc sống ngày càng nhanh hơn, con người chuyển động ngày càng gấp gáp, giao tiếp xã hội ngày càng mở rộng, cơ hội trò chuyện với người lạ ngày càng nhiều hơn. Nhưng trò chuyện với người lạ thế nào để đạt kết quả trở thành bạn bè lại là điều đáng để chúng ta học tập và chú ý.
1. Kết bạn với người lạ, bạn cần dám trò chuyện
Trong cuộc sống có một số người hễ vừa thấy người lạ là đã cảm thấy không tự nhiên, "ngại" trò chuyện, có người không biết bắt đầu từ đâu, "không có cách nào" trò chuyện. Họ hoặc là luẩn quẩn loanh quanh, ngập ngừng đắn đo, hoặc là muốn nói lại thôi, ấp a ấp úng, hoặc là nói năng cứng nhắc khiến người khác hiểu lầm... một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là thiếu dũng khí nói chuyện với người lạ.
Thử suy nghĩ đôi chút, một người không có dũng khí nói chuyện với người lạ hoặc không biết nói chuyện với người lạ thì làm sao có thể nhờ người khác giúp đỡ một cách toàn vẹn được?
2. Phải biết khéo léo tìm chủ đề bàn luận
Khi nói chuyện với người lạ phải biết tìm chủ đề. Có người nói: "Trong trò chuyện phải học bản lĩnh không có lời thì tìm lời mà nói". Cái gọi là "tìm lời" tức là "tìm chủ đề". Khi viết văn có một chủ đề tốt, tứ văn luôn cuồn cuộn, một mạch viết ra; Trong nói chuyện, có một chủ đề tốt sẽ khiến cuộc nói chuyện hòa hợp tự nhiên.
Mỗi lần nói chuyện với người lạ tốt nhất là tìm những sự việc đối phương cũng quen thuộc, lấy đó làm cầu nối dẫn dắt vấn đề. Đặc biệt khi nói đến vấn đề hai bên đều có quan hệ sâu sắc, khoảng cách giữa hai người sẽ được gần lại rất nhanh chóng.
Còn có thể khéo léo lợi dụng thời gian, địa điểm, những tư liệu về đối phương để dẫn dắt nói chuyện. Có người giỏi sử dụng họ tên, quê quán, tuổi tác, cách ăn mặc, nơi ở... của đối phương để dẫn dắt vấn đề thường đạt hiệu quả rất tốt.
3. Biết "ném đá hỏi đường"
Khi nói chuyện với người lạ, trước tiên có thể đề cập đến một số vấn đề kiểu "ném đá", sau khi đã hiểu đại khái mới bàn luận có mục đích, như vậy sẽ bàn luận tự nhiên hơn. Khi tụ họp thấy người lạ ngồi bên cạnh, trước tiên có thể hỏi han kiểu "ném đá": "Ngài với chủ nhân là "đồng hương" hay là bạn học cũ?". Dù là vế trước hay vế sau của câu hỏi là đúng cũng đều có thể bàn luận theo mặt đúng, nếu mọi câu hỏi đều không đúng, đối phương trả lời hai người là "đồng nghiệp cũ" cũng có thể nói chuyện được.
Nếu có thể hỏi rõ hứng thú của người lạ, đặt câu hỏi theo đó thì sẽ đi vào vấn đề rất thuận lợi. Nếu đối phương thích cờ tướng, có thể xuất phát từ vấn đề này bàn luận đến hứng thú của đánh cờ, cách vận dụng những quân xe, pháo, mã... Nếu bạn biết đánh cờ chắc chắn sẽ nói chuyện hết sức tâm đầu ý hợp. Nếu bạn không hiểu nhiều về cờ, đó cũng là một cơ hội để học hỏi, có thể yên lặng lắng nghe, lúc phù hợp thì hỏi, từ đó mở rộng tầm mắt.
Cách dẫn dắt để trò chuyện với người lạ còn rất nhiều, thí dụ như cách "mượn chuyện làm chủ đề", "tức cảnh sinh chủ đề", "lấy tình cảm làm chủ đề"... Có thể khéo léo bàn luận từ những chuyện, những cảnh, những tình cảm kia, chỉ cần hai bên cùng chú ý, tình bạn cũng sẽ dần sâu sắc hơn.