Thật thà đôn hậu sẽ khiến cho nhân cách của bạn có sức hấp dẫn, đó chính là tiền đề để người khác tin tưởng vào bạn, đồng thời đó cũng là một phẩm chất cần phải có đối với người được tin cậy.
"Người đôn hậu có thể ký thác đại sự" điều đó có nghĩa là một người nào đó có được đức tính thật thà thì bạn có thể tin cậy, cấp trên hoặc bạn bè mới có thể ký thác những trách nhiệm lớn nơi người đó.
Một con người không có được đức tính đó thì trên chính trường sẽ trở thành một kẻ hai mặt, còn trong xã hội thì sẽ trở thành một kẻ cơ hội, vì lợi mà bỏ bạn, những người như vậy sẽ không có bạn bè, nếu có thì cũng chỉ là những người bị anh ta lợi dụng để đạt được mục đích của mình mà thôi, bạn bè sẽ trở thành công cụ của anh ta. Kết bạn nếu không có sự giao thoa về tình cảm và tâm hồn thì sẽ không thể lâu dài được. Người thật thà mới là người có thể tin tưởng được. Hai câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này.
Khi còn nhỏ, Yến Thù đã tham gia hội thi đình, sau khi xem xong đề thi, liền nói: "Mười ngày trước đây tôi đã làm đề thi này rồi, bản thảo vẫn còn ở đây, xin hoàng thượng đổi đề khác". Tống Chân Tông nghe xong liền khen ngợi sự thật thà của Yến Thù.
Một năm, Tống Chân Tông cho phép các quan lựa chọn một địa điểm để tổ chức yến tiệc, quan đại thần đều được mời tham dự, cả các quán rượu cũng được yêu cầu chuẩn bị các món ăn và nơi ở. Yến Thù khi đó còn nghèo khó, không có tiền để đi dự tiệc, liền đóng cửa ở nhà đọc sách với các anh em. Hôm đó là ngày Tống Chân Tông tuyển chọn người phò tá thái tử, bất ngờ Tống Chân Tông lại chọn Yến Thù. Tể tướng lấy làm lạ hỏi ý của Tống Chân Tông, Tống Chân Tông liền nói: "Ta được biết mấy ngày nay, các quan chỉ đi ngao du sơn thuỷ, lo việc ăn uống ca hát, chỉ có Yến Thù ở nhà đóng cửa đọc sách. Một người khiêm tốn đôn hậu như vậy thì có thể đảm đương trọng trách phò tá thái tử". Sau khi biết chuyện, Yến Thù liền tâu với hoàng thượng rằng: "Thần không phải không thích du ngoạn rượu chè, chỉ là hiện nay thần không có tiền, nếu như có tiền thì thần cũng có thể tham gia vào yến tiệc đó". Hoàng thượng nghe xong càng cảm thấy khâm phục sự trung thực của Yến Thù. Do Yến Thù hiểu được đạo lý quân thần nên ngày càng được Hoàng thượng trọng dụng. Đến thời Tống Nhân Tông, Yến Thù được phong làm Tể tướng.
Câu chuyện dưới đây càng cho chúng ta thấy rõ hơn người thật thà và người không thật thà ai sẽ là người thiệt thòi.
Thời Tam quốc, Tôn Sách giao cho Lã Phạm quản lý ngân khố của Đông Ngô, em của Tôn Sách là Tôn Quyền khi đó còn nhỏ, thường hay vòi tiền của Lã Phạm, Lã Phạm thường phải hỏi ý kiến Tôn Sách, chưa hề tự ý quyết định chuyện tiền bạc bao giờ. Cũng chính vì việc này mà Tôn Quyền có thành kiến với Lã Phạm. Sau này khi Tôn Quyền làm tới huyện lệnh huyện Dương Tư, có trong tay một khoản ngân khố nhỏ để chi tiêu riêng, Công Tào Chu Cốc thường giúp Tôn Quyền hợp lý hoá các khoản chi tiêu, khiến cho Tôn Sách không có lý do để trách cứ Tôn Quyền. Khi đó Tôn Quyền rất biết ơn Chu Cốc.
Sau này, khi Tôn Quyền thay anh thống lĩnh Đông Ngô, do Lã Phạm trung thực mà được trọng dụng, còn Chu Cốc do gian trá nên không được Tôn Quyền trọng dụng.
Hai câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy, người trung thực thường có được sự tín nhiệm, trọng dụng của cấp trên, còn đối với những người không trung thực thì dù có ơn với cấp trên nhưng cấp trên vẫn đề phòng.