V. Hành sự không nên quá thông minh
1. Quá thông minh sẽ giống như bê hòn đá để đập vào chính chân mình
Nói tới thông minh, thì con người không thể thiếu, trong đối nhân xử thế cũng không thể thiếu. Nhưng quá thông minh lại không phải là một điều tốt. Khôn vặt thì lại càng là một điều xấu.
Trong đối nhân xử thế, quá thông minh lại không phải là một trí tuệ lớn, nói cho cùng, đó cũng chỉ là khôn vặt mà thôi, loại người này rất dễ phạm sai lầm do quá thông minh, cũng giống như tự bê hòn đá mà đập vào chân của chính mình.
Trong cuốn "Tận tâm chương cú hạ" của Mạnh Tử có viết: "Chỉ có một chút thông minh mà không biết tới đạo của người quân tử thì thông minh đó chỉ đủ để hại chính mình mà thôi".
Bàn Thành làm quan, Mạnh Tử đoán vận nói rằng người này sắp chết. Sau đó thì Bàn Thành bị giết. Học trò của Mạnh Tử hỏi Mạnh Tử làm sao có thể biết trước được vận mệnh của Bàn Thành, Mạnh Tử nói: "Con người Bàn Thành có một chút thông minh, nhưng lại không hiểu được cái đạo lớn của người quân tử. Như vậy nên cái thông minh của anh ta chỉ đủ hại chính bản thân anh ta thôi".
Một chút thông minh không thể coi là trí tuệ, đó chỉ được coi là tiểu xảo mà thôi. Tiểu xảo có thể khiến cho con người ta có được một số kỹ năng nhưng sau đó thì lại rước hoạ vào thân. Chỉ có trí tuệ mới có thể là chỗ dựa vững chắc cho con người.
Một nhà chính trị lớn thời Minh là Lã Khôn, với hiểu biết của mình đã viết nên một kỳ thư thiên cổ là "Thân ngâm ngữ", trong sách có một câu nói rất tinh tuý là: "Thông minh cũng có mười phần, chỉ cần ẩn giấu trong vẻ nhân hậu. Từ cổ chí kim, trong số những kẻ gặp hoạ thì có tới 9/10 là những kẻ quá thông minh, không có sự nhân hậu
mà gặp hoạ. Ngày nay, chỉ sợ con người không có đủ trí thông minh, bị coi là ngu dốt".
Trong "Hồng Lâu Mộng", nói tới Vương Hi Phượng, mọi người không thể không thán phục tài trị gia và tài ứng đối của cô, nhưng cũng không ai quên được kết cục của cô. Nhân vật này chính là một điển hình của việc gặp hoạ do quá thông minh. Câu nói cuối cùng của Vương Hi Phượng là: "Người quá thông minh thì cuối cùng lại phản lại chính mình".
Ở Giả phủ, Vương Hi Phượng là một nữ anh hùng, cô đã tìm mọi cách, dùng đủ mọi biện pháp để chấn hưng Giả phủ, hoặc ít nhất là cũng duy trì được cục diện, đồng thời cũng vì một chút riêng tư. Vậy mà những nỗ lực của cô, những sự cúc cung tận tụy của cô lại chỉ đem lại sự bất mãn cho những người trong phủ, cuối cùng, cô cũng không mang lại một chút khởi sắc nào cho Giả phủ, sau khi chết rồi đến đứa con gái của mình cũng không giữ được.
So với những người phụ nữ bình thường khác, Vương Hi Phượng là người đã phải trải qua rất nhiều đau khổ, không nói tới việc cô phải chịu những lời trách cứ sau lưng thì cái chết thê lương và tình cảnh cô tịch khi chết cũng là quá khổ sở rồi. Đến như Lý Hoàn, mặc dù không phải là người oanh liệt, cũng không cần phải lao tâm khổ tứ, nhưng vẫn có được cuộc sống an nhàn tự tại, có được nhân duyên tốt, đến tuổi trung niên thì con cái công thành danh toại. Quả thực Vương Hi Phượng chỉ biết có tiến, không biết lùi, chỉ có một chút thông minh nhưng lại không biết khoan dung độ lượng trong đối nhân xử thế, chỉ biết lợi cho bản thân mình, thậm chí là cái lợi đó có thể hại người khác. Thậm chí đến cả người chồng của cô, cũng được đặt ở phía sau cô, chống lại cô, quả thực cô ta là người rất khổ mà nguyên nhân sâu xa là do sự quá thông minh và khôn vặt của mình mà ra.
Người phương Tây có câu, sự thông minh của người Pháp ẩn giấu ở bên trong, sự thông minh của người Tây Ban Nha bộc lộ ra bên ngoài. Người Pháp mới thực sự là người thông minh, người Tây Ban Nha chỉ là những người giả thông minh mà thôi. Bacon cho rằng, cho dù hai dân tộc đó có thực sự là như vậy hay không thì ý nghĩa của câu nói này cũng thực sự là thâm thuý.