III. Làm thế nào để người khác có thiện cảm với mình
6. Nước quá trong thì không có cá, con người quá cẩn thận thì không có bạn
Làm người thì không thể hồ đồ sơ ý, nhưng cũng không nên mọi sự phải rõ ràng minh bạch, quá cẩn thận. Bởi vì quá cẩn thận thì nhìn mọi người, nhìn sự vật đâu cũng thấy sai sót, như vậy thì không thể kết giao với mọi người được.
Có một học giả đã từng nói: Trên đường, có người mắng chửi anh, anh cũng chẳng thèm quay đầu lại nhìn, anh ta chẳng cần biết người mắng chửi anh ta là ai. Bởi vì cuộc đời của con người vốn rất ngắn, những việc cần làm thì rất nhiều, cần gì phải lãng phí thời gian cho những việc khiến cho mình không vui như vậy.
Làm người thì không nên ngạo mạn khinh đời, châm chọc thiên hạ, nhưng cũng không nên quá minh bạch, quá cẩn thận trong mọi việc. Nước trong quá thì không có cá, người quá cẩn thận thì không có bạn bè. Người quá cẩn thận thì nhìn việc gì cũng thấy sai sót, khó có thể chấp nhận được một người bạn, tự tạo ra sự ngăn cách giữa bản thân mình với xã hội. Bề mặt của một cái gương soi thì vốn phẳng, nhưng dưới kính hiển vi thì nó lại lồi lõm như đồi núi ao hồ, đồ vật dưới mắt thường thì rất sạch sẽ, nhưng dưới kính hiển vi thì nó chứa vô vàn vi khuẩn. Bạn thử nghĩ xem, nếu như chúng ta đeo vào mắt mình một cặp kính như kính hiển vi thì có lẽ là cơm chúng ta cũng không dám ăn nữa. Lại dùng cặp kính đó mà soi những sai sót của người khác thì sẽ cho rằng những người xung quanh bạn đều là những người mắc tội ác tày đình, không thể cứu vãn được nữa rồi.
Từ cổ chí kim, phàm những người thành công đều có những phẩm chất ưu tú, đó là sự khoan dung độ lượng mà những người bình thường không thể làm được, nhẫn nhịn
những sự việc mà người bình thường không thể nhẫn nhịn được, thường gạt sang bên những điểm bất đồng, chọn lấy những điểm tương đồng trong quan hệ xã giao, đoàn kết được số đông. Họ là những con người rộng rãi, nhưng không vì thế mà không quan tâm tới những vấn đề tiểu tiết, biết nhìn xa trông rộng, không tính toán những điều vụn vặt vì thế họ mới có thể thành công, lập nên nghiệp lớn, trở thành những vĩ nhân.
Tuy nhiên để làm được điều này lại là điều không hề đơn giản, cần phải có một sự giáo dục tốt, phải có một phương pháp tư duy khoa học để hiểu người, hiểu đời, biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét, giải quyết một vấn đề, hiểu và cảm thông với người khác một chút, khoan dung độ lượng một chút, hoà nhã một chút thì sẽ có nhiều bè bạn. Ví dụ, có một số người khi đã làm quan, lại không thể tha thứ cho cấp dưới của mình dù chỉ một lỗi lầm nhỏ, một lỗi lầm nhỏ cũng làm lớn chuyện, khiến cho cấp dưới của mình sợ như sợ cọp, lâu dần sẽ kết thành oán thù. Cần phải biết rằng, bạn không thể biết hết cũng như ôm đồm hết được mọi chuyện trên thế gian này, vì vậy cần gì phải cố đấu trí với người chỉ vì những chuyện cỏn con.
Như trên đã nói, có một vị học giả đã cho rằng, trên đường có một người chửi mắng anh ta, anh ta cũng chẳng thèm quay đầu lại nhìn, anh ta cũng chẳng cần biết người chửi mình là ai nữa. Anh ta quả thực là một tấm gương về sự nhẫn nhịn mà mỗi chúng ta cần phải học tập. Chỉ có như vậy thì bạn mới hiểu được việc gì cần phải làm và việc gì không cần làm, biết được việc nào là quan trọng, cần phải cẩn thận, việc gì thì không cần phải quá cẩn thận. Để làm được điều này là điều không dễ dàng, nếu như không qua một quá trình rèn luyện thì không thể có được. Nếu như chúng ta biết được sự việc nào không cần quá cẩn thận, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, tập trung cho những công việc quan trọng hơn, đáng làm hơn, như vậy cơ hội và hy vọng thành công của chúng ta sẽ lớn hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ trở nên khoan dung độ lượng hơn, mọi người sẽ thích kết giao với bạn hơn, bạn sẽ càng có nhiều bạn bè hơn. Sự thành công trong sự nghiệp đến cùng với sự thành công trong quan hệ xã giao chẳng phải là điều hạnh phúc lớn nhất của con người đó sao?