III. Làm thế nào để người khác có thiện cảm với mình
1. Xây dựng cho mình một ấn tượng ban đầu tốt đẹp
Hai người gặp nhau, với những người hữu duyên thì dường như họ đã là bạn của nhau từ lâu rồi. Tại sao lại có hiện tượng đó? Đó chính là hiệu quả của ấn tượng ban đầu trong nhau. Vì vậy nói, ấn tượng ban đầu tốt đẹp chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa tình bạn.
Nhà nghiên cứu tâm lý xã hội học nổi tiếng Assey đã làm một cuộc nghiên cứu với đối tượng là các sinh viên. Ông cho hai nhóm học sinh đánh giá về ấn tượng ban đầu đối với một con người cụ thể. Với nhóm thứ nhất, ông cho họ biết một số đặc điểm về
con người này như: thông minh, nhanh nhẹn, dễ xúc động, thích phê bình người khác, cố chấp, có lòng đố kỵ. Điều hiển nhiên là 6 đặc điểm nêu trên được xếp theo thứ tự từ khẳng định tới phủ định. Đối với nhóm sinh viên thứ hai, ông cũng cho họ biết 6 đặc điểm nói trên nhưng theo thứ tự ngược lại, từ phủ định tới khẳng định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ấn tượng của các nhóm học sinh với đối tượng đánh giá chịu ảnh hưởng của trật tự đặc điểm của đối tượng đánh giá. Ở nhóm thứ nhất (đặc điểm theo thứ tự từ khẳng định đến phủ định) thì ấn tượng ban đầu về đối tượng tốt hơn hẳn nhóm thứ hai (được thông tin đặc điểm từ phủ định tới khẳng định). Điều này cũng cho thấy ấn tượng ban đầu có một sự ổn định rất lớn, những thông tin về cá nhân đối tượng sau này về cơ bản ít tạo nên sự thay đổi trong nhận xét đánh giá về con người đó.
Ấn tượng ban đầu tốt đẹp đối với một con người chính là một chiếc chìa khoá vô hình mở ra cánh cửa lớn kết giao bè bạn. Có thể nói, một sự khởi đầu tốt là đã thành công một nửa. Trong quan hệ giao tiếp, phải làm như thế nào thì mới tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong lòng đối tượng? Xin giới thiệu tới bạn đọc một số kỹ xảo như sau.
(1) Chú ý tới dáng vẻ
Nhà tâm lý học xã hội cho rằng, trong các trường hợp thông thường, con người thường có xu hướng để ý tới những người có trang phục quần áo, dáng vẻ hào hoa hơn bản thân mình. Hành vi đó cũng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, chẳng có người nào muốn ở cùng với một người bẩn thỉu và ăn mặc luộm thuộm cả.
Trang phục quần áo có liên hệ rất mật thiết với địa vị xã hội, thân phận và trình độ giáo dục của một con người. Muốn có được những ấn tượng ban đầu tốt đẹp, khi mang mặc bạn nên chú ý tới vấn đề thân phận của mình và trường hợp ăn mặc. Một diễn viên điện ảnh có trang điểm loè loẹt một chút thì mọi người vẫn cho là điều bình thường, nhưng nếu như một giáo viên trung học hay tiểu học mà trang điểm như vậy, cộng với việc ăn mặc diêm dúa thì sẽ bị mọi người cho là không phù hợp với thân phận. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, chúng ta cần chú ý tới việc ăn mặc sao cho phù hợp, chỉnh tề, việc này có ảnh hưởng quan trọng tới việc tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu trong lòng đối tượng gặp gỡ.
(2) Chú ý tới nét mặt và thần thái của đôi mắt
Trong số những người ở xung quanh ta, có những người trong khi nói chuyện luôn giữ nụ cười trên môi, khi nghe người khác nói, ánh mắt người đó luôn thể hiện thần thái, những người đó thực sự là những người có quan hệ giao tiếp xã hội rất giỏi. Nét mặt không chỉ là sự thể hiện của nhân cách và trình độ giáo dục của mình, mà nó còn có tác dụng bổ sung những điểm hạn chế khác của bản thân mình, che giấu được những khiếm khuyết của bản thân bạn. Một nụ cười tươi tắn, chân thành đã làm một
số người trở thành những người luôn thắng lợi trong giao tiếp. Nhà thành công học nổi tiếng Carnegie đã từng nói, "Làm người cũng cần phải học cách cười".
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, trong giao tiếp, đôi mắt là nơi được đối phương chú ý nhiều nhất. Hai người khi gặp mặt nhau, nếu như không nói gì, thì từ trong đôi mắt, người đối diện có thể đoán được phần nào tâm tư của người đó. Chính vì vậy, trong lần gặp đầu tiên với đối tượng, bạn nên biết cách sử dụng ánh mắt của mình, đồng thời cũng phải học cách hiểu hàm ý ánh mắt của đối tượng mà điều chỉnh ánh mắt của mình. Ánh mắt có thể nhìn thẳng vào đối phương, nhưng không nên thái quá dẫn tới phản cảm trong đối phương, đặc biệt cần chú ý trong quan hệ bạn khác giới.
(3) Chú ý cách ăn nói
Muốn thông qua lời nói để tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong lòng người đối thoại, trước hết bạn phải phân tích âm thanh giọng nói của mình, nghiên cứu một chút hiệu quả âm thanh lời nói của mình, về tốc độ nói, về đặc điểm âm lượng lớn nhỏ.v.v. trong quá trình chuyển tải thông tin, và phương thức chuyển tải, nội dung nói chuyện.
Muốn làm cho người đối thoại của mình có ấn tượng tốt với giọng nói của mình, bạn cần phải chú ý tới 4 điểm sau: Thứ nhất là phải căn cứ vào không gian nói chuyện, căn phòng đó lớn hay nhỏ; Đối tượng người nghe nhiều hay ít để điều chỉnh âm lượng và trạng thái tình cảm của người nghe lúc đó để quyết định tốc độ nói của mình, đồng thời cũng phải biết cách dừng đúng lúc. Thứ hai là cần phải biết kiểm soát âm lượng của mình khi nói, đảm bảo vừa có thể khiến cho âm lượng của mình nhấn mạnh được những trọng điểm, vừa có thể khiến cho người nghe hiểu được nội dung truyền đạt. Vì vậy, âm lượng cao hay thấp đều có sức cuốn hút, vấn đề mấu chốt là phải phù hợp với tình hình điều kiện thực tế nơi đó. Thứ ba là cần phải loại bỏ những nhân tố có thể gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng giọng nói âm thanh của mình, khiến cho chất lượng âm thanh của mình trở thành nhân tố khiến cho đối phương phải chú ý. Thứ tư là cần phải nói rành rọt từng từ từng câu, trước hết là phải làm cho đối phương dễ dàng hiểu được vấn đề. Trong quá trình nói chuyện, cần chú ý sử dụng những từ ngữ xưng hô cụ thể và chính xác khiến cho đối phương cảm thấy dễ chịu. Trong quá trình nói chuyện, những lời lẽ uyển chuyển là một phương pháp rất hợp lý, hàm súc cũng là một biểu hiện của việc bạn biết sử dụng từ ngữ, tất cả những điều đó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy được tôn trọng. Ngoài ra, cách nói năng hài hước hóm hỉnh cũng có một vai trò rất quan trọng.
(4) Chú ý lắng nghe
Nói là một môn nghệ thuật, nghe cũng là một môn nghệ thuật. Khi nghe người khác nói thì cũng giống như khi mình nói, cần phải có thái độ nghiêm túc, chú ý để hiểu nội dung trao đổi của người nói, nếu như bạn đã hiểu được ý của người nói thì cũng nên vui vẻ tiếp tục lắng nghe, bạn nên làm một người nghe khiêm tốn. Đồng
thời, không nên vừa nghe người diễn thuyết vừa nói chuyện phiếm với người bên cạnh, điều đó là thể hiện sự không tôn trọng khi người khác nói chuyện.
(5) Chú ý hành động, cử chỉ
Hành vi, động tác là khí chất nội tại của một con người, là biểu hiện của trình độ giáo dục. Cử chỉ hành động của người đàn ông thì phải mạnh mẽ, dứt khoát, cử chỉ của người con gái thì phải chú ý nhẹ nhàng đoan trang và ý tứ. Bạn cần phải chú ý tới tư thế đứng, tư thế ngồi, tư thế khi đi lại trên đường và một số cử chỉ động tác theo thói quen. Sự tiếp xúc thân thể cũng là một trong những cách thức giao tiếp quan trọng, khi gặp mặt nhau, một cái bắt tay thân mật, thể hiện sự nhiệt tình, và sự vui vẻ, rất có lợi cho việc tạo được ấn tượng ban đầu. Lần đầu tiên tiếp xúc, nếu bạn ngồi lệch trên ghế thì chứng tỏ bạn là con người thiếu giáo dục, hành vi tuỳ tiện; Không chú ý tới người đối thoại là biểu hiện của sự xa cách về suy nghĩ, không gần gũi mọi người; Ánh mắt nhìn đi nơi khác là thể hiện sự coi thường người đối thoại. Vì vậy trong giao tiếp, một người giỏi quan hệ xã giao sẽ biết chú ý tới những vấn đề nêu trên, vì vậy họ rất dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người.
(6) Bắt đầu từ việc giúp đỡ người khác
Trên phương diện tâm lý học, giúp đỡ mọi người là một khái niệm rất rộng, nó vừa bao gồm cả sự ủng hộ về tinh thần tình cảm, sự chia sẻ buồn đau, sự tán đồng về quan điểm, những đề nghị mang tính xây dựng, cũng bao gồm cả sự hỗ trợ trong giải quyết các vấn đề khó khăn cũng như sự giúp đỡ về vật chất. Trong quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, tồn tại một nguyên tắc, tức là bất kỳ một người nào, chỉ có những quan hệ giao tiếp mà họ cho là xứng đáng thì họ mới có ý định xây dựng và duy trì. Vì vậy sử dụng việc giúp đỡ và giúp đỡ lẫn nhau làm điểm bắt đầu cho quan hệ giao tiếp thì không những việc tạo được ấn tượng ban đầu khá đơn giản mà khoảng cách trong tâm hồn cũng nhanh chóng được rút ngắn, từ đó sẽ khiến cho việc xây dựng mối quan hệ thân thiết được thuận lợi. Nếu như khi người khác gặp khó khăn, chúng ta có sự giúp đỡ kịp thời, thì đối phương nhất định sẽ tạo cơ hội cho bạn tiếp cận họ, từ đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể thiết lập được mối quan hệ rất thân thiết. Giúp đỡ người khác không nhất định là phải đợi tới khi đối tượng gặp khó khăn lớn, mà nó phải được thể hiện trong những điều thông thường nhất của cuộc sống, ví dụ như chỉ đường giúp người lạ, nhường chỗ cho người lớn tuổi trên xe ô tô, xách hộ người khác đồ vật.v.v. Thông qua việc giúp đỡ người khác, bạn có thể có được rất nhiều bạn bè và niềm vui.
(7) Tiếp nhận người khác
Nếu như bạn không tin tưởng một người nào đó, có thể bạn cũng sẽ không chấp nhận người đó. Tuy rằng, bạn bè cũng cần phải có sự lựa chọn đối tượng, nhưng trước khi hiểu được đối phương thì không nên vội vàng phủ nhận hoàn toàn con người đó, điều này sẽ khiến cho bạn mất rất nhiều người bạn thực sự chân chính. Trên thực tế,
căn cứ theo nguyên tắc giao tiếp giữa con người với con người, bạn không tin tưởng một người nào đó thì người đó cũng sẽ không tin tưởng bạn, ngược lại, nếu bạn lấy sự thân tình để đối đãi với một người nào đó thì đối phương cũng sẽ đối xử lại với bạn như vậy. Nói tóm lại, trên thế gian này, những người xấu tuyệt đối thì rất ít, chúng ta cần phải biết cách khơi dậy sự lương thiện trong nhân cách của mỗi con người.