24 Nói với con
2.2.2. Xây dựng hệ thống biện pháp có tính đồng bộ.
Dạy học tác phẩm văn chương là sự vận dụng và kết hợp linh hoạt các biện pháp của bốn phương pháp dạy học văn (đọc sáng tạo, gợi tìm, tái hiện và nghiên cứu) đã được khẳng định từ cải cách giáo dục trong đó “đọc sáng tạo” và “gợi tìm” được coi là hai phương pháp chủ yếu trong dạy học đọc - hiểu văn bản ở bậc trung học cơ sở.
Hướng dẫn học sinh cảm nhận, phân tích mạch cảm xúc trong thơ trữ tình hiện đại Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng được một hệ thống biện pháp đồng bộ. Điều đó có nghĩa là phải tận dụng và phát huy ưu thế của tất cả các biện pháp dạy học tác phẩm văn chương trong dạy học thơ trữ tình hiện đại sao cho phù hợp với đặc điểm thể loại, đặc trưng phương thức biểu đạt của văn bản, khả năng tiếp nhận của học sinh cũng như đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Có thể kể tới các biện pháp như: đọc diễn cảm, giảng giải, phân tích, cắt nghĩa, bình giá, hệ thống câu hỏi (tái hiện, sáng tạo, cảm xúc, nêu vấn đề, gợi mở …). Cùng với các biện pháp là cách thức tổ chức dạy học như đàm thoại bằng hệ thống câu hỏi hay thảo luận nhóm; các phương tiện dạy học nhằm tăng hiệu quả và hứng thú dạy học như: sách giáo khoa, bảng, các phương tiện điện tử, phần mềm dạy học trên máy tính v.v..
Mỗi biện pháp, cách thức tổ chức dạy học nêu trên đều có những thế mạnh cũng như những hạn chế riêng. Do vậy mà cách làm hiệu quả nhất là phải hiểu thấu đáo các biện pháp, phát huy tất cả những thế mạnh của chúng trong sự kết hợp hài hoà, tránh tuyệt đối hoá, đề cao cũng như phủ nhận bất cứ biện pháp nào dẫn tới chủ nghĩa cực đoan trong phương pháp dạy học.
Không ít giáo viên cho rằng đổi mới phương pháp dạy học tác phẩm văn chương theo quan điểm tích cực là yêu cầu học sinh trả lời thật nhiều nên đã sử dụng biện pháp nêu câu hỏi suốt giờ học, một số biện pháp đặc thù khác như đọc
diễn cảm và giảng bình bị triệt tiêu. Ngược lại, có giáo viên lại tuyệt đối hoá vai trò của giảng và bình với nhiều lí do (đặc trưng môn học, hạn chế về thời gian, năng lực học sinh …) mà bỏ rơi các biện pháp khác, không lưu ý đến tính tích cực, chủ động của học sinh. Từ thực tiễn trên cho thấy quan điểm về một hệ thống biện pháp dạy học đồng bộ là cần thiết.
Quan điểm đồng bộ trong biện pháp dạy học không có nghĩa là phải sử dụng tất cả các biện pháp trong cùng một giờ học. Cần phải thấy được với từng loại thể khác nhau lại có những biện pháp đặc thù riêng. Nếu như đọc - hiểu đặc trưng cho dạy học tác phẩm tự sự thì đọc diễn cảm lại đặc trưng cho dạy học các tác phẩm trữ tình. Đặc biệt trong dạy học thơ trữ tình thì giảng bình là biện pháp đã thực sự phát huy được thế mạnh của mình. Hơn nữa, mỗi bài thơ lại là một sáng tạo độc đáo, không lặp lại và cần có những cách tiếp cận riêng. Do đó, với từng tác phẩm, giáo viên lại cần linh hoạt trong việc vận dụng và phối hợp các biện pháp sao cho giờ học có hiệu quả nhất. Việc lựa chọn các biện pháp còn phụ thuộc vào khả năng, trình độ của học sinh. Với từng lớp học cụ thể mà giáo viên cần biết nhấn mạnh biện pháp này mà lược bỏ biện pháp kia sao cho hợp lý.
Như vậy, với nguyên tắc đồng bộ trong phương pháp, biện pháp dạy học, đòi hỏi giáo viên không chỉ hiểu thấu đáo các biện pháp mà còn phải vận dụng và phối hợp linh hoạt các biện pháp ấy trong từng bài dạy học của mình.