đại Việt Nam.
Thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung là sự khái quát hoá đời sống thông qua các hình tượng nghệ thuật. Nó cũng chính là phương tiện để người nghệ sĩ gửi gắm những tâm sự, tấc lòng và thông điệp nghệ thuật đến với bạn đọc, cuộc đời. Thông điệp ấy được gửi gắm vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thế giới nghệ thuật ấy lại được mã hoá trong lớp văn bản ngôn từ. Khi tiếp nhận văn học, bạn đọc lại làm công việc ngược lại, đó là khám phá lớp văn bản ngôn từ, chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của tác phẩm và cái đích cuối cùng là nắm bắt, đồng cảm, sẻ chia thông điệp nghệ thuật, ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
Như đã trình bày ở phần trên, hình tượng trong thơ trữ tình là hình tượng cảm xúc. Cảm xúc là yếu tố khởi nguồn và cũng là đích đến trong quá trình sáng tạo thơ ca. Chính cảm xúc dâng trào, tứ thơ ùa đến đã thôi thúc người nghệ sĩ sáng tạo nên hình tượng thơ với mong muốn tìm được sự đồng cảm tri âm nơi bạn đọc. Chính vì vậy mà quá trình tiếp nhận thơ trữ tình đòi hỏi ở bạn đọc không chỉ năng lực văn học nói chung mà còn ở khả năng xúc cảm đặc biệt để có thể đồng cảm với những cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ trước những vấn đề của đời sống. Cái đích cuối cùng của tiếp nhận thơ trữ tình là phải đọc cho được dòng cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình gửi gắm trong đó.
Cảm xúc trong thơ trữ tình gắn liền với chủ thể trữ tình. Nhân vật trữ tình lại là những biểu hiện đa dạng, phong phú của chủ thể trữ tình và là khái niệm then chốt làm nên đặc trưng của thể loại. Nhân vật trữ tình có khi hiện hữu là tôi, là ta, là cháu … hoặc không hiện hữu trong các ngôi đại từ, nhưng đều thống nhất với cái tôi tác giả. Và nếu tiếp nhận thơ trữ tình là thâm nhập để cảm hiểu với những rung động thầm kín trong tâm hồn người viết thì việc xác định nhân vật trữ tình là ai và có quan hệ như thế nào với tác giả là một hoạt động không thể bỏ qua nếu không muốn nói là hoạt động đầu tiên. Việc xác định nhân vật trữ tình là ai sẽ giúp chúng ta hình dung được vị trí, tư thế, nỗi niềm tâm trạng của họ một cách phù hợp, tránh được lối suy diễn lan man, thiếu căn cứ.
Việc xác định nhân vật trữ tình là hiện thân của tác giả hay nhân vật trữ tình nhập vai cũng hết sức quan trọng. Nếu nhân vật trữ tình là chính tác giả thì việc cảm nhận cảm xúc trong bài thơ cũng chính là cảm nhận những tâm trạng nỗi niềm của nhà thơ gửi trong tác phẩm. Nếu nhân vật trữ tình xuất hiện dưới dạng nhập vai thì cũng cần phải hiểu là tác giả đã mượn tâm sự của nhân vật để kín đáo
bộc lộ những suy nghĩ, cảm nhận của mình. Và như vậy, người đọc cần khám phá hai cấp độ cảm xúc. Đó là cảm xúc của nhân vật trữ tình, những cảm xúc được bày tỏ trực tiếp trong tác phẩm và những cảm xúc mà tác giả kín đáo biểu hiện một cách gián tiếp. Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, tình yêu thương của bà mẹ Tà Ôi được diễn tả qua ba khúc hát: khúc hát thương con thương bộ đội, khúc hát thương con thương dân làng, khúc hát thương con thương đất nước. Nhưng qua đó, ta thấy được tình yêu thương, lòng quý trọng của tác giả dành cho nhân dân đất nước gian lao mà anh hùng. Những cảm xúc trực tiếp của nhân vật trữ tình là ý nghĩa bề mặt của tác phẩm còn những xúc cảm gián tiếp của nhà thơ là ý nghĩa hàm ẩn, tức ý nghĩa đích thực của bài thơ. Do vậy, khi tiếp nhận những tác phẩm thơ trữ tình có nhân vật trữ tình dưới dạng nhập vai, cần khám phá và đọc ra dòng cảm xúc kép như trên.
Dễ thấy, phát hiện và cảm nhận được mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình chính là mở ra cánh cửa tìm hiểu cảm xúc của chủ thể, của cái tôi trữ tình trong thơ. Điều đó cũng có nghĩa là bạn đọc đã tìm đến được với thông điệp nghệ thuật mà nhà thơ gửi gắm, ký thác.
Nhân vật trữ tình bày tỏ cảm xúc của mình trước đối tượng trữ tình. Đối tượng trữ tình trong thơ có thể là người, là vật, là hiện tượng xã hội, là thiên nhiên. Chúng đóng vai trò là nguyên cớ, là nơi khơi nguồn xúc cảm và trở thành hình tượng quan trọng trong mỗi bài thơ. Tiếp nhận thơ trữ tình không thể bỏ qua các hình tượng ấy. Tuy nhiên, hình tượng trong thơ trữ tình hiện đại không tĩnh tại mà luôn vận động, biến chuyển. Cơ sở cho sự vận động ấy chính là cảm xúc của chủ thể trữ tình. Giữa cảm xúc của nhân vật trữ tình và hình tượng thơ luôn có một mối quan hệ biện chứng khăng khít. Do đó, có đọc ra được mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình ta mới có thể lý giải một cách đúng đắn, biện chứng sự vận động của hình tượng thơ.
Như vậy, xác định và cảm nhận được mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình là bước thâm nhập đúng đắn, phù hợp với đặc trưng thi pháp của thể loại thơ trữ tình, đặc biệt là thơ trữ tình hiện đại. Nhân vật trữ tình cùng cảm xúc của họ trong thơ có thể coi là điểm xuất phát cũng như đích đến cuối cùng trong quá trình tiếp nhận một bài thơ. Việc phân tích các yếu tố khác trong bài thơ trữ tình như hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật, giọng điệu, nhịp điệu thơ là rất quan trọng nhưng cũng không ngoài mục đích là lý giải và làm rõ hơn những cảm xúc tinh tế, mãnh liệt cũng như sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong thơ.
Tiếp nhận thơ trữ tình hiện đại từ nhân vật trữ tình và cảm xúc của họ là con đường tiếp cận, phân tích và cảm thụ thơ một cách đúng đắn và hiệu quả.