Chuyển thể văn bản thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 86)

24 Nói với con

2.3.2.2. Chuyển thể văn bản thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật.

Chuyển thể văn bản thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật là cách thức lược thuật bài thơ sao cho lời lược thuật vẫn mang tính nghệ thuật và không phá vỡ cấu trúc của cả bài thơ.

Việc chuyển thể văn bản thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật là biện pháp quen thuộc của các giáo viên lâu năm nhưng lại rất lúng túng đối với những giáo viên mới ra trường. Việc lược thuật bài thơ sẽ giúp học sinh nhanh chóng tiếp cận, hình dung ra thế giới nghệ thuật trong bài thơ, có những cảm nhận ban đầu tạo điều kiện cho quá trình khám phá, chiếm lĩnh cảm xúc thơ. Lời lược thuật vẫn phải mang tính nghệ thuật nghĩa là phải ngắn gọn cô đọng tránh diễn giải lan man dài dòng làm mất đi tính cô đọng, hàm súc của bài thơ dẫn tới phản tác dụng.

Có thể chuyển thể cả bài thơ, cũng có khi chỉ cần chuyển thể một câu, một đoạn. Với những bài thơ hiện đại có tính cô đọng hàm súc, có những chi tiết, hình ảnh khó tiếp cận, trước khi đi vào khám phá cảm xúc thơ, giáo viên nên tiến hành

chuyển thể hoặc hướng dẫn học sinh chuyển thể văn bản thơ thành văn bản văn xuôi. Thao tác này thường được tiến hành sau khi giáo viên đọc và hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm bài thơ.

Chẳng hạn, để giúp học sinh cảm thụ bài “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh, giáo viên có thể lược thuật bài thơ hoặc hướng dẫn học sinh chuyển thể bài thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật như sau: Trước cảnh đẹp đêm trăng, Hồ Chí Minh rất muốn ngắm trăng, thưởng trăng. Nhưng hiềm một nỗi, Người lại đang bị giam cầm trong nhà lao, chẳng có hoa và rượu để thưởng trăng như các tao nhân mặc khách vẫn thường làm. Biết thưởng trăng thế nào đây? Vậy là Bác - người tù cách mạng đành phải hướng ra ngoài cửa sổ thưởng thức trăng qua cánh cửa nhà lao. Dường như hiểu lòng người, không phụ lòng người, trăng cũng theo luôn vào cửa sổ nhà lao để ngắm nhà thơ.

Tương tự như vậy với bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh có thể chuyển thể thành văn bản văn xuôi nghệ thuật như sau: Nhà thơ cảm nhận hình như mùa thu đã sang bởi tác giả bất ngờ nhận ra hàng loạt những tín hiệu quen thuộc của mùa thu: Này là mùi hương ổi phả vào, quyện vào với làn gió se. Này là làn sương mỏng đang chùng chình bay qua ngang ngõ. Này là dòng sông không còn cuồn cuộn ào ạt chảy như mùa hè mà đã lặng lẽ, êm ả, dềnh dàng chậm chạp trôi. Này là cánh chim đang vội vã bay về phương nam tránh rét. Đặc biệt hơn, trên bầu trời còn có đám mây mùa hạ đang vắt nửa mình để bước sang mùa thu. Mùa thu sang, đất trời thay đổi, nắng vẫn còn song đã ít đi, những cơn mưa cũng giảm dần. Và tiếng sấm cũng ít gây bất ngờ hơn cho những hàng cây đứng tuổi.

Với cách lược thuật hay nói cách khác là chuyển văn bản thơ thành văn bản văn xuôi nghệ thuật như trên sẽ giúp học sinh dễ dàng hình dung ra thế giới nghệ thuật của bài thơ và cảm nhận tốt hơn cảm xúc cũng như sự vận động cảm xúc trữ tình trong bài thơ.

Trong một số trường hợp, có thể chỉ chuyển thể một câu, một đoạn nhưng phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn với các thao tác trong quá trình cảm thụ bài thơ. Nếu biết chuyển thành những lời văn xuôi tốt, với những lời văn nôm na, giản dị trung thực sẽ góp phần thu hẹp, khắc phục phần nào khoảng cách giữa nhà thơ với học sinh. Học sinh sẽ cảm nhận được bài thơ, mạch cảm xúc trong bài thơ đầy đủ, trọn vẹn và liền mạch hơn.

Vận dụng biện pháp này đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc toàn bộ văn bản thơ. Phải tìm hiểu cặn kẽ nghĩa của từ vựng, các điển tích, các bản dịch nghĩa, dịch thơ (đối với những bài thơ tứ tuyệt của Bác), đặc biệt phải nắm chắc cấu trúc văn bản thơ để từ đó hướng dẫn học sinh thực hiện. Khi chuyển bài thơ thành văn bản văn xuôi, giáo viên cần giúp học sinh chuyển thành những câu văn xuôi giản dị, trung thành, bám sát ý thơ, phải giữ được hồn thơ, chất thơ và tuyệt đối không được xuyên tạc, thêm bớt ý thơ một cách chủ quan.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w