Sáng tác thơ ca là cách để người nghệ sĩ mã hóa những cung bậc cảm xúc của mình. Không có yếu tố ngôn ngữ, cảm xúc thơ sẽ mãi chỉ là dòng ý thức, là tiếng nói bên trong của tâm hồn con người. Nhờ dòng ngôn ngữ thơ mà cảm xúc ấy được biểu đạt một cách sâu sắc, rõ ràng, mãnh liệt nhưng cũng không kém phần tinh tế. Để có được hiệu quả này, ngoài những đặc trưng của ngôn ngữ văn học như: tính hình tượng, tính gợi cảm và tính hàm súc, ngôn ngữ thơ trữ tình còn có những đặc điểm riêng. Nó là thứ ngôn ngữ được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu, hết sức cô đọng hàm súc, đặc biệt gợi cảm và giàu nhạc tính
Cùng để biểu đạt cảm xúc trữ tình của chủ thể nhưng trữ tình dân gian, trữ tình trung đại và trữ tình hiện đại lại có những cách xử lý chất liệu ngôn từ riêng làm nên nét đặc trưng trong thi pháp của thơ ca từng giai đoạn. Ngôn ngữ ca dao, dân ca được coi là kết tinh của ngôn ngữ toàn dân, là thứ ngôn ngữ đã được gọt rũa, trau chuốt qua nhiều người, nhiều thế hệ. Tuy nhiên, đó là thứ ngôn ngữ phi cá thể, đã được công thức hóa với những mô típ trùng lặp. Có nghĩa là chúng được tạo nên bằng cách lắp ghép có sửa đổi đôi chút các chi tiết, hình ảnh đã trở thành truyền thống nghệ thuật vững bền. Bên cạnh đó, tính quy phạm ngặt nghèo của văn học trung đại cùng quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển lại tạo nên một lớp ngôn từ với đặc trưng hướng về cái cao cả, tao nhã và dày đặc các thi liệu Hán học. Trong thơ trữ tình hiện đại, ngôn từ được xác định là một phương diện bộc lộ trực tiếp, thành thực nhất tâm tư của nhân vật trữ tình cũng như tính độc đáo của sự sáng tạo nghệ thuật. Mỗi bài thơ trữ tình hiện đại lại là một cách ứng xử riêng, độc đáo với chất liệu ngôn từ nhằm bộc lộ hữu hiệu nhất, trọn vẹn nhất thế giới trữ tình trong thơ.
Để mã hóa dòng cảm xúc của mình, các nhà thơ trữ tình hiện đại luôn có sự chau chuốt, lựa chọn những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm cao. Đó là những từ ngữ diễn tả một cách hiệu quả nhất những xúc cảm đang dâng trào trong lòng người nghệ sĩ. Lịch sử sáng tác thơ ca đã nhiều lần ghi nhận sự công tâm này của các nghệ sỹ ngôn từ. Có thể nhắc tới trường hợp của Tản Đà khi sáng tác “Thề non nuớc”. Để diễn tả nỗi khắc khoải chờ mong của non với nước, nhà thơ viết: “Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Nhưng sau đó nhà thơ đã sửa lại thành: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Rõ ràng từ “tuôn” đã diễn tả trạng thái nhớ mong khôn xiết nhưng từ “khô” còn đắt giá hơn nhiều. Chờ nước, mong
ngóng nước, non đã khóc, khóc không biết bao ngày, bao giọt nước mắt đã tuôn rơi cho đến khi con suối kia khô cạn, non không còn nước mắt để mà khóc nữa. Vậy mà nước vẫn chưa về như lời nguyện ước hôm nào. Từ “khô” không chỉ diễn tả nỗi nhớ mong mà còn gợi ra một thời gian ly biệt đằng đẵng xen lẫn nỗi khổ đau, thất vọng của nhân vật trữ tình. Ta cũng có thể bắt gặp cách lựa chọn từ ngữ tinh tế như vậy trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
- Dẫu xuôi về phương bắc Dẫu ngược về phương nam Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương.
Khổ thơ nằm trong dòng mạch diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu của nhân vật trữ tình. Vậy tại sao tác giả không dùng từ nhớ mà lại dùng từ “nghĩ”. Nỗi nhớ là một trạng thái thường trực trong tình yêu. Không nhớ không phải là yêu. Nhưng chỉ nhớ không thôi, e rằng tình yêu ấy mang đầy cảm tính và có phần ích kỷ bởi nhớ là cho mình chứ đâu phải cho người khác. Ở đây, trong trường hợp này, sau hàng loạt những câu thơ nói về nỗi nhớ: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ con thức”, tình yêu của nhân vật trữ tình trở nên đằm sâu hơn, chìn chặn hơn. Em không chỉ nhớ về anh mà còn nghĩ về anh nữa. “Nghĩ” là một trạng thái mang tính lý trí gắn liền với sự lo toan cùng trách nhiệm. Nó thể hiện tình yêu cao cả gắn liền với tấm lòng nhân hậu bao dung của người phụ nữ. Rõ ràng, chỉ một từ ngữ thôi nhưng đã diễn tả hết sức tinh tế cảm xúc và sự vận động tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Không chỉ lựa chọn từ ngữ, các nhà thơ còn kết hợp, sáng tạo nên những từ ngữ mới nhằm diễn tả những cảm nhận tinh tế cũng như cảm xúc nồng nàn của chủ thể trữ tình:
- Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
(Thơ duyên – Xuân Diệu)
Ta đã biết cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong thơ trữ tình là những cảm xúc và tâm trạng điển hình được miêu tả theo quy luật điển hình hóa nghệ thuật. Cảm xúc đó không bộc lộ ở dạng tự nhiên, tùy tiện mà đã được nghệ thuật hóa.
Chính vì vậy mà các phương tiện, biện pháp tu từ nghệ thuật luôn có mặt trong thơ như những biện pháp đắc dụng nhất để tạo nên hình ảnh thơ góp phần cụ thể hóa, hữu hình hóa những cảm xúc, tâm trạng vốn được coi là khó định hình đong đếm trong thẳm sâu tâm hồn mỗi con người.
Nhờ liên tưởng, tưởng tượng mà cảm xúc của chủ thể trữ tình được mã hóa bằng các hình ảnh, biểu tượng. Theo Arnauđôp “tâm trạng phải được thể hiện bằng hình ảnh tương ứng”, có nghĩa là cảm xúc phải được giải quyết chủ yếu bằng hình ảnh. Hình ảnh xuất hiện cùng lúc với tâm trạng như là sự “vật chất hóa”, “cảm tính hóa” của tâm trạng ngay trong khoảnh khắc xuất hiện tâm trạng ấy. Điều này giải thích vì sao trong thơ lại có nhiều hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, so sánh đến thế. Bởi qua đó, con người bày tỏ được sự đánh giá về đối tượng, làm cho cái khách quan, chủ quan hòa hợp thành một bức tranh toàn vẹn. Niềm vui, phấn khởi và tự hào của nhà thơ Chế Lan Viên trước không khí lao động tấp nập, hăng say trên biển được biểu đạt qua những câu thơ giàu hình ảnh với những liên tưởng bất ngờ thú vị:
- Chở hạnh phúc có con tàu sắc biếc Chở niềm vui con tàu sẽ sơn hồng
Một trăm con tàu như một trăm cô dâu mới
Mặt biển như lòng trai nhộn nhịp đón những thân tàu.
Quả không sai khi có ý kiến cho rằng khi sáng tác thơ, cảm xúc càng nhiều, linh cảm càng sâu sắc, hiểu biết nhiều, trí tưởng tượng càng bay bổng thì các hình ảnh, biểu tượng càng phong phú, độc đáo.
Thế giới trữ tình là thế giới tập trung những điều sâu kín nhất, tinh vi nhất, tế nhị nhất nên không thể trình bày một cách thẳng thắn, rõ ràng, mà phải tìm đường đến sự xa xôi bóng gió ngụ ý, cách nói vòng vèo lắt léo, hàm ẩn đa nghĩa. Chẳng thế mà nữ sĩ Xuân Quỳnh đã phải mượn tới hình ảnh ẩn dụ “con sóng nhớ bờ”, sự gắn bó giữa “thuyền” và “biển” để biểu đạt một tình yêu nồng nàn, tha thiết, cháy bỏng của mình tới người mình yêu. Biểu tượng “vàng” ẩn dụ cho hồn thơ của Chế Lan Viên cũng thường trở đi trở lại trong sáng tác của ông. Trong “Tiếng hát con tàu”, với niềm vui sướng được về với nhân dân, trở về với “người mẹ của hồn thơ”, nhà thơ viết:
- Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa Nay trở về, ta lấy lại vàng ta …
Trong những vần thơ tự sám hối, nhà thơ cũng viết: “Xưa ở sông Ngô ta
đánh mất vàng/ Đánh mất tâm hồn ta. Nhưng hiện tại/ Như sông Tương đã trả vàng ta lại/ Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang”. Ngầm so sánh hồn thơ của
mình với “vàng”, nhà thơ muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc đời, với nhân dân, với cách mạng, đã đưa ông từ “thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, đưa thơ ông từ “chân trời của một người tới chân trời của nhiều người”.