Phát hiện tình huống, hoàn cảnh, sự kiện làm nảy sinh tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 76)

24 Nói với con

2.3.1.2. Phát hiện tình huống, hoàn cảnh, sự kiện làm nảy sinh tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong thơ không phải tự dưng nảy sinh theo kiểu không đau mà rên. Người xưa nói cảm vật tức cảnh. Phải có những sự kiện, sự việc, hoàn cảnh làm chấn động tâm hồn nhà thơ thì tình cảm, cảm xúc mới nảy sinh. Thơ trước hết là cuộc đời là vì vậy. Cho nên muốn tiếp nhận và lý giải được cảm xúc cũng như sự vận động của cảm xúc trong thơ, nhất thiết phải xác định được tình huống, hoàn cảnh, sự kiện làm nảy sinh ra cảm xúc ấy.

Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xác định tình huống, sự kiện của cảm xúc qua việc đọc bản thân tác phẩm cũng như đọc hoàn cảnh sáng tác và các tư liệu tham khảo khác có liên quan. Có trường hợp tình huống của cảm xúc được ghi lại và thể hiện ngay trong tác phẩm. Khi đọc toàn bộ tác phẩm nhiều lần, chắp nối các sự kiện lại, bạn đọc học sinh sẽ xác lập được tình huống, hoàn cảnh làm nảy sinh, trào dâng cảm xúc trong nhân vật trữ tình.

Khi dạy học bài thơ “Lượm” - Tố Hữu, sau khi xác định nhân vật trữ tình là người chú đồng thời cũng là nhà thơ Tố Hữu, học sinh cần phải đọc tác phẩm

để sâu chuỗi các sự kiện: Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, nhà thơ từ Hà Nội trở về thành phố Huế quê hương, tình cờ gặp chú bé liên lạc Lượm nhí nhảnh vui tươi. Ít lâu sau, nhà thơ nghe tin Lượm đã hy sinh anh dũng trên đường công tác. Chính sự hy sinh anh dũng của Lượm là tình huống, là sự kiện khiến tác giả nghẹn ngào đau xót nhớ thương xen lẫn cảm phục người chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi này. Đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh, học sinh cần xác định tình huống cảm xúc của bài thơ, đó là khi tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ bắt gặp khoảnh khắc giao mùa hạ - thu cùng với những biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên đất trời.

Ngoài việc xác định tình huống thơ từ chính bản thân bài thơ, giáo viên cần định hướng cho học sinh tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác cũng như những tài liệu tham khảo có liên quan để học sinh nắm được bối cảnh, hoàn cảnh, sự kiện cũng như tình huống dẫn tới, làm nên cảm xúc cũng như sự vận động phát triển của mạch cảm xúc trong bài thơ. Ngoài hoàn cảnh trực tiếp dẫn tới sự ra đời của bài thơ, học sinh cần được biết thêm về không khí, bối cảnh lịch sử văn hoá xã hội, đặc trưng giai đoạn văn học mà bài thơ thuộc vào, những hiểu biết nhất định về tiểu sử, phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Đây là những yếu tố góp phần không nhỏ trong việc xác định tình huống cảm xúc trong thơ cũng như mách bảo cho học sinh đường đi nước bước thâm nhập vào tác phẩm.

Tiếp nhận "Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, học sinh cần biết bài thơ được sáng tác khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và chỉ một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Chính trong những tháng ngày phải chống trọi với bệnh tật, giành lại sự sống, nhà thơ càng tha thiết yêu cuộc sống và nguyện cống hiến cuộc đời mình, làm một mùa xuân nho nhỏ dâng cho đời, cho đất nước. Dạy học “Đồng chí” của Chính Hữu, nên cho các em tham khảo hoàn cảnh ra đời của tác phẩm do chính nhà thơ kể lại: “Vào cuối năm 1947 tôi tham ra chiến dịch Việt Bắc. Địch nhảy dù ở Việt Bắc và hành quân từ Bắc Kạn lên Thái Nguyên. Chúng tôi phục kích từng chặng đánh, truy kích binh đoàn Beaufrê. Khi đó tôi là chính trị viên đại đội. Chiến dịch vô cùng gian khổ. Bản thân tôi cũng chỉ phong phanh trên người một bộ áo cánh, đầu không mũ, chân không giày. Đêm ngủ nhiều khi phải rải lá cây khô để nằm, không có chăn màn, ăn uống rất kham khổ vì đang trên đường hành quân truy kích địch. Tôi cũng phải có trách nhiệm chăm sóc anh em thương binh và chôn cất tử sỹ. Sau trận đánh đó, tôi phải nằm lại điều trị tại đơn vị … Trong khi ốm, nằm ở nhà sàn heo hút, tôi làm bài thơ Đồng chí … Đó

là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng những người bạn nông dân của mình”. Chính vì ra đời trong hoàn cảnh như vậy mà cảm xúc trong bài thơ là tình đồng chí, đồng đội chân thành, thiêng liêng sâu nặng. “Bếp lửa” của Bằng Việt được sáng tác năm 1963, khi nhà thơ đang phải rời xa người thân, xa quê hương theo học tại nước Nga xa xôi. Chính khoảng cách không gian, thời gian khiến cho nỗi nhớ về bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa trong bài thơ càng trở lên tha thiết, da diết hơn bao giờ hết.

Khi dạy học bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy cần cho học sinh biết con người đã nghĩ gì, sống như thế nào khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Chính thái độ sống thờ ơ lãng quên quá khứ của một số người và cũng có thể của chính tác giả đã khiến nhà thơ viết “Ánh trăng” với những suy ngẫm sâu sắc mà thấm thía về bài học ân tình thuỷ chung với quá khứ, với những giá trị tốt đẹp. Mặt khác nên cho học sinh biết những sáng tác của Nguyễn Duy sau 1975 luôn là sự hồi tưởng về quá khứ, cội nguồn để mà trăn trở day dứt (Đò lèn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…).

Học sinh cũng cần được biết hoàn cảnh sống và làm việc của Bác trong những năm tháng hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc khi tiếp nhận bài thơ “Tức cảnh Pắc Bó” (1941) của Người. Đó là mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống và làm việc trong hang Pắc Bó (Cốc Bó, tiếng tầy nghĩa là đầu người) thuộc huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn gian khổ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn kể lại: “Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng Bác thức dậy thấy một con rắn lớn nằm khoanh tròn cạnh Người. Bác sốt rét luôn. Thức ăn cũng rất thiếu (…). Có thời gian cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như các anh em khác phải ăn toàn cháo hàng tháng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng thấy Bác thích nghi một cách rất tự nhiên. Chẳng hiểu Bác được rèn luyện từ bao giờ, như thế nào mà mọi biến cố đều không mảy may lay chuyển được Bác… Mặc dù vậy, Bác rất vui… Người làm việc say sưa miệt mài”. Chính vì sống trong hoàn cảnh như vậy với một tính cách như vậy mà cảm xúc trong bài thơ “Tức cảnh Pắc Bó” là niềm vui được hoà mình với thiên nhiên núi rừng, là tinh thần lạc quan cách mạng, vượt qua mọi thiếu thốn gian khổ của nhà thơ, người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.

Dạy học “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận cần cho học sinh biết bài thơ được viết vào năm 1958, khi đất nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Không khí hào hứng, phấn khởi, tin tưởng bao trùm trong đời sống xã hội và khắp nơi dấy lên phong trào phát triển sản xuất, xây dựng đất nước. Chuyến đi thâm nhập thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh vào nửa cuối 1958 đã giúp nhà thơ Huy Cận thấy rõ và sống trong không khí lao động ấy của nhân dân ta, góp phần mở ra một chặng đường mới trong thơ Huy Cận. Do vậy mà “Đoàn thuyền đánh cá” mang một cảm xúc tự hào về thiên nhiên đất nước, con người Việt Nam cũng như niềm vui, niềm tin vào cuộc sống mới của nhà thơ.

Học bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, học sinh cần tìm hiểu về ông đồ, nghệ thuật viết thư pháp và thú chơi chữ, câu đối Tết của người Việt Nam xưa. Học sinh cũng cần được biết về tình cảnh Hán học suy tàn khi bài thơ ra đời. Những hiểu biết trên kết hợp với tình huống trong bài thơ, học sinh sẽ xác định được mạch cảm xúc của bài thơ là sự ngậm ngùi, day dứt của nhà thơ trước sự tàn lụi, vắng bóng của một lớp người, những con người đã từng làm nên giá trị văn hoá, tinh thần của một thời đã qua.

Như vậy, có xác định được hoàn cảnh, sự kiện, tình huống, tâm thế của nhân vật trữ tình ta mới dễ dàng hình dung tâm trạng trữ tình của họ. Từ đó mới có cơ sở để lý giải sự vận động của mạch cảm xúc trong thơ.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w