24 Nói với con
2.1.1.4. Lý thuyết thi pháp thơ trữ tình.
Thơ ca đặc biệt là thơ trữ tình từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học. Đã có cả lý thuyết về thi pháp thơ được hình thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng đặc trưng thi pháp thơ vào giảng dạy, tiếp nhận thơ trữ tình nhất là thơ trữ tình hiện đại trong nhà trường phổ thông.
Lý thuyết thi pháp thơ đã chỉ ra hình tượng trong thơ trữ tình chính là hình tượng cảm xúc. Cảm xúc trở thành nét độc đáo và là nội dung chính trong thơ trữ tình. Chính nội dung cảm xúc đã làm nên đặc tính chủ quan của thể loại và cái “tôi trữ tình” đã trở thành khái niệm then chốt chỉ ra bản chất chủ quan ấy. Đây được coi là khái niệm trung tâm mang tính khái quát nhất, chỉ ra được sự tự ý thức của chủ thể, một bản chất sâu kín đặc biệt của phương thức trữ tình đồng thời chỉ ra được phương diện cá nhân, cá tính, độc đáo của hình tượng trữ tình.
Theo tác giả Lê Lưu Oanh, “Cái tôi trữ tình là thế giới chủ quan, thế giới tinh thần của con người được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện của thơ” [57/18]. Và “Bản chất chủ quan của thể loại trữ tình thể hiện ở nguyên tắc tiếp nhận và tái hiện đời sống thông qua toàn bộ nhân cách người trữ tình” [57/18]. Cái tôi trữ tình tồn tại như một yếu tố trung tâm, có thể liên kết, thống
nhất các yếu tố khác của thể loại như: đề tài, cảm hứng, tư tưởng, nhân vật trung tâm, hình ảnh, giọng điệu, lời thơ. Chính vì vậy mà khi tiếp nhận thơ trữ tình không thể không bắt đầu từ khái niệm then chốt này.
Cái tôi trữ tình trong thơ lại có những biểu hiện đa dạng, phong phú qua những khái niệm gần gũi, liên quan như: chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình. Do đó, cảm nhận cảm xúc trong thơ trữ tình chính là tiếp nhận và lý giải cảm xúc của nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình và cái đích đến chính là nắm bắt được chiều sâu tâm hồn, tư tưởng tình cảm của cái tôi trữ tình, thông điệp thẩm mỹ mà nhà thơ gửi đến cuộc đời. Và dĩ nhiên, muốn nắm bắt chiều sâu cảm xúc của nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình trong thơ, bạn đọc cần thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, giải mã các phương diện hình thức thơ như: ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu … Đi từ hình thức nghệ thuật để giải mã nội dung chính là con đường thâm nhập, lý giải đúng đắn tác phẩm văn chương nói chung và thơ trữ tình nói riêng. “Giảng thơ trữ tình chủ yếu là giảng hình tượng thơ, là qua hình tượng để giảng nội dung, là thông qua việc phân tích các yếu tố về thể loại, kết cấu, ngôn ngữ để làm sống dậy hình tượng với tất cả vẻ đẹp chiều sâu của nó” [69/26]. Và vì ngôn ngữ thơ có tính hàm súc nên “quá trình khám phá bài thơ phải rất công phu, đi từ lớp nghĩa, lớp hình ảnh, lớp âm thanh, nhịp điệu để tìm hiểu hết các tầng nghĩa. Có khi điều bài thơ gọi ra còn quan trọng hơn điều nói rõ. Chưa đọc kỹ ngôn ngữ thơ đã hăm hở phân tích nội dung thơ là phạm sai lầm căn bản” [64/370].
Tác giả Trần Thanh Đạm cũng khẳng định: “Học thơ là cảm và hiểu, dạy thơ là đọc và giảng. Khi cảm và hiểu, đọc và giảng thơ đều cần lưu ý đến đặc trưng thơ”. Dạy học thơ trữ tình theo đúng đặc trưng loại thể là bước thâm nhập đúng đắn và cũng là con đường nhanh nhất để chiếm lĩnh được hình tượng cảm xúc trong thơ.