Sử dụng câu hỏi cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 88)

24 Nói với con

2.3.2.3. Sử dụng câu hỏi cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng.

Việc đổi mới phương pháp dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường phổ thông đã đưa phương pháp gợi mở (trong đó có biện pháp nêu câu hỏi) trở thành phương pháp quan trọng nhất. Đàm thoại có ưu thế hơn hẳn so với các phương pháp khác trong việc đảm bảo nguyên tắc học sinh là chủ thể tích cực, chủ động, sáng tạo trong giờ học. Trong phương pháp dạy học văn, chúng ta cũng thấy việc thiết kế giáo án thường được thể hiện thành một hệ thống câu hỏi. Điều này cho thấy đàm thoại đã được vận dụng một cách triệt để trong dạy học văn.

Như chúng ta đã biết tưởng tượng và liên tưởng là hai thao tác, hai năng lực cần thiết trong tiếp nhận văn chương. Trong quá trình ấy, cảm xúc đóng vai trò hết sức quan trọng. Chừng nào trái tim bạn đọc chưa rung nên, chưa có phản ứng xúc cảm thực sự thì chưa thể nói là tiếp nhận văn chương đích thực. Trong hoạt động đọc và tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình, học sinh đã có những phát hiện và cảm nhận ban đầu về tác phẩm cũng như cảm xúc trong thơ. Tuỳ thuộc vào năng lực văn chương, vốn sống, vốn kinh nghiệm, sự nhạy bén trong tình cảm, cảm xúc mà sự cảm nhận mạch cảm xúc trong thơ có sự khác nhau. Tiếp nhận văn chương vốn đã mang đậm tính chủ quan thì quá trình tiếp cận và tiếp nhận ban đầu bằng trực cảm của học sinh lại càng mang tính chủ quan hơn nữa. Do vậy mà rất cần đến những câu hỏi của giáo viên nhằm kích thích khả năng hình dung, tưởng tượng, liên tưởng của các em về tác phẩm, khơi gợi và tô đậm, khắc sâu những tượng ban đầu, những cảm nhận chung nhất về bài thơ cũng như cảm xúc trong thơ.

Câu hỏi cảm xúc là câu hỏi yêu cầu học sinh bộc lộ những ấn tượng chung nhất hoặc những ấn tượng, cảm xúc ban đầu về những yếu tố thuộc nội dung cảm xúc hay hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Chẳng hạn: Em có ấn tượng như thế nào sau khi đọc và nghe đọc bài thơ “Khi con tu hú”? Em hãy nêu những ấn tượng chung của mình về bài thơ “Nhớ rừng”? Có ý kiến cho rằng bài thơ “Đoàn thuyền

đánh cá” nhìn chung mang một âm hưởng vui, khoẻ khoắn, hình ảnh thơ lãng mạn bay bổng. Em có cùng ấn tượng như vậy không? Em cảm nhận âm hưởng và giọng điệu bài thơ này như thế nào? Bài thơ có giọng điệu vui hay buồn, sôi nổi, tha thiết hay bi phẫn? Câu hỏi về ấn tượng chung thường được đặt ra sau khi học sinh và giáo viên đã đọc diễn cảm bài thơ. Câu hỏi ấn tượng chung thuộc vào bước đầu tiên giúp học sinh tiếp cận và cảm nhận được ấn tượng tổng thể về tác phẩm. Chỉ sau khi đã có ấn tượng tổng thể thì mới có thể bước vào quá trình phân tích mổ xẻ nó. Có như vậy thì khi tiến hành phân tích, học sinh vẫn giữ được những ấn tượng tươi mới ban đầu về tác phẩm.

Cần đưa ra những câu hỏi yêu cầu học sinh bộc lộ cũng như định hướng cảm nhận cho các em về cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, chủ thể trữ tình trong bài thơ cũng như các phương tiện nghệ thuật bộc lộ, diễn tả cảm xúc ấy. Chẳng hạn: Em có cảm nhận như thế nào về tâm trạng của người cháu trong bài thơ “Bếp lửa”? Theo em, những câu thơ nào, từ ngữ nào thể hiện rõ nhất tâm trạng của nhân vật trữ tình? Đọc bài thơ, em thấy ấn tượng với câu thơ nào, hình ảnh nào nhất? Nhan đề bài thơ có gợi cho em điều gì không? Em có cảm nhận như thế nào về hệ thống ngôn từ và hình ảnh trong bài thơ?...

Bất cứ học sinh nào khi đọc tác phẩm cũng đều có những ấn tượng, cảm xúc nhất định về tác phẩm ấy với những chiều hướng và mức độ nông sâu khác nhau. Việc nêu câu hỏi, yêu cầu các em bộc lộ những ấn tượng, cảm xúc của mình sẽ góp phần khắc sâu, định hướng những ấn tượng và cảm nhận của các em về bài thơ, cũng như mạch cảm xúc trong thơ. Qua đó, hình thành cho học sinh thói quen, thao tác tiếp cận tác phẩm bắt đầu từ những ấn tượng chung nhất trong tính chỉnh thể của tác phẩm. Để rồi sau đó, quá trình phân tích, cắt nghĩa sẽ lý giải, kiểm nghiệm để khẳng định hoặc điều chỉnh những nhận định, cảm nhận ban đầu.

Bên cạnh những câu hỏi yêu cầu học sinh bộc lộ cảm xúc, những cảm nhận, ấn tượng chung nhất ban đầu về bài thơ, cảm xúc trong thơ cũng như các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm, để giúp học sinh cảm nhận tốt hơn mạch cảm xúc ấy còn cần đến những câu hỏi kích thích, gợi tưởng tượng, liên tưởng cho các em.

Trong các thiết kế dạy học tác phẩm văn chương, thường có phần dựng hình tượng nghĩa là yêu cầu học sinh tái hiện lại hình tượng văn học nhưng các câu hỏi thực hiện chúng lại không phải là yêu cầu tái hiện hình tượng mà là phân tích hình tượng. Chẳng hạn với đoạn đầu của bài thơ “Khúc hát ru những em bé

lớn trên lưng mẹ” mà nêu câu hỏi: “Hình ảnh người mẹ địu con giã gạo được tác giả miêu tả như thế nào?” sẽ khiến các em dựa vào ngôn từ, hình ảnh mà phân tích để trình bày chứ không hướng tới việc tái hiện lại bức tranh bà mẹ Tà Ôi địu con giã gạo. Cùng với đoạn thơ trên nếu ta đặt câu hỏi: “Nếu được vẽ bức tranh bà mẹ Tà Ôi địu con giã gạo thì em sẽ vẽ như thế nào để lột tả được tư thế và tình cảm của nhân vật. Em tập trung vào nét vẽ nào? Cái gì vượt ra ngoài khả năng của hội họa?” Với câu hỏi trên, một mặt các em vừa tái hiện lại bức tranh bà mẹ Tà Ôi địu con giã gạo, tập trung vào những chi tiết: dáng gầy nghiêng nghiêng của người mẹ, những giọt mồ hôi; mặt khác các em lại thâm nhập vào bức tranh ấy. Các em còn cảm nhận được tình yêu con tha thiết của người mẹ, thứ tình yêu được cất lên từ trái tim sâu thẳm của tình mẫu tử thiêng liêng: “Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”.

Cũng cần kích thích khả năng liên tưởng của học sinh để các em huy động vốn tri thức, kinh nghiệm của mình trong việc cảm thụ văn học khiến sự cảm thụ trở nên nhạy bén hơn. Dạy học “Bếp lửa” của Bằng Việt (NV9), có thể nêu câu hỏi: “Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt khiến em liên tưởng đến bài thơ nào viết về tình bà cháu mà em đã được học?” Với câu hỏi này sẽ đưa các em trở về, nhớ lại bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã học trong chương trình Ngữ Văn 7. Từ những điểm chung trong cảm xúc của hai bài thơ, các em sẽ cảm nhận được ký ức tuổi thơ được sống trong tình yêu thương đùm bọc của người thân sẽ theo suốt cuộc đời mỗi con người. Chỉ cần có một tín hiệu gợi ra, ký ức ấy sẽ được đánh thức và trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Trong ký ức ấy, hình ảnh về người bà tần tảo sớm hôm chắt chiu dành tình yêu thương cho con cháu luôn chiếm một vị trí quan trọng. Từ những suy nghĩ trên, các em sẽ cảm nhận tốt hơn mạch cảm xúc trữ tình trong bài thơ. Ngoài ra có thể yêu cầu các em liên tưởng đến chính cuộc sống của mình: “Bài thơ chắc chắn sẽ gợi nhắc về kỉ niệm tuổi thơ được sống cùng với bà trong mỗi chúng ta. Các em có thể chia sẻ với cô giáo và các bạn được không?” Chắc chắn từ những kinh nghiệm của mình, các em sẽ có được sự cộng hưởng cảm xúc với nhà thơ, sẽ cảm nhận tốt hơn những xúc cảm mà nhà thơ gửi gắm.

Khuyến khích khả năng tưởng tượng, liên tưởng ở các em là rất cần thiết trong dạy học tác phẩm văn chương nói chung và thơ trữ tình nói riêng. Tuy nhiên, những biểu hiện của tưởng tượng, liên tưởng rất đa dạng, phong phú.

Không thiếu những trường hợp học sinh liên tưởng một cách ngô nghê, buồn cười, hoàn toàn tùy tiện, ngẫu nhiên. Chính vì thế, giáo viên không chỉ đặt câu hỏi mà còn cần lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra. Sau khi học sinh trả lời, cần có sự định hướng thích đáng vừa không áp đặt lại hướng các em đến cách tiếp cận tối ưu nhất. Sau những liên tưởng, tưởng tượng của các em, giáo viên cần giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn thông qua những lời giảng giải, những lời bình hấp dẫn.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình khi dạy học thơ trữ tình hiện đại việt nam ở trường trung học cơ sở (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w