24 Nói với con
2.1.2. Tiền đề thực tiễn.
Những tiền đề thực tiễn cho việc đề xuất biện pháp hướng dẫn học sinh phát hiện, cảm nhận và phân tích mạch cảm xúc trữ tình trong thơ trữ tình hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn trung học cơ sở chính là thực trạng dạy và học thơ trữ tình hiện đại Việt Nam trong nhà trường trung học cơ sở hiện nay.
Qua tìm hiểu, dự giờ ở một số giáo viên Ngữ Văn, chúng tôi thấy nhìn chung giáo viên đã khai thác tác phẩm văn chương trong mối quan hệ hữu cơ giữa hình thức và nội dung. Một số giáo viên đã bám sát mạch cảm xúc làm nổi bật
hình tượng trữ tình. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên chưa quan tâm đến nhạc tính trong thơ. Các yếu tố nghệ thuật như vần, nhịp điệu, âm hưởng tiết tấu làm nên giọng điệu thơ cũng như những từ ngữ, hình ảnh biểu hiện tâm trạng cảm xúc của nhân vật, chủ thể trữ tình vẫn chưa được chú ý đúng mức. Có giáo viên chỉ cố gắng chuyển tải cho xong kiến thức mà không khai thác sâu hình thức biểu hiện.
Thậm chí có giáo viên còn chưa nắm chắc đặc trưng của thơ trữ tình với tư cách là một thể của loại trữ tình trong sự phân biệt với tự sự và kịch. Do vậy mà dẫn tới hiện tượng dạy thơ trữ tình không đúng theo đặc trưng loại thể, một yêu cầu có tính nguyên tắc trong dạy học tác phẩm văn chương hiện nay. Vẫn còn đó hiện tượng dạy thơ trữ tình theo lối chia đoạn, chia khổ, đi sâu vào các sự kiện, cốt truyện mà không chú ý tới cảm xúc cũng như sự vận động logic của mạch cảm xúc trữ tình trong thơ. Điều này cũng dẫn tới khuynh hướng tự sự hoá khi dạy thơ trữ tình. Đó là tìm hiểu nội dung thơ từ khách thể, dùng đối tượng phản ánh thay cho thái độ phản ánh, khách thể lấn át chủ thể. Chẳng hạn khi dạy học “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, nhiều giáo viên chỉ chú tâm phân tích hình ảnh bà mẹ Tà Ôi mà bỏ qua cảm xúc yêu thương trân trọng xen lẫn ngợi ca của tác giả; dạy học “Lượm” của Tố Hữu, chỉ chú tâm khai thác hình ảnh Lượm mà không thấy được niềm yêu mến, cảm phục và tâm trạng đau xót nghẹn ngào của nhà thơ dành cho nhân vật của mình. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên hạn chế hứng thú, xúc cảm của học sinh trong giờ học tác phẩm văn chương.
Nhiều giáo viên còn chưa phân biệt rõ các khái niệm cái tôi trữ tình, chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình; chưa nắm được những hình thức biểu hiện của chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình trong thơ. Do vậy mà còn khá lúng túng trong việc xác định chủ thể trữ tình. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám phá và lý giải mạch cảm xúc trữ tình trong thơ.
Có giáo viên còn chưa thực sự hiểu rõ các phương tiện nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng trong việc biểu đạt cảm xúc trữ tình dẫn tới những nhầm lẫn trong việc khai thác hình ảnh thơ. Trong một cuốn thiết kế hệ thống câu hỏi đọc hiểu văn bản được phổ biến rộng rãi của một tác giả có tên tuổi vẫn còn có nhầm lẫn trong định hướng cắt nghĩa ảnh thơ. Câu thơ “Từng giọt long lanh rơi” trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được hiểu là những giọt sương sớm long lanh rơi. Suy diễn đó đều do việc hiểu sai từ “giọt” mà ra. Thực ra, trong trường hợp này, tác
giả đã sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác. Ở đây không phải là giọt sương mà là những “giọt” âm thanh, “giọt” tiếng chim hót. Quá say sưa, ngỡ ngàng trước khung cảnh mùa xuân đẹp, nhà thơ muốn tận huởng trọn vẹn cái khoảnh khắc kỳ diệu của đất trời. Và với từ “giọt”, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác đã giúp nhà thơ hữu hình hoá thứ âm thanh kỳ diệu nhưng lại rất vô hình kia. Nó góp phần bộc lộ cảm xúc, tình yêu tha thiết của nhà thơ với mùa xuân của thiên nhiên đất nước.
Nhiều giáo viên còn chưa thực sự hiểu rõ bản chất của tích hợp trong dạy học Văn dẫn tới tình trạng tích hợp kiến thức một cách khiên cưỡng. Có giáo viên quá chú trọng, loay hoay trong việc tích hợp kiến thức Tiếng Việt, Làm văn trong giờ dạy học thơ trữ tình mà làm mất đi đặc trưng phân môn của văn học dẫn tới tình trạng khai thác cảm xúc thơ một cách hời hợt, chung chung. Khi học xong, học sinh không có ấn tượng sâu sắc về cảm xúc trong tác phẩm.
Trong thời gian gần đây, hầu hết giáo viên Ngữ Văn đều hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng coi học sinh là bạn đọc sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong giờ học tác phẩm văn chương. Giáo viên cũng đã tổ chức hoạt động dẫn dắt học sinh tiếp cận, phân tích, cắt nghĩa, lý giải tác phẩm. Nhưng cũng rất ít giáo viên gợi được những hồi tưởng, suy tư, rung động thực sự cho học sinh. Giờ dạy học thiếu đi hoạt động bình giá. Có chăng, lời bình lại không từ cảm xúc đích thực, không tạo được không khí văn chương. Việc vận dụng phương pháp lên lớp của giáo viên còn chưa linh hoạt, đôi khi khiên cưỡng gò ép, áp dụng một mô hình các bước lên lớp chung cho tất cả các bài thơ.
Có giáo viên còn lầm lẫn rằng tích cực hoá hoạt động của học sinh là bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi cho học sinh trả lời. Và tiếc thay, hầu hết lại là những câu hỏi tái hiện, phát hiện chứ ít có những câu hỏi hình dung, tưởng tượng, bình giá nghệ thuật. Hậu quả là giờ học giải quyết những vấn đề lan man, vụn vặt, phá vớ tính hệ thống chỉnh thể của bài thơ mà học sinh lại không nắm được cảm xúc chính, vấn đề trọng tâm, điều làm nên linh hồn của bài thơ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giáo viên cháy giáo án hoài mà học sinh vẫn không có được hứng thú với bộ môn.
Về phía học sinh, đây không phải là lần đầu tiên các em tiếp xúc với thơ trữ tình nói chung và thơ trữ tình hiện đại nói riêng. Ở bậc tiểu học, các em đã
được tiếp xúc với những văn bản dạng này tuy nhiên với một sự thâm nhập chưa sâu sắc. Với những kiến thức đã học về văn biểu cảm, thơ trữ tình ở lớp 7, các em đã phần nào nắm được mô hình thơ trữ tình và phân biệt thơ trữ tình với tác phẩm tự sự. Các em đã biết được cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất trong thơ và cảm xúc ấy được biểu hiện qua những phương diện nghệ thuật như: từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, các biện pháp tu từ v.v.. Đó là những tiền đề năng lực nhất định để các em có khả năng tiếp nhận thơ trữ tình.
Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức loại thể nên đôi khi các em còn gặp nhiều lúng túng trong việc xác định chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình. Do hạn chế về ngôn ngữ nghệ thuật nên khả cảm thụ các phương diện hình thức nghệ thuật trong thơ chưa cao; kinh nghiệm, vốn sống chưa nhiều nên khả năng liên tưởng, tưởng tượng chưa phong phú. Do vậy, rất cần sự định hướng và bồi dưỡng năng lực cảm nhận thơ trữ tình nhất là thơ trữ tình hiện đại cho các em.