24 Nói với con
2.1.1.1. Những đổi mới phương pháp dạy học Vă nở trung học cơ sở hiện nay.
hiện nay.
Trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và sự bùng nổ thông tin trên toàn cầu hiện nay, giáo dục luôn đứng trước nguy cơ tụt hậu so với đời sống, không đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội. Bối cảnh trên đã đặt ngành giáo dục nước ta vào thế tự phải đổi mới trong đó có đổi mới phương pháp dạy học. Phương pháp dạy học văn ở phổ thông nói chung và trung học cơ sở nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đổi mới nói trên.
Những đổi mới phương pháp dạy học văn ở phổ thông hiện nay đi theo một hướng thống nhất, bao hàm hai chữ “tích”. Tích hợp trong dạy học Ngữ Văn và tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh thông qua hệ thống phương pháp dạy học tích cực.
* Đổi mới phương pháp dạy học văn theo hướng tích cực.
Phương pháp dạy học văn theo huớng tích cực hóa hoạt động của học sinh còn được diễn đạt bằng những mệnh đề gần gũi như: “Dạy học hướng vào học sinh”, “Dạy học tác phẩm văn chương theo hướng coi học sinh là bạn đọc sáng tạo”. Đây là phương pháp dạy học đặc biệt coi trọng yếu tố người học, nhằm khởi động và phát huy tính chủ động, sáng tạo, kiên trì của học sinh trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương.
Trong dạy học văn truyền thống, quá trình dạy học tác phẩm văn chương chỉ tồn tại hai mối quan hệ: giáo viên – tác phẩm và giáo viên - học sinh, học sinh chỉ thụ động tiếp nhận tác phẩm thông qua sự tiếp nhận và truyền mớm của giáo viên. Trong những năm gần đây, với những thành tựu của tâm lý học tiếp nhận, lý thuyết ba điểm nhìn và tương tác nhiều chiều trong cơ chế dạy học văn mới đã giúp nhà trường phổ thông từng bước đổi mới phương pháp dạy học văn theo hướng học sinh là bạn đọc sáng tạo, là chủ thể tiếp nhận tác phẩm văn chương.
Coi học sinh là bạn đọc sáng tạo tức là đã đặt ra yêu cầu cao đối với các em, buộc các em phải làm việc độc lập với tác phẩm một cách chủ động, tích cực để rồi sau đó, dưới sự dẫn dắt của giáo viên, các em sẽ hiểu sâu tác phẩm, nâng cao tầm nhận thức, năng lực tư duy, óc phán đoán, năng lực liên tưởng tưởng tượng. Từ đó, các em nắm được phương pháp phân tích tác phẩm, rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; kỹ năng vận dụng ngôn ngữ, kiến thức văn học sử, lý luận văn học vào cuộc sống; phát triển khả năng thẩm mỹ và năng lực khái quát hóa của mình. Coi học sinh là chủ thể nhận thức mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo còn có nghĩa là yêu cầu học sinh phải tham gia vào quá trình “đồng sáng tạo” với nhà văn và giải quyết được mâu thuẫn giữa việc tiếp nhận tác phẩm văn chương mang đầy tính chủ quan với việc lĩnh hội tác phẩm văn chương có định hướng trong giờ dạy học. Coi học sinh là chủ thể tức là yêu cầu các em khi đọc tác phẩm phải đưa tác phẩm vào một văn cảnh mới, quan hệ mới, từ đó phát hiện ra, bổ sung thêm ý nghĩa cho tác phẩm.
Đổi mới phương pháp dạy học văn theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh không có nghĩa là vai trò, vị trí của người giáo viên giảm đi. Ngược lại, nhiệm vụ của người giáo viên còn nặng nề và công phu hơn rất nhiều. Giáo viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là người tổ chức, định hướng, điều khiển, điều chỉnh quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương ở học sinh. Do vậy mà đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn cao, óc sáng tạo cũng như năng lực sư phạm để có thể khởi xướng, động viên, trợ giúp, tư vấn khoa học, điều khiển hoạt động học của học sinh khi cần thiết trong quá trình chiếm lĩnh tri thức mới. Nếu trước đây, giáo viên chỉ cần tiếp nhận kiến thức và truyền đạt một chiều đến học sinh thì giờ đây, giáo viên phải trở thành người bắc cầu nối giữa văn bản tác phẩm và học sinh, người tạo ra sự hòa đồng giữa hai quá trình: tác động của văn bản và quá trình tiếp nhận những tác động đó ở học sinh, người tổ chức hoạt động giải mã những tín hiệu thẩm mỹ mà tác giả đã mã hóa trong tác phẩm để tìm ra thông điệp của nhà văn. Đồng thời, giáo viên phải biết tạo ra những tình huống làm bùng nổ nhận thức cho học sinh, giúp khai sáng, mở rộng, nâng cao tầm nhận thức, đem lại sự hứng khởi trong sáng tạo, tìm tòi, phát hiện ở mỗi em.
Tiếp nhận tác phẩm văn chương là hoạt động bên trong của mỗi cá thể bạn đọc. Vì vậy phải có một hệ thống các biện pháp, thao tác làm cho hoạt động cảm thụ văn chương của học sinh được “vật chất hóa”. Giờ dạy tác phẩm văn chương
theo quan điểm đổi mới nêu trên nhất thiết phải được thiết kế thành một hệ thống các thao tác, việc làm để học sinh thực sự có hoạt động trí tuệ từ bước tri giác ngôn ngữ đến hồi ức, liên tưởng, tưởng tượng, so sánh, phân tích, khái quát theo con đường cảm xúc hóa phù hợp với quy luật cảm thụ văn chương. Học sinh vừa giữ vị trí chủ thể chiếm lĩnh, tiếp nhận tác phẩm như giáo viên lại vừa được giáo viên hướng dẫn. Giáo viên không cảm thụ hộ mà là người đứng ra tổ chức quá trình cảm thụ cho các em. Sẽ không còn chấp nhận lối dạy học truyền thụ một chiều “từ miệng đến tai” theo kiểu thầy là cha đạo, trò là con chiên, thầy toàn quyền về kiến thức, nói sao trò phải nghe vậy như trước kia nữa. Theo đó, trò cũng không còn là cái bình để chứa kiến thức mà là ngọn lửa cần được thắp sáng bằng chính tài năng và tâm huyết của người thầy. Và mọi biện pháp được sử dụng trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu chiến lược nêu trên.
* Đổi mới phương pháp dạy học văn theo huớng tích hợp.
Nếu tích hợp là sự phối kết nhiều lĩnh vực khác nhau vào một lĩnh vực nhằm đáp ứng nhận thức ngày càng cao của con người thì tích hợp trong giáo dục là “một phương hướng nhằm phối hợp một cách tối ưu các quá trình học tập riêng rẽ, các môn học, các phân môn khác nhau theo những hình thức, mô hình, cấp độ khác nhau đáp ứng những mục đích và yêu cầu cụ thể khác nhau” (SGK NV6 T1).
Tích hợp là nét nổi bật nhất của chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn mới, chi phối cách xây dựng chương trình dạy học, chỉ đạo nội dung và phương pháp dạy học Ngữ Văn. Tích hợp trong dạy học Ngữ Văn có thể hiểu một cách chung nhất là phương hướng phối hợp một cách tốt nhất các quá trình học tập của nhiều môn học cũng như các phân môn Văn, Tiếng Việt, Làm văn vào một môn Ngữ Văn xoay quanh trục đồng quy là sáu kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và điều hành. Nhờ tích hợp mà kết quả nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, phát triển phương pháp làm việc của môn học và phân môn tốt hơn rất nhiều. Tích hợp trong dạy học Ngữ Văn còn được hiểu một cách đơn giản là dạy học ba phân môn hợp nhất, học cái này thông qua cái kia và ngược lại. Như thế sẽ tránh được những vướng mắc, dư thừa, chồng chéo nội dung trong quá trình dạy học Văn, Tiếng Việt, Làm văn như trước đây.
Giáo viên cần phải tìm ra những điểm chung của cả ba phân môn cũng như nội bộ từng phân môn để thực hiện việc tích hợp bao gồm cả tích hợp ngang (tích
hợp trong từng bài học giữa ba phân môn) và tích hợp dọc (tích hợp giữa kiến thức đã học với cái sẽ học). Việc bố trí hai vòng dạy học Ngữ Văn (6 - 7 và 8 - 9) theo hướng đồng tâm, phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp dọc trong quá trình dạy học.
Dạy học tác phẩm văn chương nói chung và dạy học thơ trữ tình hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ Văn trung học cơ sở, giáo viên cần tích hợp với kiến thức của phân môn Tiếng Việt để khai thác triệt để các đơn vị ngôn ngữ như: từ, cụm từ, câu với các bình diện ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tu từ để lý giải tác dụng thẩm mỹ và sự hấp dẫn nghệ thuật của những yếu tố ngôn ngữ này trong chức năng tạo hình và biểu hiện của tác phẩm văn học. Điều quan trọng và cũng là nghệ thuật của người thầy là biết gợi liên tưởng đúng lúc để học sinh nhớ lại một cách có hệ thống kiến thức tiếng Việt có liên quan. Từ đó, các em có thể vận dụng nó để phân tích, cắt nghĩa ngôn từ tác phẩm trong mối quan hệ hữu cơ với tư tưởng chủ đề và mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình. Chẳng hạn, khi dạy học những bài thơ của Bác, kiến thức về từ Hán Việt nếu được khai thác, vận dụng tốt, học sinh sẽ hiểu sâu sắc vẻ đẹp tư tưởng của mỗi vần thơ.
Thơ trữ tình hiện đại Việt Nam nằm trong nhóm những văn bản biểu cảm. Dường như chúng chỉ được dạy học như các đối tượng đọc hiểu của phân môn Văn hơn là ngữ liệu trực tiếp để hình thành các tri thức về văn bản biểu cảm của phân môn Làm văn. Các tri thức về văn bản biểu cảm được dạy học tập trung ở lớp 7 (Khái niệm, đặc điểm của văn biểu cảm, yếu tố tự sự và miêu tả trong văn biểu cảm) trong khi các tác phẩm thơ trữ tình hiện đại Việt Nam xuất hiện từ lớp 6 đến lớp 9. Nhưng điều đó không làm mất đi sự phong phú của các cơ hội dạy tích hợp Văn – Tiếng Việt. Ở lớp 6, cần gắn kết việc đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại với tri thức về văn biểu cảm sẽ học ở năm tới. Ở các lớp 7,8 và 9, cần gắn kết đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại với các tri thức về văn biểu cảm đã được hình thành từ lớp 7. Chẳng hạn dạy học “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, định huớng tích hợp sẽ là: yếu tố tự sự và miêu tả trong văn biểu cảm; tính chân thực và cao đẹp của cảm xúc trong văn biểu cảm.
Với thơ trữ tình hiện đại ở trung học cơ sở, một kênh kiến thức lý luận sẽ được mở ra cho dạy học tích hợp. Đó là sự gắn kết giữa đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại với tri thức về thể loại thơ trữ tình như: nguồn gốc cảm xúc trong thơ, đặc trưng nội dung thơ, nhân vật trong thơ, hình thức thơ, mối quan hệ của thơ với